Đây là kết luận do các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Boulder, bang Colorado đưa ra. Công trình nghiên cứu của họ được đăng trên tạp chí PNAS. Các nhà khoa học đã mời 6 người đàn ông khỏe mạnh dưới 30 tuổi tham gia thí nghiệm. Họ bị nhốt vào một phòng dưới sự giám sát chặt chẽ của các bác sĩ.
Hai ngày đầu những người tham gia thí nghiệm sống theo chế độ bình thường, sau đó được đưa dần vào một chế độ hoàn toàn đảo ngược: hoạt động và ăn uống vào ban đêm, rồi ngủ trong vòng tám tiếng vào ban ngày. Cứ 4 tiếng đồng hồ các chuyên gia lại lấy máu của những người đàn ông này để làm xét nghiệm.
Bằng loại thiết bị được phát triển tại trường Đại học Boulder, họ có được các số liệu về “thời gian biểu” công việc của hơn một nghìn các protein. Kết quả cho thấy việc thay đổi chế độ thức ngủ dẫn đến tình trạng biến dạng trong 129 liên kết protein. Ví dụ, trong số những liên kết bị biến dạng có glucagon, là hormon kích thích gan đưa thêm đường vào máu. Nghiên cứu cho thấy rằng trong thời gian một người tỉnh táo vào ban đêm, quá trình này hoạt động ở mức tối đa.
Cơ chế này đưa ra lời giải thích vì sao những người phải làm ca đêm có tỉ lệ mắc chứng bệnh tiểu đường cao hơn so với những người làm việc ở chế độ bình thường.