Facebook, Amazon, Netflix, Adidas và khoảng 300 công ty lớn khác đang trả tiền để quảng cáo của họ xuất hiện trong các video trên YouTube. Tuy nhiên theo CNN, nhiều thương hiệu không biết rằng quảng cáo đó lại hiển thị trên các nội dung bạo lực, phân biệt chủng tộc, ấu dâm hay tuyên truyền chủ nghĩa cực đoan… Thậm chí, một số tổ chức của chính phủ như Cục Giao thông vận tải và Trung tâm kiểm soát bệnh tật của Mỹ cũng có những quảng cáo xuất hiện trên các kênh này.
Quảng cáo vẫn xuất hiện trên các kênh YouTube không phù hợp để kiếm tiền.
Đây không phải lần đầu YouTube không bảo vệ các nhà quảng cáo trước các nội dung xấu. Đầu năm nay, mạng chia sẻ video của Google phải điều chỉnh chính sách sau khi quảng cáo được nhúng vào nhiều video không phù hợp để kiếm tiền. Năm 2015, quảng cáo của các công ty lớn cũng xuất hiện trên video của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
Tại Việt Nam năm 2017, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin & Truyền thông) phát hiện 17 video với nội dung vi phạm pháp luật, như: bôi xấu, xuyên tạc lịch sử, kích động thù hằn dân tộc… Trước và trong khi các video này được phát, nhiều hình ảnh quảng cáo của một số nhãn hàng lớn ở Việt Nam cũng xuất hiện, gây tổn hại đến thương hiệu và uy tín doanh nghiệp.
Hầu hết người dùng Internet đều có tài khoản YouTube và có thể tải video lên nhưng công ty sẽ quyết định nội dung và kênh nào họ đặt quảng cáo.
Kênh YouTube có từ 1.000 người đăng ký và từ 4.000 giờ xem trong 12 tháng qua có thể áp dụng kiếm tiền từ YouTube bằng cách nhận một phần doanh thu quảng cáo xuất hiện trên video của họ. Video có thể xuất hiện quảng cáo ngay cả khi kênh không bật kiếm tiền.
Bảo Anh