Một video lan truyền trên Facebook tuần trước, ghi lại khoảnh khắc một người đi xe máy ngã vào gầm xe container. Đầu người đàn ông rõ ràng đã bị bánh xe đè qua, nhưng dường như việc đội mũ bảo hiểm đã cứu mạng sống của anh ta. Khoảng 30 giây sau đó, anh chàng đứng dậy được, tự kiểm tra thương tích, và có vẻ như vẫn hoàn toàn lành lặn tỉnh táo, trong khi chiếc mũ bảo hiểm bị tháo ra đã méo xẹp.
Đoạn video ấn tượng như một màn ảo thuật khiến nhiều người không khỏi trầm trồ về độ an toàn của chiếc mũ. Thế nhưng, thực ra đó chỉ là nửa đầu của một đoạn video dài hơn đã bị cắt. Trong phần sau của đoạn video gốc, người đàn ông nhanh chóng bị mất thăng bằng và ngã quỵ, biểu hiện thường thấy của chấn thương sọ não. Một nguồn tin địa phương xác nhận đoạn video được ghi lại tại thành phố Cainta, tỉnh Rizal của Philippines, người đàn ông gặp nạn đã tử vong tại chỗ.
Vấn đề ở đây là, cũng giống như người đàn ông xấu số này, một sự tỉnh táo không ngờ có thể đánh lừa bất cứ ai trong số chúng ta sau khi gặp tai nạn. Đó là hiệu ứng gây ra bởi hooc-môn adrenaline, được tuyến thượng thận tiết ra một cách tự nhiên khi bạn gặp tình huống nguy hiểm. Adrenaline làm tăng tiết mồ hôi, giãn đồng tử, tim đập nhanh và thở gấp. Trên hết, nó còn trì hoãn được cả cảm giác đau và khiến bạn cảm thấy cực kỳ tỉnh táo và sung sức. Tất cả những tác dụng này có ích trong trường hợp bạn cần thoát ra khỏi một đống đổ nát hay một tình huống còn nguy hiểm. Nhưng nó cũng phản tác dụng trong nhiều trường hợp. Nếu vụ tai nạn kết thúc trong tình huống gần như đã an toàn, thay vì nằm yên một chỗ và chờ đợi sự cứu trợ, nạn nhân của nhiều vụ tai nạn có thể chủ quan, tự ngồi hoặc đứng dậy khiến họ gặp phải thương tích nặng hơn.

[Video] Sự thật xảy ra với người đàn ông bị container chèn qua đầu và bài học khi gặp tai nạn - Ảnh 3.

Adrenaline làm trì hoãn cảm giác đau và khiến bạn cảm thấy tỉnh táo sau tai nạn

Trường hợp dễ gây chủ quan nhất, ngay cả khi bạn không kiểm tra thấy bất kỳ thương tích và cảm giác đau đớn nào trên người mình sau một vụ tai nạn, chúng vẫn có thể xuất hiện sau vài giờ, thậm chí vài ngày, đặc biệt là đối với chấn thương sọ não. Bởi vậy, bất kể bạn có tự tin tới đâu, tốt nhất hãy nằm yên và nhờ người đưa mình tới bệnh viện kiểm tra sau khi gặp tai nạn. Ngoài ra, hãy theo dõi bất kể một triệu chứng bất thường nào xuất hiện vài ngày cho tới vài tuần sau đó. Dưới đây là những triệu chứng hay xuất hiện muộn sau một vụ tai nạn mà bạn cần biết: 1. Đau bụng Đau bụng là một triệu chứng không thể bỏ qua sau khi bạn gặp tai nạn giao thông. Nó có thể xuất phát từ chấn thương mô mềm hoặc chảy máu bên trong cơ thể . Đau bụng có thể xuất hiện vài ngày sau khi tai nạn xảy ra, và bạn sẽ cần điều trị ngay lập tức. Ngoài cơn đau bụng, nếu trên cơ thể xuất hiện vết bầm tím lớn, bạn nên trở lại cơ sở y tế để kiểm tra. 2. Nhức đầu, chóng mặt Chấn thương sọ não, cục máu đông, chấn thương cổ có thể dẫn đến những cơn đau đầu hoặc chóng mặt xuất hiện vài ngày sau vụ tai nạn. Đó là thời gian cho các mô mềm bị tác động tích lũy đủ tổn thương, gây chảy máu trong và làm chết mô não. Các tình trạng này đặc biệt nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng, mặc cho ở thời điểm rời khỏi hiện trường vụ tai nạn bạn vẫn hoàn toàn tỉnh táo. Thật không may, có nhiều nạn nhân chủ quan với các triệu chứng này và nghĩ rằng đó chỉ là một cơn đau đầu vì stress. Trên thực tế, khi gặp phải bất kỳ triệu chứng đau đầu, chóng mặt, thay đổi thị lực nào sau tai nạn, bạn phải đến bệnh viện ngay. Đó có thể là một trường hợp cấp cứu. Ngoài ra, các triệu chứng nặng hơn của chấn thương sọ não cũng có thể xảy ra muộn, bao gồm: mất ý thức, co giật, ói mửa, mất thăng bằng, mất phương hướng, chảy máu từ tai hoặc mũi…

[Video] Sự thật xảy ra với người đàn ông bị container chèn qua đầu và bài học khi gặp tai nạn - Ảnh 4.3. Đau lưng Cơn đau lưng có thể xuất hiện vài giờ cho đến vài ngày sau khi bạn gặp tai nạn. Nó có thể là triệu chứng của thoát vị đĩa đệm, tổn thương mô mềm, chấn thương cột sống, bong gân hoặc chấn thương cổ. Nếu bạn thấy bị tê và ngứa ran đi kèm với cơn đau lưng, bạn có thể bị căng dây thần kinh. Tất cả các tình huống này đều làm hạn chế khả năng vận động của bạn sau này, và cần được điều trị càng sớm càng tốt. 4. Đau ở vai hoặc cổ Đau ở vùng vai gáy có thể là biểu hiện của thoát bị đĩa đệm, chấn thương cổ và chấn thương cột sống. Các cơn đau cũng có thể bị trì hoãn cho tới vài ngày sau vụ tai nạn. Một khi bạn thấy triệu chứng này, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được thăm khám và điều trị. 5. Ngứa ran và tê bì Thoát vị đĩa đệm và chèn ép dây thần kinh sẽ dẫn đến những cơn tê bì và ngứa ran. Nếu không được điều trị kịp thời, chúng có thể dẫn đến những cơn đau dữ dội hơn và nhiều biến chứng nguy cơ khác. 6. Rối loạn cảm xúc Bên cạnh các triệu chứng vật lý liên quan đến thể chất, người gặp tai nạn cũng có thể gặp phải các vấn đề tâm lý, mà thường họ hay chủ quan và bỏ qua. Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) và các tác động khác của tai nạn có thể gây ra nhiều triệu chứng, xuất hiện sau vài giờ, vài ngày, thậm chí vài tuần sau đó. Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi sau một vụ tai nạn và cho rằng nó là bình thường, nhưng thực tế lại không phải. Một số triệu chứng đi kèm cơn mệt mỏi sau đây cho thấy bạn cần trợ giúp y tế: khó ngủ, bơ phờ, mất trí nhớ, khó tập trung, thay đổi cảm giác thèm ăn, tâm trạng lâng lâng, thay đổi nhân cách, khó kiểm soát cảm xúc, mất hứng thú với sở thích thông thường của bạn, gặp vấn đề với mối quan hệ, mất động lực, hay nhớ lại khoảnh khắc tai nạn, gặp ác mộng, hoảng loạn, bị kích động khi buồn, giận hoặc đau khổ… Một vụ tai nạn không chỉ để lại chấn thương vật lý, mà còn có thể dẫn đến các vấn đề và bệnh tâm lý như rối loạn giấc ngủ, PTSD, lo âu, trầm cảm. Tất cả cần được xem xét nghiêm túc tương tự như chấn thương vật lý, vì chúng hoàn toàn có thể làm giảm chất lượng cuộc sống của bạn. Tổng hợp