Các nhà khoa học theo dõi tia vũ trụ phát ra từ một siêu tân tinh xa xôi trong vài tháng và tạo thành một video quay chậm khiến những người yêu thích thiên văn không khỏi cảm thấy kinh ngạc và mãn nhãn.
Theo Iflscience, hai năm trước, Trái đất đã tiếp nhận ánh sáng từ một siêu tân tinh xa xôi. Một ngôi sao đã sụp đổ thành một lỗ đen và kích hoạt phát xạ tia gamma cường độ cao – được gọi là vụ nổ tia gamma (GRB). Sự phát xạ này được tạo ra bởi một chất phóng xạ được phát ra từ ngôi sao sắp chết. Quá trình đó đã được ghi lại trong một loạt các quan sát bởi đài thiên văn Atacama Large Millimeter/submillimeter Array (ALMA).
Đài thiên văn Atacama Large Millimeter/submillimeter Array (ALMA) tại Chile
ALMA theo dõi tia vũ trụ này trong vài tháng và đặt các hình ảnh lại với nhau để tạo ra một đoạn video time-lapse đầu tiên của đài quan sát. Theo báo cáo trong tạp chí Astrophysical Journal, các nhà nghiên cứu đã có thể nghiên cứu cú sốc ngược, gây ra bởi quá trình va chạm của tia và vật chất xung quanh ngôi sao, tạo ra một sóng xung kích ngược trở lại tia vũ trụ.
Tiến sĩ Tanmoy Laskar thuộc Đài thiên văn National Radio Astronomy Observatory chia sẻ: “ALMA có thể phát hiện ra dải ánh sáng với bước sóng chỉ vài milimet chứa thông tin về cách các tia tương tác với bụi và khí xung quanh. Đây là một sự thăm dò mạnh mẽ về các vụ nổ vũ trụ lớn như thế này. Với sự hiểu biết hiện tại của chúng tôi về GRB, chúng tôi thường mong đợi một cú sốc ngược chỉ kéo dài trong vài giây đến một phút. Nhưng sự kiện lần này lại kéo dài trong một khoảng thời gian đáng kể.”
Hình ảnh quay chậm các tia GRB được ALMA ghi lại (Ảnh: Iflscience)
Đây không phải là phát hiện duy nhất mà các nhà khoa học nhận được từ các quan sát. Các bước sóng ánh sáng có độ dài vài milimet rất lý tưởng cho việc nghiên cứu các điều kiện do tia vũ trụ tạo ra, chúng ta vẫn còn có rất nhiều thông tin cần nghiên cứu từ đây. Các nhà nghiên cứu đã có thể nghiên cứu hình học của tia và bằng cách kết hợp điều này với thông tin về thời gian của nó, họ ước tính năng lượng được giải phóng ra. Nó tương đương với lượng năng lượng mà Mặt trời của chúng ta phát ra trong một tỉ năm.
Kate Alexander – người thực hiện các quan sát Very Large Array (VLA) cho biết: “Đây quả là một lượng năng lượng kỳ diệu, nó thực sự là một trong những sự kiện năng lượng lớn nhất mà chúng ta từng thấy. Sự kiện này vẫn còn rất nhiều bí ẩn mặc dù cách đây hơn 2 tỷ năm ánh sáng, GRB này thực sự là sự kiện gần nhất mà chúng tôi đã đo được các đặc tính chi tiết của dòng chảy, nhờ vào sức mạnh tổng hợp của ALMA và VLA.”

Đây là cú sốc đảo ngược tia gamma lần thứ tư được quan sát. Ngôi sao ở trong một môi trường có mật độ rất thấp; khí xung quanh nó dày gấp 3.000 lần so với những gì thường thấy xung quanh các ngôi sao trong thiên hà của chúng ta. Các nhà nghiên cứu cho rằng có lẽ đây là lý do tại sao những sự kiện này là rất hiếm.
Nhật Quang