Vietnamobile đang là mạng di động đứng thứ 4 tại Viẹt Nam |
Nguồn tin của ICTnews cho biết, Vietnamobile vừa gửi công văn lên Chính phủ báo cáo một số khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đề xuất đến việc cấp kho số và tần số cho mạng di động này. Hiện Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ TT&TT xem xét xử lý về vấn đề này.
Trong buổi tiếp đại diện Vietnamobile hồi cuối năm ngoái, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định, Việt Nam có nhiều chính sách phù hợp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ TT&TT sẽ từng bước giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh để tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển.
Trước đó, trong bài phát biểu nhân sự kiện kỷ niệm 5 năm ra mắt mạng di động Vietnamobile, Tiến sĩ Phạm Ngọc Lãng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hanoi Telecom cho biết, nếu nhìn lại bức tranh thị trường viễn thông Việt Nam hiện nay, việc tập trung quá mức và dồn mọi nguồn lực đến mức bất hợp lý cho các doanh nghiệp viễn thông Nhà nước có thị phần thống lĩnh trên 95% là một trở ngại to lớn đối với sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ nói riêng và việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực viễn thông nói chung tại Việt Nam.
“Chúng tôi mong muốn sẽ có các chính sách phù hợp để đảm bảo tạo lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam, tránh sự quay trở lại thời kỳ độc quyền cũ hoặc dạng biến tướng của hình thức độc quyền mới, không đúng với chủ trương, đường lối xây dựng nền kinh tế thị trường của Đảng, Nhà nước và phí hoài mọi cố gắng của nhiều thế hệ lãnh đạo, quản lý nghành đã dày công tạo dựng”, ông Phạm Ngọc Lãng nói
Tiếp theo ý kiến của Tiến sĩ Phạm Ngọc Lãng, đại diện Vietnamobile cho biết, Vietnamobile được khai trương vào năm 2009 trong bối cảnh thị trường rất cạnh tranh khi có 8 nhà mạng, trong đó có 2 nhà mạng có vốn đầu tư nước ngoài, 2 nhà mạng di động ảo và 3 nhà mạng có sở hữu nhà nước rất mạnh và thống lĩnh thị trường. Thế nhưng, 5 năm trôi qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã không còn, 2 nhà mạng và 2 nhà mạng di động ảo đã ngừng hoạt động với 1 nhà mạng chỉ giữ lại quy mô thuê bao đã có. Chúng tôi là 1trong 4 nhà mạng còn hoạt động hiệu quả trên thị trường.
Đại diện Vietnamobile còn cho rằng, với mục tiêu là phát triển thị trường viễn thông và mang lại hiệu quả đầu tư và đổi mới cho người tiêu dùng với giá cả hợp lý thì các chính sách về viễn thông và cạnh tranh phải hỗ trợ cho bối cảnh thị trường nơi mà tất cả các nhà mạng, đặc biệt là nhà mạng nhỏ có thể phát triển kinh tế. Tuy nhiên, chính sách hiện hành của Chính phủ Việt Nam không theo thông lệ quốc tế thông thường hay thông lệ tốt nhất. Thay vào đó, chính sách hiện nay ủng hộ và bảo vệ các doanh nghiệp nhà nước, tập trung quá nhiều nguồn lực về tần số, kho số, cước kết nối vào các doanh nghiệp nhà nước. Điều này sẽ không đạt được mục tiêu mà chúng ta mong muốn.
Đại diện Vietnamobile đưa ra ví dụ trong viễn thông kêu gọi hành động của Chính phủ là sự khác biệt về kết nối giữa nhà mạng thống lĩnh thị trường và nhà mạng mới tham gia thị trường. Đó là, phí kết nối mà nhà mạng mới trả cho nhà mạng thống lĩnh nên thấp hơn đáng kể so với phí mà nhà mạng thống lĩnh trả cho nhà mạng mới. Có thể thấy rõ ràng điều này do lưu lượng từ nhà mạng thống lĩnh đến nhà mạng mới sẽ thấp hơn rất nhiều so với chiều ngược lại. Tổ chức Quản lý Viễn thông Châu Âu áp dụng chính sách phi đối xứng về cước kết nối trong quản lý viễn thông đối với các nhà mạng tham gia vào thị trường chậm hơn từ 6 đến 11 năm thì tỷ lệ phi đối xứng về cước kết nối trung bình là 35%.
Ông Dennis Lui, Tổng giám đốc tập đoàn Viễn thông Hutchison cho rằng; “Là một nhà đầu tư quốc tế, chúng tôi thấy rằng vẫn còn rất nhiều việc mà Chính phủ Việt Nam có thể làm để khuyến khích và thúc đẩy đầu tư. Nhìn chung, thủ tục hành chính có thể được đơn giản hóa và các quy tắc có thể được làm rõ ràng hơn. Về viễn thông, Chính phủ có thể làm nhiều hơn nữa để tạo ra một môi trường kinh doanh thực sự bình đẳng và cạnh tranh nhằm mang lại lợi ích lâu dài cho ngành viễn thông và người tiêu dùng. Đồng thời, cũng chứng tỏ để cộng đồng thế giới công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường”.
Ông Dennis Lui khẳng định, những chính sách này sẽ khuyến khích được đầu tư nước ngoài và lợi ích về việc phát triển mạnh mẽ của ngành viễn thông không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng Việt Nam mà còn tạo điều kiện cho sự phát triển viễn thông của đất nước.