Lệnh cấm các công ty nội địa giao dịch với
ZTE trong vòng 7 năm của
chính phủ
Mỹ đã khiến hãng điện thoại
Trung Quốc phải ngưng phần lớn hoạt động quốc tế của mình. Năm ngoái ZTE là hãng sản xuất
smartphone lớn thứ 2 thế giới, cũng như xếp thứ 4 tại riêng thị trường Mỹ.
Hoạt động kinh doanh smartphone của ZTE có thể nói là gần như bị tê liệt sau lệnh cấm, bởi hãng phụ thuộc rất nhiều vào sản phẩm từ các hãng công nghệ Mỹ như Qualcomm (phần cứng) và Google (phần mềm).
Năm ngoái ZTE đã thừa nhận âm mưu kéo dài nhiều năm nhằm bán các sản phẩm công nghệ Mỹ cho Iran và Bắc Triều Tiên, vốn vi phạm pháp luật Mỹ. ZTE đã phải trả số tiền phạt 890 triệu USD và cho biết đang trong quá trình xử lý hàng chục nhân viên cấp cao đã tham gia vào kế hoạch vi phạm luật pháp này. Tuy nhiên ZTE đã thất hứa và vẫn tiếp tục giữ lại các nhân viên này, dẫn đến chính quyết định trừng phạt nặng tay của chính phủ Mỹ.
Lệnh trừng phạt của Mỹ bắt đầu từ ngày 15/4 vừa qua, cấm tất cả các công ty nội địa của Mỹ bán sản phẩm cho ZTE. Bất chấp việc đã được các công ty Đài Loan như MediaTek chấp nhận bán chip, ZTE vẫn buộc phải ngưng các hoạt động quốc tế do phụ thuộc quá nhiều vào các công ty Mỹ. Một điểm cần lưu ý là mặc dù Android là hệ điều hành mã nguồn mở, Google vẫn nắm quyền kiểm soát kho ứng dụng Play Store. Mất đi kho ứng dụng này khiến smartphone của ZTE gần như không thể cạnh tranh bên ngoài Trung Quốc.
Sự sụp đổ của ZTE là dấu hiệu mới nhất của sự rạn nứt trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Các hãng smartphone Trung Quốc ngày càng khó khăn trong việc xâm nhập thị trường Mỹ, và chính phủ mới đây cũng đã đích thân chặn ít nhất là 2 thương vụ có thể khiến các công ty bán dẫn Mỹ nằm dưới quyền kiểm soát của công ty Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đáp lại bằng cách kêu gọi các công ty Trung Quốc tự chủ về công nghệ.