Theo
BGR, việc “thổi bay” ZTE khỏi lãnh thổ Mỹ có thể làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái thiết bị chạy nền tảng Android, và ảnh hưởng tới các công ty lớn tại cường quốc này như Qualcomm.

ZTE bị tuyên có tội khi âm mưu vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ chống lại Iran và Triều Tiên năm 2017. Trong số các hình phạt, ZTE phải nộp tiền phí 890 triệu USD, buộc thôi việc một số nhân sự cao cấp và 35 nhân viên khác.

Nhưng theo tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ mới đây, ZTE không hề khiển trách các nhân viên và tệ hơn, hãng không tuân thủ án phạt. Kết quả, Bộ đã thi hành lệnh trừng phạt kéo dài 7 năm đối với ZTE, vốn là một phần trong bản tuyên án đối với đơn vị này nhưng được trì hoãn để hãng hoàn thiện các bước đã cam kết trước tòa.

“Thay vì trừng phạt, buộc thôi việc cả nhân sự lẫn cấp quản lý cao cấp, ZTE lại trao thưởng cho họ. Hành động này không thể ngó lơ”, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho hay.

ZTE là một trong những nhà sản xuất thiết bị Android lớn nhất tại Trung Quốc và là hãng có danh tiếng trên thị trường toàn cầu. Tại Mỹ, ZTE nắm thị phần nhỏ tại mảng kinh doanh smartphone nhưng đang tăng dần. Doanh nghiệp này kiếm lợi nhuận chủ yếu từ các thiết bị viễn thông mạng lưới, nhưng smartphone là mảng kinh doanh tiếp cận khách hàng chính của họ.

Với lệnh trừng phạt mới, vẫn chưa rõ làm cách nào ZTE có thể duy trì thế cạnh tranh trên thị trường smartphone.

Theo Reuters, một số nhà cung cấp của hãng tại Mỹ và quyết định từ Bộ sẽ để lại một lỗ hổng khó lấp đầy trong chuỗi vật tư của ZTE. Ví dụ, Qualcomm đang là nhà sản xuất chip số một cho các smartphone Android, lệnh trừng phạt mới sẽ khiến ZTE không thể sử dụng chip từ nhà sản xuất Mỹ cho điện thoại của mình.

Tệ hơn nữa, ZTE có thể không được bán các smartphone có cài sẵn ứng dụng từ Google. Android được cung cấp dưới dạng nền tảng mở, miễn phí, do vậy ZTE vẫn được quyền sử dụng nền tảng này trên thiết bị mình sản xuất, nhưng các ứng dụng lõi từ Google như Play Store, dịch vụ tìm kiếm có trên điện thoại đều là bản quyền từ “gã khổng lồ phần mềm”.