Theo Reuters, hôm qua (6/5) ZTE vừa nộp một hồ sơ chứa thông tin bổ sung lên Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại Mỹ. Dù không đề cập chi tiết, công ty viễn thông và thiết bị di động Trung Quốc cho biết “các tài liệu đã được cung cấp đầy đủ theo yêu cầu”.
ZTE đang có các hành động để phía Mỹ giảm án.
Bên cạnh đó, công ty này cũng nhấn mạnh lại quan điểm của mình trước đó khi cho rằng lệnh cấm là “không thể chấp nhận” và nó khiến “sự tồn tại của ZTE bị đe dọa”.
Đây là động thái mới nhất trong nỗ lực phản kháng lại lệnh cấm bán linh kiện cho ZTE trong vòng bảy năm (đến năm 2025) của Bộ Thương mại Mỹ, do công ty này đã vi phạm thỏa thuận và vận chuyển trái phép linh kiện điện thoại từ Mỹ tới Iran vào năm 2017.
Tuần trước, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã tổ chức một buổi đàm phán thương mại với đối tác Mỹ tại Bắc Kinh, chủ yếu đề cập đến vấn đề của ZTE. Trong cuộc họp này, việc xem xét giảm nhẹ, thậm chí là sửa đổi lệnh cấm đã được nêu ra, nhưng chưa rõ kết quả cuối cùng.
Theo lệnh cấm, ZTE sẽ “không có quyền kháng cáo hành chính theo quy định”, nhưng phía Bộ Thương mại Mỹ cho biết vẫn lắng nghe những phản hồi của công ty Trung Quốc “trên cơ sở không chính thức”. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn chưa đưa ra bình luận sau khi hồ sơ được nộp lên.
Các chuyên gia nhận định, lệnh cấm của Mỹ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ZTE, đặc biệt là mảng điện thoại di động. Hiện hãng đang hợp tác với Qualcomm để mua vi xử lý Snapdragon và Google để sử dụng hệ điều hành Android. Với vi xử lý, công ty có lựa chọn thay thế là MediaTek nhưng bấy lâu nay hãng này vẫn bị xem là “rẻ tiền”. Smartphone ZTE vẫn có thể cài Android (do là nền tảng mã nguồn mở) nhưng không thể nhận chứng chỉ GMS, đồng nghĩa với việc không được phép cài đặt bộ phần mềm và dịch vụ Google như Google, Gmai, YouTube và Play Store.
Bảo Lâm