Hồi sinh sau “sóng dữ” 
Đến xã Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), chúng tôi hỏi anh Nguyễn Hữu Cường, nhiều người dân ồ lên “Cường tàu vỏ thép phải không?” và nhiệt tình dẫn đến tận nhà. Anh Cường là ngư dân đầu tiên tại thị xã hạ thủy tàu vỏ thép “khủng”, công suất lên đến 829CV, trị giá gần 20 tỉ đồng. Không chịu lùi bước trước những khó khăn sau sự cố môi trường biển, từ sự hỗ trợ các chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67, anh đã mạnh dạn vay 18,6 tỉ đồng từ Ngân hàng NNPTNT để đóng mới tàu thép công suất lớn, tiếp tục vươn khơi bám biển.
Tự tin trước giờ ra khơi, anh Cường cho biết: “Có tàu vỏ thép hiện đại công suất lớn, tôi tin chắc rằng không chỉ ở các ngư trường truyền thống mà ngay cả các ngư trường “sóng gió” nhất chúng tôi vẫn có thể dành được những mẻ lưới bội thu…”.

Trở lại âu thuyền cảng cá Kỳ Phương (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh) vào rạng sáng, chúng tôi bắt gặp cảnh tàu thuyền ăm ắp cá tôm, nhiều ngư dân hối hả bưng những rổ hải sản tươi rói lên bờ cho các thương lái chờ sẵn. Tiếp chúng tôi với nụ cười tươi, ông Phan Duy Vĩnh – Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh – cho biết: Thị xã đã có 25/97 danh sách hộ dân của 3 xã Kỳ Hà, Kỳ Ninh và Kỳ Lợi được tỉnh phê duyệt vay vốn để đóng tàu cá trên 90CV, đặc biệt với các loại tàu vật liệu bằng vỏ gỗ và Composite. Ngư dân thị xã có cơ hội sớm hiện thực hóa ước mơ được sở hữu những tàu đánh cá hiện đại, là giải pháp nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ.
Ngay sau sự cố môi trường, thị xã đã có các biện pháp tích cực khoanh vùng nuôi an toàn, hướng dẫn bà con xây dựng các mô hình nuôi tôm bằng hình thức vỗ bờ bằng bột đá ximăng, trong 6 tháng đầu năm đã xây dựng thành công 18 mô hình ở xã Kỳ Hà; xây dựng 37 mô hình chăn nuôi gà siêu trứng, 23 mô hình chăn nuôi thỏ tại các xã, phường ven biển, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.
Một hướng đi khác là xuất khẩu lao động (XKLĐ). Riêng Kỳ Ninh đã có khoảng 1.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Trong đó, thị trường chính là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Saudi Arabia… Hằng năm, lượng ngoại tệ gửi về có giá trị trên 100 tỉ đồng.
Thạch Kim (Lộc Hà), cũng có khoảng 1.000 lao động ở nước ngoài. Ông Hà Minh Tân, Chủ tịch UBND xã cho biết, đến nay, các ngành nghề liên quan đến ngư nghiệp đã hồi phục, ngư dân có công việc, yên tâm bám biển.
Biển đã tấp nập, đông vui
Vùng biển bãi ngang ở xã Trung Giang (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) với những trảng cát trắng có ngành nghề truyền thống bao đời là… bám biển. Sau sự cố môi trường, anh Trần Tấn Phát (thôn Hà Lợi Trung, xã Trung Giang) đầu tư chăn nuôi. Anh được hỗ trợ vay vốn mở trang trại chăn nuôi gà trên cát. Nay, đàn gà của anh lên đến 10.000 con, mỗi năm nuôi được 3 đến 4 lứa thu lãi khoảng 100-120 triệu đồng.
Cũng tại xã Trung Giang, sau khi xảy ra sự cố môi trường chính quyền đã hỗ trợ xây dựng mô hình trồng dứa. Với 4ha dứa đầu tiên trồng tại thôn Cang Gián đang phát triển tốt, hứa hẹn năng suất và lợi nhuận khá cao, nên từ 16 hộ đăng ký tham gia trồng thì nay con số đã lên hàng chục hộ…
Tín hiệu vui là nguồn lợi thủy sản đã phục hồi. Các loại cá tầng nổi như cá cơm, cá nục, cá khoai, ruốc đã sinh sôi và nghề biển ở gần bờ đã hoạt động bình thường trở lại. Ngày 12.3.2017, một tàu cá của ngư dân huyện Gio Linh đánh bắt cách đảo Cồn Cỏ 10 hải lý, đã bắt được mẻ cá Bè vàng “lịch sử” lên đến 160 tấn. Sản lượng khai thác hải sản năm 2017 của tỉnh Quảng Trị đạt trên 23 nghìn tấn, tăng 50,1% so với cùng kỳ năm 2016…
Tọa lạc trên bãi biển Thuận An, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế nhà hàng Như Ý của anh Nguyễn Anh Tuấn luôn chật kín khách từ đầu mùa nắng nóng. “Bắt đầu từ năm trước khách đã trở lại với biển, với hải sản mà không chút ngại ngùng. Đó là điều mà những người làm dịch vụ như chúng tôi rất vui. Năm nay lượng khách đổ về biển rất đông. Như quán của chúng tôi luôn phục vụ 24/24 giờ, quán lúc nào cũng đông khách”- anh Tuấn cho hay.
Anh Nguyễn Hà – BQL bãi tắm Thuận An thông tin, mỗi ngày tại bãi tắm thu hút hơn 15.000 nghìn lượt khách đến tắm. “Khách đến tắm thường từ 4 giờ chiều đến 6 giờ tối, chúng tôi cũng huy động lực lượng để đảm bảo an toàn cho du khách khi tắm biển. Ngành thủy sản cũng đã được phục hồi mạnh.
Chung tay khắc phục sự cố môi trường
Sau sự cố môi trường, hệ thống chính trị các địa phương đã vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, đồng hành cùng người dân khắc phục hậu quả, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh. Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, sự cố môi trường biển ước tính ảnh hưởng trên 8.000 hộ, gần 31.000 người và trên 3.000 tàu thuyền tại Quảng Trị với con số thiệt hại kinh tế lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Ngay sau khi xảy ra sự cố, Quảng Trị đã khẩn trương, quyết liệt ổn định tình hình, thăm hỏi, động viên bà con ngư dân.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Trị đã bàn giải pháp chuyển đổi sinh kế cho nhân dân 16 xã, thị trấn vùng biển bị ảnh hưởng và tiến hành chi trả tiền bồi thường thiệt hại. “Đến nay, hoạt động đánh bắt, buôn bán hải sản cũng như du lịch biển đã ổn định trở lại. Công tác chi trả tiền bồi thường thiệt hại được thực hiện công khai, dân chủ. Mặc dù vẫn có đơn kiến nghị, khiếu nại nhưng địa phương đã kịp thời giải thích, làm rõ cho người dân hiểu chính sách bồi thường thiệt hại của Chính phủ” – ông Hà Sỹ Đồng nói.
UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã ban hành quyết định hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, với số tiền hơn 6 tỉ đồng.
Là địa phương thiệt hại nặng nề nhất với khoảng 60 nghìn lao động bị ảnh hưởng, tỉnh Hà Tĩnh đã nỗ lực cao độ để nhanh chóng ổn định cuộc sống cho dân, khôi phục và phát triển kinh tế. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cấp hỗ trợ 6.240,484 tấn gạo cho 19.247 hộ, 67.988 nhân khẩu; hỗ trợ 23.066,5 triệu đồng cho 5.012 chủ tàu, thuyền, hỗ trợ cho trên 60.800 đối tượng với số tiền 1.748 tỉ đồng. Đến nay, các chỉ số về khai thác, nuôi trồng, kinh doanh thủy sản, dịch vụ du lịch đã tăng trưởng dương, khả quan so với năm 2016.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của ngư dân thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) chiều 16.5. Ảnh: V.T
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của ngư dân thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế) chiều 16.5. Ảnh: V.T

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần tiếp tục hỗ trợ để ngư dân bám biển làm kinh tế
Ngày 16.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đến gặp gỡ ngư dân thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế về cuộc sống và tình hình đánh bắt thủy hải sản sau 2 năm xảy ra sự cố môi trường biển. Tại buổi gặp mặt, UBND thị trấn Thuận An và các ngư dân đã có nhiều đề xuất trực tiếp đến Thủ tướng và đoàn công tác.
Kết luận tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận các ý kiến của ngư dân cũng như chính quyền thị trấn Thuận An. “Thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế cùng các cấp chính quyền cần có biện pháp tiếp tục hỗ trợ người dân để giúp bà con ngư dân nỗ lực bám biển, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương giàu mạnh” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác đã đến làm việc tại tỉnh Quảng Trị. Tại đây, Thủ tướng đã đến thăm ngư dân tại thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị). Hôm nay (17.5), tại TP.Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự hội nghị Tổng kết hoạt động của Ban chỉ đạo về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.
Đ.THÀNH – T.LƯU – H.THƠ

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình thăm Xưởng đóng tàu của anh Hoàng Xuân Hải, thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Ảnh: A.C
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình thăm Xưởng đóng tàu của anh Hoàng Xuân Hải, thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Ảnh: A.C

– Ngày 16.5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đến thăm hỏi, tặng quà một số ngư dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển tại 2 xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch) và Quang Phú (TP.Đồng Hới). Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã thăm hỏi và động viên ngư dân, đánh giá cao tinh thần người dân vượt qua mọi khó khăn, ổn định cuộc sống.
– Sáng cùng ngày, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đi kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do sự cố môi trường biển tại Hà Tĩnh. Phó Thủ tướng yêu cầu Formosa Hà Tĩnh sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống dập cốc ướt sang dập cốc khô theo cam kết. Các bộ, ngành liên quan, chính quyền Hà Tĩnh cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, đảm bảo ANTT và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển.