Trưởng nhóm BusMap chia sẻ tại chương trình giao lưu giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2018 với chủ đề “Sức mạnh công nghệ số – Cơ hội để thành công” được tổ chức ở trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia TP.HCM ngày 15/5 vừa qua.

Ông Lê Yên Thanh – Giám đốc công nghệ, đồng sáng lập Jobhop vừa chia sẻ về bí quyết khởi nghiệp thành công và kinh nghiệm tham gia giải thưởng Nhân tài Đất Việt với các sinh viên, doanh nghiệp startup tại TP.HCM, trong chương trình giao lưu giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2018 với chủ đề “Sức mạnh công nghệ số – Cơ hội để thành công” diễn ra ở trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia TP.HCM.
Năm 2015, ngay khi còn là sinh viên của trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP.HCM, Lê Yên Thanh cùng các thành viên Phạm Việt Khôi, Nguyễn Hải Đăng, Tô Hữu Quân, Phạm Minh Thái, Phạm Nguyễn Sơn Tùng và Trần Minh Triết xây dựng sản phẩm phần mềm BusMap – Xe buýt thành phố, giành giải Nhì lĩnh vực ứng dụng trên thiết bị di động cuộc thi Nhân tài Đất Việt năm đó.
Nhớ lại giai đoạn xây dựng và phát triển phần mềm Busmap – Xe buýt thành phố, Trưởng nhóm Lê Yên Thanh chia sẻ, thực ra ý tưởng ban đầu của nhóm khi tạo ra BusMap là để giúp cho mọi người đang đi xe buýt có một công cụ tốt hơn để tra cứu và dẫn đường. Tuy nhiên, khi phát triển sản phẩm và nhận được hưởng ứng tích cực từ cộng đồng nên nhóm cảm thấy cần phải phát triển sản phẩm hơn nữa. Từ đó, mục tiêu của BusMap mở rộng hơn, đó là một công cụ giúp cho những người chưa bao giờ đi xe buýt cũng có thể sử dụng để có thể đi xe buýt dễ dàng hơn, giúp cho việc ngày càng có nhiều người hơn sử dụng loại hình giao thông công cộng này, đó cũng là kỳ vọng của team lúc làm ra BusMap – giúp ngày càng có nhiều người đi xe buýt hơn.
Là ứng dụng hỗ trợ cho người đi xe buýt tại TP.HCM, bao gồm phiên bản cho di động (android, ios) và phiên bản web (busmap.vn), BusMap hỗ trợ nhiều tính năng hữu ích cho người đi xe buýt như: tra cứu tất cả các tuyến xe buýt trong thành phố với hiển thị trực quan và chi tiết; chỉ dẫn đi xe buýt thông minh chỉ bằng cách chọn điểm xuất phát và điểm bạn muốn đến; xem thời gian chờ xe buýt đến trạm dựa vào dữ liệu GPS của xe buýt; tự động cập nhật dữ liệu xe buýt mới nhất từ Trung tâm quản lí xe buýt của Tp.HCM… “Hiện tại sản phẩm đã có hơn 500.000 lượt tải và gần 1 triệu lượt người sử dụng để tra cứu xe buýt mỗi tháng”, Yên Thanh cho hay.
Cũng theo chia sẻ của Trưởng nhóm BusMap Lê Yên Thanh, lý do nhóm quyết định đưa sản phẩm phần mềm BusMap đến với giải thưởng Nhân tài Đất Việt là nhằm giúp giới thiệu BusMap đến với cộng đồng nhiều hơn cũng như mong muốn nhận sự góp ý từ các giám khảo của Nhân tài Đất Việt để có hướng phát triển cho BusMap tốt hơn trong tương lai.

Đề cập đến những phát triển của BusMap trong hơn 2 năm qua, ông Lê Yên Thanh chia sẻ: “So với thời điểm đạt giải, số lượng người dùng phần mềm BusMap đã tăng lên gấp 10 lần so với thời điểm tham gia giải thưởng. Ứng dụng cũng đã có thêm một số tính năng hữu ích hơn như: chỉ dẫn người đi xe buýt dựa vào các tuyến xe đang hoạt động, tự động nhắc nhở người dùng xuống trạm khi đang đi xe buýt, xem vị trí của từng xe buýt trên bản đồ theo thời gian thực… Định hướng của nhóm là có thể thiết kế một hệ thống quản lí hoàn chỉnh bên dưới cho BusMap để có thể triển khai BusMap đến nhiều địa phương khác nhau trên cả nước chứ không chỉ tại TP.HCM”.
“Bật mí” bí quyết thành công, Giám đốc công nghệ, đồng sáng lập Jobhop, Trưởng nhóm BusMap cho biết, bí quyết của mình là không ngừng học hỏi và lắng nghe từ cộng đồng. BusMap là một sản phẩm dành cho cộng đồng nên điều quan trọng là phải phát triển BusMap dựa trên nhu cầu thực tế của người dùng để sản phẩm có thể thực sự hữu ích và giúp ích được cho mọi người. “Mình đã nhiều lần xin góp ý từ các bạn hay đi xe buýt để có thể tìm hiểu điểm hạn chế của sản phẩm và rồi tìm cách khắc phục các điểm yếu. Bên cạnh đó việc xây dựng một team cũng hết sức quan trọng, mình đã cần sự giúp đỡ rất nhiều từ các thành viên trong team để có thể cùng nhau làm nên một sản phẩm có ý nghĩa như BusMap”, ông Thanh nói.
Từ kinh nghiệm của bản thân, Trưởng nhóm sản phẩm đạt giải Nhì lĩnh vực ứng dụng trên thiết bị di động – giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018 cho rằng, đối với sản phẩm CNTT của các startup thì có 3 nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thất bại, đó là không có người dùng, không có nguồn vốn để phát triển sản phẩm và không có nhân lực.
“Điều quan trọng hơn cả để một sản phẩm CNTT có thể thành công là cần phải có người dùng. Để phát triển 1 sản phẩm thành công, đầu tiên cần phải nghiên cứu và định hướng sản phẩm một cách đúng đắn để sản phẩm tạo ra thực sự giải quyết một vấn đề nào đó trong cuộc sống. Điều thứ 2 là về nguồn vốn thì cần phải có đủ khả năng tài chính hoặc nhà tài trợ để có thể phát triển được sản phẩm, điều thứ 3 và cũng rất quan trọng là phải tìm được một team thực sự tốt và phù hợp để phát triển sản phẩm”, ông Thanh nhấn mạnh.
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018 trong lĩnh vực CNTT có 3 hệ thống sản phẩm dự thi chính gồm: Sản phẩm Số triển vọng; Sản phẩm CNTT Khởi nghiệp và Sản phẩm CNTT Kết nối, Di động. Đặc biệt, trong năm 2018, Ban tổ chức đã quyết định tăng gấp đôi giá trị giải thưởng của các hệ thống sản phẩm CNTT. Cụ thể, mỗi hệ thống sản phẩm sẽ có 1 giải Nhất trị giá 200 triệu đồng, 1 giải Nhì trị giá 100 triệu đồng và 1 giải Ba trị giá 50 triệu đồng cùng phần thưởng của các đơn vị tài trợ.
Thời gian nhận bài dự thi lĩnh vực CNTT của Nhân tài Đất Việt 2018 kéo dài đến hết ngày 30/9 tới. Nơi nhận hồ sơ là Báo điện tử VnMedia, Tầng 14, Tòa nhà VNPT, 57 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội. Công tác chấm giải từ ngày 1/10/2018 đến ngày 15/11/2018. Dự kiến, lễ trao giải sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.