Forbes, trong khi tính khả thi của tiền mã hóa vẫn còn bị nghi vấn, một trong những công nghệ nổi lên từ đợt bùng nổ tiền mã hóa đã sẵn sàng để làm nhiều việc lớn. Blockchain tiếp tục phát triển khi nhiều người, nhiều ngành công nghiệp khác nhau nỗ lực tìm ứng dụng mới cho nó.
Trong báo cáo “Khảo sát blockchain toàn cầu 2018”, hãng Deloitte liệt kê vài xu hướng chính, đáng chú ý có liên quan đến blockchain từ năm 2018 trở đi. Nếu bạn tự hỏi blockchain có thể đem lại cho doanh nghiệp hoặc ý tưởng startup của mình điều gì, thì câu trả lời là nhiều triển vọng hứa hẹn.
1. Giới doanh nghiệp áp dụng chứ không chỉ tìm hiểu blockchain
Theo Deloitte, sự thay đổi quan trọng đang diễn ra. Các hãng từng chỉ khám phá tiềm năng dùng blockchain để hợp lý hóa quy trình kinh doanh giờ đây bắt đầu tạo ra nhiều ứng dụng thực tế để sử dụng nó. Thay đổi này cho thấy blockchain đang bắt đầu được chấp nhận rộng rãi hơn, và quan trọng hơn là nhận được thêm nhiều sự tự tin.
2. Các ứng dụng blockchain thực dụng, thực tế đang tăng
Các doanh nghiệp truyền thống hơn, chẳng hạn như nhiều hãng tài chính, thì tập trung chủ yếu vào việc áp dụng các giải pháp blockchain vào mô hình kinh doanh hiện tại, theo Block Ground Capital. Nghiên cứu trước đây của Deloitte chỉ ra rằng 74% doanh nghiệp truyền thống có thể hình dung nhiều trường hợp sử dụng thực tế, song không nhiều hãng thực sự triển khai. Dù vậy, hơn 40% doanh nghiệp tin rằng công ty, tổ chức của họ sẽ áp dụng blockchain trong tương lai.
tin liên quan
Công nghệ blockchain hết hot?
Đơn cử, Sàn giao dịch chứng khoán Úc thay thế hệ thống CHESS hiện tại bằng hệ thống dựa trên công nghệ sổ cái phân tán blockchain. Sàn dùng blockchain sau nhiều năm thử nghiệm và xem xét. Nếu xem dạng ứng dụng này là chỉ báo, thì nó thể hiện rằng nhiều hãng truyền thống có thể sẽ tiếp tục tiếp cận chậm rãi để áp dụng công nghệ blockchain.
3. Vấn đề mới: Điểm yếu của blockchain
Đứng trên một số góc độ mà nói thì blockchain cũng đang trải qua chuyện bị “thổi phồng” mà công nghệ thực tế ảo từng vướng phải. Nhiều năm qua, nhiều người, nhiều ngành nghề khác nhau đã nghe về blockchain, công nghệ được mô tả là yếu tố thay đổi, yếu tố “cách mạng”. Vấn đề ở đây là không ít người vẫn chưa thấy được lợi ích của blockchain trong thế giới thực. Với họ, blockchain cũng như công nghệ thực tế ảo, thú vị nhưng không có ứng dụng thực tiễn mà họ quan tâm. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là blockchain không có tiềm năng đáng kinh ngạc.
4. Nhiều doanh nghiệp mới cảm thấy áp dụng blockchain dễ dàng hơn các doanh nghiệp cũ
Có một loại doanh nghiệp mà báo cáo của Deloitte tập trung nghiên cứu, đó là các hãng “đột phá mới nổi”. Đây là các startup tăng trưởng nhanh, ở vị thế sẵn sàng tạo ra bước đột phá so với nhiều doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực. Họ thường hưởng lợi nếu được cấp vốn đầy đủ và được dẫn dắt bởi dàn lãnh đạo nhiều kinh nghiệm, có mối quan hệ rộng.
Giới doanh nghiệp nói trên thường có thể áp dụng được công nghệ blockchain theo cách đưa công nghệ này thành một phần của mô hình kinh doanh doanh nghiệp, thay vì chỉ đơn giản là bổ sung nó. Đơn cử, Storj Labs dùng blockchain làm cơ sở cho công nghệ mới, có thể tạo ra bước đột phá trong mảng lưu trữ đám mây. Họ còn tiến vào thị trường Trung Quốc, điều mà Amazon không làm được.
5. Blockchain đang hợp tác tốt với mảng quan hệ công chúng (PR)
PR đang bùng nổ. Dù là PR đại chúng truyền thống hay nỗ lực truyền thông xã hội cùng những người có sức ảnh hưởng, giới doanh nghiệp và cá nhân đang hưởng lợi từ việc sử dụng và ưu tiên PR thay vì chỉ dùng nhiều chiến dịch quảng cáo truyền thống. GoodNoon là một trong các hãng dùng blockchain để giúp dịch vụ PR dễ tiếp cận hơn với tất cả những người có câu chuyện hay để kể, chứ không chỉ là dịch vụ dành riêng cho giới doanh nghiệp giàu có. GoodNoon dùng blockchain để phân tán ngành công nghiệp PR, và dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp người tiêu dùng tìm ra nhà báo hay người nổi tiếng có khả năng quan tâm hơn đến câu chuyện.
6. Bảo mật, an ninh tiếp tục là nguồn sáng tạo chính
Vì blockchain được tạo ra với tư cách phương tiện để đảm bảo sự an toàn của giao dịch, bảo mật là mảng mà phần lớn sự đổi mới diễn ra. Blockchain đóng vai trò rất lớn trong an ninh mạng. Một trong các ví dụ là HYPR. Hãng này sử dụng dữ liệu sinh trắc học phân tán và nhiều thông tin khác để tạo điều kiện, cải thiện việc xác thực người dùng và hệ thống kiểm soát truy cập. Công ty nhận 8 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm.
Vẫn còn vài tháng nữa mới hết năm 2018. Vì thế, liệu ứng dụng của công nghệ blockchain trong kinh doanh và công nghệ sẽ lên ngôi hay ngày càng nhạt đi vẫn còn là câu hỏi để ngỏ. Hiện tại, trong khi nhiều hãng truyền thống vẫn từ tốn chú ý đến blockchain, nhiều công ty hướng đến công nghệ lại tỏ ra hăng hái hơn.