Theo báo cáo tài chính hợp nhất công bố tại đại hội, năm 2017, Viettel Global đạt doanh thu hợp nhất trên 19.000 tỉ đồng, tăng 24% (gần 3.700 tỉ đồng) so với năm 2016. 
Trừ đi các chi phí, Viettel Global đạt 27 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (1,18 triệu USD). Đây là một kết quả đặc biệt ấn tượng trong bối cảnh Viettel Global phải tăng rất mạnh các khoản đầu tư cho 4G tại nhiều thị trường quốc tế, đặc biệt  là khoản đầu tư lớn tại Myanmar (mới khai trương mạng di động vào 9/6/2018).
Hiện tại, Viettel Global đang đầu tư tại 9 thị trường, trong đó 7 thị trường đã có lãi (Campuchia, Lào, Đông Timor, Moambique, Burundi, Haiti, Cameroon), 3 thị trường đã hoàn vốn đầu tư và đứng số 1 tại thị trường về mạng lưới viễn thông, đã thu về gấp 4-5 lần giá trị vốn đầu tư (Lào, Campuchia, Đông Timor). 2 thị trường mới đi vào kinh doanh dưới 3 năm của Viettel là Myanmar (1 năm) và Tanzania (2 năm).
Ngoài ra, Peru – thị trường do Viettel Global vận hành và kinh doanh nhưng chưa tính vào kết quả kinh doanh hợp nhất của Viettel Global, cũng đã kinh doanh có lãi. Năm 2017, Peru là thị trường quốc tế có lợi nhuận cao nhất của Tập đoàn Viettel. Theo quy định của Peru, Bitel (thương hiệu của Viettel tại Peru) phải do Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội làm chủ đầu tư nên kết quả kinh doanh chưa thể hợp nhất cho Viettel Global dù thực chất việc vận hành và quản lý do Viettel Global thực hiện.

vietnamnet

Năm 2018, Viettel Global đặt kế hoạch tiếp tục xúc tiến các thị trường mới, trọng tâm là các nước Asean và các thị trường có quy mô dân số tương đương Việt Nam. Mục tiêu của công ty là số lượng thuê bao luỹ kế tính đến cuối năm 2018 tăng trưởng khoảng 10-15% so với năm 2017 và có lợi nhuận trong năm 2018, mở rộng thị trường đầu tư đạt quy mô dân số 400-500 triệu dân, đứng trong Top 10 công ty toàn cầu.
Trong đại hội lần này, cổ đông của Viettel Global đã bỏ phiếu thông qua việc tăng vốn điều lệ lên 30.430 tỷ đồng bằng cách phát hành riêng lẻ 800 triệu cổ phần phổ thông với giá 10.000 đồng/cổ phần (trị giá 8.000 tỷ đồng) cho công ty mẹ (Tập đoàn Viettel).
Toàn bộ số vốn này sẽ được sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động phù hợp với nhu cầu đầu tư cho các dự án của Viettel Global đến năm 2020. Số cổ phần này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Một trong những nội dung quan trọng cũng được bàn thảo và thống nhất trong đại hội cổ đông là đưa cổ phiếu của Viettel Global đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM, dự kiến vào tháng 7/2018.
Ngoài ra, Đại hội lần này cũng thông qua tờ trình bầu ông Lê Đăng Dũng vào vị trí Chủ tịch HĐQT, đồng thời tìm kiếm ứng viên mới đảm nhiệm chức danh Tổng giám đốc. Hiện tại, ông Dũng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Viettel Global.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn Viettel (bao gồm cả thị trường Peru) là hơn 2 tỷ USD, trong đó, khoản đã giải ngân là 1,19 tỷ USD. Lợi nhuận từ các thị trường nước ngoài đã chuyển về Việt Nam là 516 triệu USD, chiếm gần 45% tổng số vốn đã đầu tư.
100% thị trường đã kinh doanh trên 3 năm của Viettel đều tăng trưởng, trong đó 60% thị trường có tốc độ tăng trưởng doanh thu đạt 2 con số, bao gồm Cameroon (103%), Mozambique (79%), Peru (37%), Tanzania (35%), Haiti (13%), Đông Timor (12%). Đây là một kết quả ấn tượng khi ngành viễn thông thế giới đã bắt đầu bão hoà – doanh thu tăng trung bình 4%.

Myanmar – thị trường mới khai trương ngày 9/6/2018, vừa vượt mốc 1 triệu thuê bao chỉ sau 10 ngày. Đây là tốc độ phát triển chưa từng có của Viettel Global trong lịch sử.

Trần Long