Anthony Tan, đồng sáng lập kiêm CEO Grab
Anthony Tan, đồng sáng lập kiêm CEO Grab

Grab vừa khai trương trụ sở mới sang trọng tại Marina One West, Singapore. Trụ sở gồm 2 tầng với view nhìn ra khu vực cảng Tanjong Pagar đắt giá, là cột mốc cho thấy startup Grab của Anthony Tan đã đi được bao xa kể từ ngày đầu thành lập trong một nhà kho bé nhỏ tại Kuala Lumpur, Malaysia.
Mới ra đời gần 6 năm, Grab tỏ ra không “ngán” một đối thủ nào, thậm chí còn khiến Uber phải chùn bước tại sân nhà. Grab hiện là startup công nghệ giá trị nhất Đông Nam Á khi được định giá hơn 10 tỷ USD, giúp cho nhà đồng sáng lập Tan trở thành triệu phú với tài sản khoảng 300 triệu USD theo ước tính của Forbes.
Với dân số khoảng 660 triệu người, Đông Nam Á từ lâu được xem là thị trường lớn tiếp theo của các hãng công nghệ. Chỉ riêng mảng dịch vụ gọi xe đã được đự đoán có giá trị 20 tỷ USD đến năm 2025, theo báo cáo Kinh tế Internet Đông Nam Á của Google và Temasek công bố tháng 12/2017.
Ngày nay, Grab hoạt động tại 225 thành phố trên 8 nước với hơn 100 triệu lượt tải. Khởi đầu là ứng dụng gọi xe taxi giúp hành khách và tài xế an toàn, ứng dụng đã mở rộng thêm nhiều dịch vụ: đặt xe riêng, đi chung xe đạp, xe buýt công cộng và giao hàng, thực phẩm, đồ tạp hóa. Để gắn kết tất cả dịch vụ, công ty ra mắt công cụ thanh toán GrabPay năm 2016, giúp việc thanh toán trở nên thuận tiện hơn và cho phép người dùng ứng dụng sử dụng điểm để mua các dịch vụ khác. Dự kiến, Grab có thể đem về 1 tỷ USD doanh thu năm 2018.
CEO Anthony Tan có phong thái ấm áp, dễ tiếp cận nhưng kỳ thực, anh chính là con cháu trong một gia đình Malaysia xuất chúng. Tan Hooi Ling, đồng sáng lập Grab, gặp Anthony trong một sự kiện của Harvard. Cô nhận xét Anthony là người hướng ngoại, ăn mặc chỉn chu và biết tất cả những người nên biết trong phòng.
Anthony Tan là con út trong gia đình Tan Heng Chew, Chủ tịch Tan Chong Motor, công ty lắp ráp và phân phối xe Nissan tại Đông Nam Á. Cha của anh tin vào việc dạy dỗ nghiêm khắc nên Tan đã làm việc tại dây chuyền lắp ráp và được theo cha đến các cuộc họp với những ông chủ liên đoàn khó tính, giúp anh được tiếp xúc với một thế giới khác. Nhờ đó, dù là con nhà giàu có, Anthony lại gây ấn tượng nhờ tinh thần làm việc. Đối với Tan Hooi Ling, Anthony là “một trong những người chăm chỉ nhất tôi từng gặp bất chấp lợi thế không nhỏ từ gia đình”. Foo Jixun, đối tác tại công ty đầu tư mạo hiểm GGV, đơn vị dẫn đầu vòng gọi vốn Series B trị giá 15 triệu USD của Grab, lại nhìn thấy ở Tan đam mê thú vị dù anh sinh ra đã “ngậm thìa bạc trong miệng”.
Ý tưởng về Grab (tên gốc là MyTeksi) nảy ra khi hai sinh viên họ Tan ngồi cạnh nhau trong lớp học MBA. Nếu như các dịch vụ gọi xe như Uber hay Didi Chuxing tập trung vào kết nối cung – cầu giữa hành khách và tài xế, Anthony và Hooi Ling lại nghĩ khác: cải thiện an toàn. Giới taxi Malaysia thời điểm ấy mất uy tín vì một số “con sâu làm rầu nồi canh”. Hiểu được nguy cơ khi đi một mình trong khu vực, Grab cho phép khách hàng chia sẻ hành trình chuyến đi theo thời gian thực.

Danh sách cổ đông của Grab gồm nhiều cái tên sáng giá như Masayoshi Son của SoftBank, Cheng Wei của Didi Chuxing, tuy nhiên startup không thể có ngày nay nếu không có nhà đầu tư đặc biệt, chính là mẹ của Anthony Tan, bà Khor Swee Wah. Tan, người từng giữ chức Giám đốc tiếp thị tại Tan Chong Motor trước Grab, ban đầu đưa ý tưởng đến cha mình nhưng bị từ chối và thúc giục nối nghiệp gia đình. Trong khi đó, mẹ của anh muốn hỗ trợ con trai nên ủng hộ tài chính và cùng anh đi đến các cuộc họp với nhà đầu tư vào những ngày đầu.
Với vị thế của Grab hiện tại, Tan vẫn khiêm tốn không gọi đây là “thành công” mà dùng từ khác: “bắt đầu cất cánh”. “Thành công là gì? Không có điểm dừng nào cả. Chúng tôi luôn tìm nhiều cách để đột phá bản thân”, Tan nói. Mỗi ngày với Grab cũng là thử thách, không chỉ đến từ các nhà quản lý (Grab đang gặp trở ngại tại Singapore sau khi thôn tính mảng kinh doanh tại Đông Nam Á của Uber) mà còn đến từ các đối thủ, chẳng hạn Go-Jek, một dịch vụ gọi xe của Indonesia. Cho tới hiện tại, Go-Jek mới chỉ hoạt động tại thị trường quê nhà nhưng đã thông báo kế hoạch triển khai tại Thái Lan và Việt Nam.
Song có lẽ thách thức lớn nhất mà Grab đang gặp phải, cũng như các startup khác khi đạt đến mốc phát triển nào đó, chính là làm thế nào để duy trì đà tăng trưởng. Khailee Ng, đối tác tại 500 Startups, công ty đầu tư vào Grab từ năm 2014, cho biết: “Mọi startup lớn, từ Facebook, Tencent cho đến Alibaba, đều cân nhắc nên phát triển, mua, hợp tác hay đầu tư khi bắt đầu lớn mạnh. Đây chính là giai đoạn hiện tại của Grab”.
Quản lý một công ty đa quốc gia cũng cần nhiều kỹ năng khác biệt so với điều hành một startup nhỏ. Nó ngược lại với những ngày đầu khi mọi người đều “biết khi ai đó đi toilet vì chúng tôi ngồi chung một bàn”, Tan hài hước. Grab hiện có 5.000 nhân viên.
Khi tuyển dụng, Grab tìm kiếm những người có 4 tố chất: khao khát, khiêm tốn, chân thành và có trái tim. Trong một cuộc phỏng vấn, đồng sáng lập Tan Hooi Ling thừa nhận công ty đã có những sai lầm trong tuyển dụng và rút kinh nghiệm từ nó. Như nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác, Tan cũng có quyết định khó khăn khi đưa người ngoài có năng lực vào, xếp họ ở vị trí cao hơn những người cộng tác với anh từ đầu.
Cả hai nhà sáng lập Grab đều dành phần lớn thời gian trên đường. Tan và Hooi Ling góp mặt trong danh sách những người trẻ có ảnh hưởng lớn nhất trong kinh doanh 40 Under 40 của Fortune năm 2018, còn Anthony được nêu tên trong 100 người sáng tạo nhất trong kinh doanh của Fast Company.
Để đi được đến đây, Tan đã phải trải qua một con đường rất dài. Ban đầu, Tan còn phải gõ từng chiếc taxi một để thuyết phục tài xế tải ứng dụng Grab. Anh nhớ lại: “Chú ơi cho cháu cơ hội đi, chắc chắn thu nhập của chú sẽ tăng”. Chúng tôi thực sự đang cầu xin họ. Có lẽ trong 10 tài xế tôi tiếp cận, chỉ có 2 người đồng ý”.
Tan cũng không có kế hoạch rút lui khỏi thị trường. “Tôi sinh ra ở Đông Nam Á, đây là nhà của tôi. Tôi sẽ sống và chết ở đây”.