Theo Motherboard, các tài liệu nội bộ của Apple bị tiết lộ bởi thẩm phán tòa án Mỹ Lucy Koh, trong đó cho biết iPhone 6 dễ bị uốn cong gấp 3,3 lần và iPhone 6 Plus gấp 7,2 lần so với iPhone 5s. Thậm chí, công ty Mỹ còn nhấn mạnh rằng sản phẩm “dễ bị uốn cong hơn so với các thế hệ trước” và mô tả là “hành vi mong đợi”.
Một trường hợp iPhone 6 bị uốn cong.
Mọi việc bắt đầu từ năm 2014, khi iPhone 6 và iPhone 6 Plus bán ra. Tuy nhiên, bộ đôi này nhanh chóng nhận được rất nhiều phản hồi không mấy tích cực về vấn đề gọi là “bendgate” – thiết bị rất dễ bị uốn cong khi đặt vào túi quần hoặc va chạm với lực không quá mạnh. Khi đó, Apple lên tiếng khẳng định với The Verge rằng sản phẩm của mình “đảm bảo chất lượng” và các trường hợp xảy ra sự cố là “vô cùng hiếm hoi”. Thậm chí, Tim Cook đã mời các đơn vị truyền thông đến xem dây chuyền sản xuất và kiểm nghiệm để chứng minh, dù sau đó các trường hợp uốn cong tiếp tục tăng.
Gần hai năm sau (2016), iPhone 6 và iPhone 6 Plus gặp phải lỗi mới gọi là “bệnh cảm ứng” (touch disease) – hiện tượng nhấp nháy màn hình hoặc “chết” cảm ứng do hỏng chip điều khiển màn hình nằm trên bo mạch chủ. Một số kỹ thuật viên cho rằng “bệnh cảm ứng” xảy ra là do quá dễ bị uốn cong, từ đó tác động đến bo mạch.
Thế nhưng đại diện Apple lại tìm cách đổ lỗi, cho rằng người dùng đánh rơi điện thoại nhiều lần, đồng thời chỉ hỗ trợ một phần chi phí cho việc sửa chữa. Nếu muốn khắc phục lỗi, người dùng phải trả 149 USD, giảm từ 349 USD.
Một nhóm người dùng Mỹ đã đâm đơn kiện tập thể lên tòa án cáo buộc Apple không có những hành động để bảo vệ người dùng. Thẩm phán Koh sau đó đã yêu cầu Apple cung cấp các tài liệu nội bộ về hai chiếc iPhone và thông tin trên nằm trong bộ tài liệu này.
Bên cạnh việc biết trước iPhone 6 dễ bị uốn cong, tài liệu còn đề cập đến việc Apple âm thầm đưa vào một loại epoxy (nhựa dùng trong các chi tiết máy bay, tàu thủy, giàn khoan) để gia cố bo mạch, từ đó khiến thiết bị cứng cáp hơn.
Apple chưa đưa ra bình luận nào sau thông tin này.
Bảo Lâm