Apple đã không ngừng nhấn mạnh vị thế “anti-Facebook” của mình thời gian gần đây, từ những màn “mỉa mai” nhẹ nhàng qua lời nói tới chỉ trích về cách xử lý dữ liệu cá nhân của mạng xã hội phổ biến nhất hành tinh, chiến dịch thể hiện thiện chí với người tiêu dùng một cách nhẫn nại của Táo khuyết xem ra vẫn đang rất hiệu quả.
Nhưng liệu một công ty công nghệ có giá trị lớn nhất thế giới và đang phấn đấu đến con số nghìn tỷ USD thực sự không có gì đáng đề phòng và hoàn toàn tin cậy?

 

Có lẽ chưa một công ty nào trong lịch sử định nghĩa thương hiệu của mình khéo léo hơn Apple. Mặc cho nhiều scandal có chiều hướng đối lập với quy tắc ứng xử của mình nhưng khi nhắc đến Apple, người tiêu dùng vẫn liên tưởng tới một thương hiệu luôn hướng đến sự hoàn hảo, tính trực quan dễ sử dụng, sự sang trọng và đột phá công nghệ. Cộng thêm với hệ thống khép kín cho phép xây dựng và kiểm soát cả phần cứng lẫn phần mềm, cùng với đó là tiền sử “không chứa virus” khi so sánh với các đối thủ là Windows PC và Android, Apple đã gây dựng cho mình một danh tiếng không hề dễ lung lay về bảo mật và an toàn dữ liệu.
Chẳng vậy mà trong một cuộc phỏng vấn, CEO Tim Cook đã phát biểu: “Sự thật là, chúng tôi sẽ kiếm được một khoản tiền khổng lồ nếu quyết định bán thông tin khách hàng, nhưng chúng tôi đã chọn không làm vậy”. Nhiều tháng gần đây, giữa vụ việc Facebook để lộ thông tin cá nhân của hơn 87 triệu người dùng, CEO Apple đã liên tục đưa ra nhiều bình luận mang tính chỉ trích trực tiếp vào mô hình kinh doanh của mạng xã hội khổng lồ, thậm chí là cả trong buổi phát biểu mừng tốt nghiệp của các sinh viên trường đại học ông đã từng theo học – Đại học Duke.
“Chúng tôi từ chối suy nghĩ rằng hưởng lợi tối đa từ công nghệ đồng nghĩa với đánh đổi dữ liệu riêng tư của mình… Chúng tôi thu thập dữ liệu từ bạn ít nhất có thể, xử lý một cách tôn trọng và tinh tế những gì chúng tôi thu thập được”.
Chưa hết, hồi đầu tuần này, Apple một lần nữa được ca ngợi hết lời về tính năng mới trên macOS Mojave cho phép Safari chặn toàn bộ mọi ứng dụng bên thứ ba theo dõi người duyệt web qua trang web bằng kỹ thuật “browser fingerprinting”, không ngần ngại lấy chính Facebook ra làm ví dụ – bởi đây chính là cách Facebook theo dõi và lập hồ sơ về tất cả mọi người trên thế giới.
“Táo khuyết” không chỉ đang thức thời tấn công đối thủ lúc họ dễ tổn thương nhất, hay đơn giản là đánh bóng tên tuổi của mình, tính năng mới trên Safari là một nâng cấp mở rộng của tính năng Intelligent Tracking Prevention được hãng ra mắt trên trình duyệt của mình năm ngoái, giúp người dùng kiểm soát tốt hơn các loại cookies quảng cáo.
Điều này, bên cạnh việc Tim Cook luôn luôn nhấn mạnh rằng “chúng tôi coi thông tin riêng tư là quyền con người, là tự do số”, cho thấy Apple đã tiên liệu về làn sóng phẫn nộ trước bảo mật riêng tư từ hơn một năm nay. Vậy Apple có thực sự vì người tiêu dùng, hay tất cả chỉ là những nước cờ trong một kế hoạch lớn công ty vẫn đang giấu kín?

Kế hoạch lớn

Trước hết, phải nêu rõ rằng Apple là một doanh nghiệp và hơn thế, là một doanh nghiệp cực kỳ thành công. Một công ty trị giá gần 1.000 tỷ USD sẽ không chỉ đơn thuần lo cho riêng tư của người dùng, hay chính xác hơn điều duy nhất Apple quan tâm là làm gì có lợi cho cổ đông của mình. Tim Cook không phải kẻ nói dối khi ông cho biết Apple sẽ làm hết sức để bảo vệ người dùng khỏi các công ty dữ liệu, nhưng những tập đoàn lớn ngày nay cũng có thể được ví với một quốc gia thu nhỏ vậy, mọi quyết định đưa ra đều phải có lợi cho Apple trước tiên, sau đó mới tới người dùng. Và theo báo cáo từ Phố Wall, doanh thu từ iPhone của Apple, dù vẫn đang tăng trưởng đều đặn, lại chưa đạt mức tăng trưởng các nhà đầu tư kỳ vọng.
Sự thật là lượng mua iPhone mới giảm theo mỗi năm, người mua cảm thấy không cần phải nâng cấp điện thoại của mình khi vẫn được đều đặn nhận phiên bản iOS mới, thêm vào đó là nhiều người chuyển sang mua iPhone cũ, iPhone refurbished để tiết kiệm hơn. Đây không phải dấu hiệu đáng mừng cho Apple, nhất là khi hãng phụ thuộc tới 90% doanh thu vào các sản phẩm iOS, đặc biệt là iPhone. “Táo khuyết” vẫn không hề rời mắt khỏi các dòng sản phẩm tương lai như loa thông minh, AR hay xe hơi tự lái, nhưng đó là chuyện của tương lai và lợi nhuận của mai sau. Ngay lúc này, dịch vụ, hay đúng hơn là dịch vụ quảng cáo, là mảng kinh doanh mà Apple nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh nhất.

Wall Street Journal cho biết Apple đã bí mật lên kế hoạch cho một mạng lưới dịch vụ cho thuê quảng cáo mới, thay cho iAd network vốn đã ngừng từ 2016 do nhà phát triển cho rằng giá quảng cáo Apple đưa ra là quá đắt. Cùng với đó, Google và Facebook liên tục thúc đẩy mảng dịch vụ này với quảng cáo giá rẻ và target khách hàng chính xác qua sử dụng dữ liệu cá nhân, không khó hiểu khi Apple tụt lại phía sau. Tính đến hết 2017, Google và Facebook kiểm soát gần 60% thị phần quảng cáo số, và dường như Apple không muốn tiếp tục để mất tiền vào tay đối thủ thêm nữa.
Ngoài ra, Wall Street Journal còn khẳng định rằng Táo khuyết đã trao đổi với nhiều công ty lớn như Snap Inc và Pinterest để thảo luận về phân phối quảng cáo trên nền tảng của họ. Với vị thế của mình, Apple hoàn toàn có thể ép toàn bộ ứng dụng trên App Store phải chứa quảng cáo của mình, dù hãng vẫn đang hưởng một khoản tiền từ quảng cáo trên ứng dụng.

 

Cạnh tranh giữa các ông lớn công nghệ sẽ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, có thể chúng ta sẽ chứng kiện một nền tảng quảng cáo giá rẻ hơn, hoặc các trình duyệt đem lại tính năng chặn quảng cáo, chống theo dõi người dùng tốt hơn, nhưng điều quan trọng nhất người tiêu dùng cần nhớ, đó là mặc cho “Táo khuyết” có tha thiết bao nhiêu đi chăng nữa về tôn trọng và bảo vệ dữ liệu người dùng, Apple không phải là bạn của chúng ta, Apple là một công ty công nghệ khổng lồ sẵn sàng làm bất kỳ điều gì đem lại lợi nhuận lớn nhất cho mình.