CEO Mark Zuckerberg cùng các nhân viên tại Facebook.
Thung lũng Silicon luôn được biết đến như mảnh đất “khó đến, dễ đi”, nhưng cũng là nơi nuôi dưỡng giấc mơ được làm việc tại những công ty công nghệ hàng đầu thế giới.
Thử thách đầu tiên mà bất kỳ mỗi ứng viên nào nếu muốn được làm việc tại những Apple, Amazon, Microsoft hay Facebook chính là vòng sơ tuyển và phỏng vấn. Với vị thế của một tập đoàn đầu ngành, họ luôn khiến ứng viên rơi vào cảnh lo sợ, hoang mang, và không tự tin về bản thân mình.
Tại Apple, họ thậm chí tuyên bố luôn rằng “các ứng viên nên sẵn sàng chấp nhận rằng mình sẽ quay lại đây nhiều lần để xin việc”, và “hiểu rằng đôi khi phải mất một vài năm mới xin được việc”. Trong khi đó Google lại luôn khiến các ứng viên phải “đau đầu” với những câu hỏi hóc búa và có thể không hề liên quan chút nào tới công việc.
Tất nhiên vẫn có những ngoại lệ, điển hình như tại Facebook, nơi các kỹ sư có thể xuất hiện trong cuộc phỏng vấn với “bất kỳ trang phục nào mà bạn cảm thấy thoải mái”. Thế nhưng đừng quá tự tin, vì có thể ngay ở cách bạn chọn trang phục cũng là một câu hỏi mà hội đồng đưa ra nhằm đánh giá sự phù hợp với công việc.
Để hiểu rõ hơn về trải nghiệm phỏng vấn tại một số công ty công nghệ hàng đầu thế giới, trang web phân tích dữ liệu Comparably đã khảo sát hơn 6.400 nhân viên tại Google, Apple, Facebook và Microsoft.
Trong đó, đa số nhân viên đánh giá Apple và Microsoft có những vòng phỏng vấn “tuyệt vời” nhất với tỷ lệ 90/100. Trong khi đó, Facebook lại bị đánh giá thấp nhất với chỉ 83/100.
Về độ khó của các buổi phỏng vấn, Google xếp đầu bảng với việc hơn 19% ứng viên đánh giá ở mức “rất khó”, và 30% ở mức “khó”. Tiếp sau đó là Apple đứng ở vị trí thứ 2 với 36% ứng viên đánh giá ở mức “khó”. Các công ty như Amazon, Microsoft, Facebook có vòng phỏng vấn được đánh giá ở mức “trung bình” bởi phần đông ứng viên.
Khảo sát cũng mang đến một vài con số thú vị, điển hình như việc nộp đơn online giúp các ứng viên có được lợi thế và dễ xin việc hơn. Cụ thể đã có tới 29% ứng viên cho biết họ xin được việc dựa trên phương pháp này, so với 24% từ giới thiệu, và 19% từ tuyển dụng trực tiếp.
Google xếp đầu bảng về mức độ khó của các vòng phỏng vấn.
Facebook và Google cũng là 2 công ty có nhiều vòng phỏng vấn nhất để vượt qua trước khi được xét duyệt vào làm việc. Tuy nhiên, quá trình này lại được đa số ứng viên (từ 79-85%) đánh giá là “giúp họ có được cái nhìn rõ nét về văn hóa của công ty”.
Ngược lại, tại Apple dù có ít vòng phỏng vấn, nhưng lại chưa khiến ứng viên có được cảm nhận nêu trên với chỉ 46% số người cùng quan điểm. Con số này tại Amazon và Microsoft lần lượt là 67% và 60%.
Nguyễn Nguyễn
Theo BI