Báo Anh nói về ‘công ty lớn nhất Việt Nam’: Chiếm 1/4 tổng xuất khẩu cả nước, sử dụng hơn 100.000 lao động, một nhà máy tiêu thụ 13 tấn gạo/ngày. Nhà máy Samsung Electronics tại Thái Nguyên hiện là ngôi nhà của 60.000 công nhân viên. 3 nhà ăn của họ phục vụ khoảng 13 tấn gạo mỗi ngày. Đây chính là nơi sản xuất ra nhiều điện thoại di động hơn bất kỳ nhà máy nào khác trên thế giới. Tổng cộng nhà máy ở Thái nguyên và một vài tỉnh thành khác của Samsung tại Việt Nam sản xuất ra gần 1/3 sản lượng đầu ra điện thoại di động trên toàn cầu của hãng. Tính đến nay, gã khổng lồ của Hàn Quốc đã đầu tư khoảng 17 tỷ USD vào đất nước này. Báo Anh nói về Samsung Việt Nam: Chiếm 1/4 tổng xuất khẩu cả nước, sử dụng hơn 100.000 lao động, một nhà máy tiêu thụ 13 tấn gạo/ngày Có lẽ chính vì vậy mà Samsung trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với Việt Nam. Với doanh thu đạt 58 tỷ USD vào năm ngoái, Samsung trở thành công ty lớn nhất Việt Nam vượt cả PetroVietnam. Tổng cộng họ hiện sử dụng hơn 100.000 người lao động, biến Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ 2 về điện thoại thông minh trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Mình Samsung chiếm 1/4 trong số 214 tỷ USD tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam vào năm ngoái. Dĩ nhiên nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất từ Samsung. Mặc cho những báo cáo về điều kiện làm việc tồi tệ tại các nhà máy, Thái Nguyên và một số tỉnh thành được Samsung lựa chọn mở nhà máy trở thành những tỉnh giàu bậc nhất cả nước. Các nhà hàng, quán ăn, khách sạn mọc lên như nấm xung quanh các khu công nghiệp có Samsung. Số lượng các công ty địa phương trở thành nhà cung ứng cho Samsung đã tăng gấp 7 lần trong 3 năm qua. Hiện Samsung là nhà đầu tư Hàn Quốc lớn nhất vào Việt Nam. Trong khoảng 108 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài Việt Nam nhận được kể từ khi gia nhập WTO vào năm 2007, có 1/3 số đó xuất phát từ Hàn Quốc. LG Electronics – một gã khổng lồ Hàn Quốc khác đang vận hành một nhà máy sản xuất màn hình tivi trị giá 1,5 tỷ USD gần cảng Hài Phòng. Còn tập đoàn Lotte sở hữu chuỗi siêu thị tại đây. Lượng vốn FDI chảy vào Việt Nam chiếm 8% GDP cả nước trong năm ngoái – nhiều gấp đôi tỉ lệ tương tự ở các quốc gia trong khu vực. Những công ty thuộc sở hữu nước ngoài hiện chiếm gần 20% sản lượng đầu ra của cả nước. Nền kinh tế đã tăng trưởng ở mức 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái vào quý đầu tiên của năm 2018 – một trong những tỷ lệ nhanh nhất ở châu Á.

Đối với Samsung, các tỉnh thành Việt Nam là lựa chọn sản xuất thay thế thích hợp cho Trung Quốc. Lực lượng lao động trẻ, rẻ và rất dồi dào. Điều đó đã từng là những lợi thế mà Trung Quốc có được nhưng lực lượng nhân công của họ hiện đã già hơn 7 tuổi và trung bình chi phí thuê nhân công đắt gấp 2 lần so với Việt Nam. Việc chi phí giảm giúp nhà sản xuất điện thoại này có được lợi thế hơn hẳn so với Apple – nhất là những thiết bị rẻ tiền. Nếu như những quốc gia khác trong khu vực có xu hướng xuất khẩu nguyên vật liệu thô đến Trung Quốc lắp ráp thành sản phẩm thì Việt Nam lại là quốc gia xuất khẩu những sản phẩm đã hoàn chỉnh. Việt Nam cũng có lợi thế hơn so với Trung Quốc bởi năm ngoái, chính phủ nước này đã ra lệnh cấm các công ty và sản phẩm Hàn Quốc nhằm trừng phạt việc chính phủ Hàn Quốc ủng hộ hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Đổi ngược lại, Việt Nam rất chào đón các công ty nước ngoài. Trong năm 2015, chính phủ Việt Nam đã cho mở cửa 50 ngành công nghiệp cho các nhà đầu tư nước ngoài và cắt giảm hàng loạt các rào cản luật pháp. Năm ngoái, nhà nước cũng đã bán bớt cổ phần tại một số tập đoàn lớn như Sabeco cho một công ty nước ngoài. Việc tham gia nhiệt tình vào các thoả thuận thương mại tự do cũng khiến Việt Nam trở nên thu hút trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Quốc gia này cũng là một thành viên sáng lập của TPP (thoả thuận gồm cả Australia, Canada, Nhật Bản…). Thoả thuận được ký kết với Hàn Quốc vào năm 2015 cũng đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 thế giới. Theo: Thời Đại