11 năm trước, sự xuất hiện lần đầu của iPhone đã khơi dậy làn sóng đột phá công nghệ di động khắp ngành công nghiệp, để rồi sau đó thay đổi toàn bộ diện mạo thiết bị nhỏ bé con người cầm trong lòng bàn tay. Nhờ sự cạnh tranh không ngừng nghỉ giữa các “ông lớn” di động, cùng với đó là dòng chảy công nghệ liên tục chứng kiến đổi mới năm này qua năm khác, bối cảnh smartphone hiện thời có thể xem là một bước nhảy vọt so với chỉ 5 năm trước thôi, huống chi hơn một thập kỷ trước.
3 năm sau ngày model iPhone đầu tiên lên kệ, Samsung chính thức bước vào cuộc đua và giới thiệu giải pháp điện thoại thông minh của riêng mình. Kể từ đó đến giờ, thị trường liên tục chứng kiến thêm nhiều nhà sản xuất khác chen chân vào cuộc chơi, đòi cho bằng được một chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng bao gồm từ những “chóp bu” như LG, Sony, HTC, Huawei đến cả những công ty mới nổi như OnePlus. 11 năm cũng là quãng thời gian người hâm mộ BlackBerry và Nokia chứng kiến thương hiệu “con cưng” của mình cạnh tranh một cách bạc nhược, dần bị iPhone và Galaxy nhấn chìm trước khi cố gắng trỗi dậy và tồn tại leo lắt ở phân khúc giá rẻ và tầm trung.
Mặc cho hàng loạt cải tiến từ nhỏ tới lớn, từ năm này qua năm khác như công nghệ bảo mật sinh trắc học, màn hình to và đẹp đồng thời viền lại được thu nhỏ, vi xử lý tốc độ cao mà lại tiết kiệm điện năng, camera ấn tượng, pin dung lượng ngày càng lớn nhưng kích thước ngày càng nhỏ, thậm chí còn có pin hình chữ L (iPhone X), ta vẫn thường kháo nhau rằng đột phá smartphone giờ đây đã khô kiệt. Một chiếc flagship giờ đây có thể tồn tại đến 3, 4 năm mà chưa cần nâng cấp, còn những model ra sau lại không có gì thay đổi đáng kể về chức năng sử dụng cốt lõi. Nhưng dù nhịp độ phát triển của công nghệ di động có thể đang vấp phải nhiều trở ngại và có dấu hiệu chững lại, chúng ta còn lâu lắm mới cạn sạch ý tưởng cải thiện điện thoại thông minh.
Dù những phát kiến trên đều tỏ ra thú vị và đáng ngưỡng mộ, không tính năng nào thực sự cần thiết hoặc đáng để người dùng bỏ tiền ra đổi “dế”. Vậy liệu đột phá trong lĩnh vực smartphone đã cạn kiệt hoàn toàn, hay chúng ta chỉ đang tận hưởng một khoảng lặng tạm thời trước khi bắt nhịp lại với guồng quay chóng mặt? Và liệu con người có bao giờ tạo ra được một chiếc smartphone hoàn hảo?
“Nếu bạn gọi một thứ gì đó là hoàn hảo, đồng nghĩa rằng bạn sẽ không bao giờ chủ động tìm cách để cải thiện nó. Đó là một tư tưởng kỳ lạ, và tôi cho rằng bạn luôn phải thách thức bản thân cũng như những người cùng làm việc với bạn làm thế nào để cải thiện sản phẩm của mình”, Giám đốc Bảo tàng Thiết kế London, Alex Newson cho biết.
AI sẽ là người đầu tiên làm ra smartphone gập?
Không ai biết được chính xác đột phá lớn tiếp theo trong ngành công nghiệp di động sẽ là gì, nhưng hiện đã có một vài nâng cấp ấn tượng người dùng có thể dự đoán sẽ xuất hiện trên thị trường trong một vài năm tới nữa. Một trong số những công nghệ đó là chế tác màn hình gập được.
Nếu chế tạo thành công, công nghệ này sẽ cho phép gấp nhỏ màn hình một chiếc điện thoại sao cho thiết bị chiếm ít diện tích hơn. Chẳng hạn, người dùng có thể gập nhỏ màn hình smartphone của mình sau đó cho vào túi quần hoặc ví, ngay cả khi điện thoại có màn hình 10” to ngang một chiếc iPad.
Samsung, LG và Huawei được cho là 3 Người khổng lồ đang ráo riết nghiên cứu loại màn hình này, theo đó mỗi nhà sản xuất sẽ phát triển giải pháp riêng của mình để vượt qua những rào cản về một màn hình gập, nhưng vẫn cho chất lượng ảnh tuyệt vời.
Người khổng lồ xứ kim chi được cho sẽ là nhà sản xuất đầu tiên ra mắt thị trường smartphone màn hình gập với sự xuất hiện của Galaxy X, thiết bị kỷ niệm 10 năm Samsung bước chân vào thị trường smartphone, dự đoán sẽ trình làng tại CES 2019. Dù không phải là flagship 2019 của Samsung (vị trí đó dành cho Galaxy S10), Galaxy X vẫn được xem sẽ là bước tiến lớn của công nghệ điện thoại.
Tiến lên 5G
Công nghệ thứ hai con người sắp được tận hưởng trên điện thoại là mạng dữ liệu 5G. Kết nối 5G được cho là đem lại tốc độ đường truyền lớn hơn gấp nhiều lần so với tốc độ có được từ 3G lên 4G.
Giới phân tích kỳ vọng công nghệ mới sẽ cho phép phát nội dung 4K ngay trên điện thoại, stream game trực tiếp lên smartphone và nhiều ứng dụng khác. 5G sẽ chưa có mặt ngay trên thị trường cũng như trên các smartphone giá rẻ trong vài năm tới, nhưng là một bước tiến công nghệ chúng ta chắc chắn rằng sẽ tới và thay đổi cách con người dùng smartphone.
Đi tìm sự hoàn hảo
Kỳ thực, “hoàn hảo” là khái niệm quá đỗi mơ hồ và đặc biệt khó định nghĩa trong bối cảnh di động thế giới. Mỗi người có nhu cầu sử dụng khác nhau và phù hợp với những thiết bị khác nhau, bởi vậy khái niệm về một smartphone “lý tưởng” cũng vì thế mà thay đổi từ người này sang người khác.
Đây cũng là lý do tại sao thế giới bắt đầu chứng kiến những smartphone chuyên dụng như Razer Phone hay Asus ROG Phone để chơi game hoặc Sony Xperia XZ2 Premium cho những người dùng có nhu cầu tiêu thụ nội dung 4K trên màn ảnh nhỏ. Làm ra được một smartphone phù hợp với tất cả mọi người vẫn là thách thức gây đau đầu các nhà sản xuất ngay từ những ngày đầu tiên của feature phone, chưa nói đến smartphone.
Asus ROG Phone được làm ra với mục đích tối thượng là phục vụ game thủ |
Razer Phone cũng là smartphone chơi game với màn hình tần suất làm mới lên đến 120Hz |
Một ví dụ điển hình cho nỗ lực “làm dâu trăm họ” có thể kể đến Motorola với Project Ara sau đó được Google mua lại nhắm đến viễn cảnh smartphone “mô-đun” (cho phép tháo lắp nhiều bộ phận rời tùy theo nhu cầu sử dụng). Tuy nhiên, hiện tại nỗ lực đã thất bại hoàn toàn và đi vào dĩ vãng, với thiết bị gần nhất mọi người nhớ tới là LG G5 ra mắt 2016.
LG G5 là thất bại cuối cùng của modular phone |
Một số nhà sản xuất Trung Quốc lại đi tìm sự hoàn hảo trong thiết kế màn hình. Các công ty như Vivo và Oppo đã thử nghiệm và ra mắt các mẫu điện thoại sử dụng camera ẩn trong thân máy, chỉ trồi lên khi cần thiết, từ đó đạt được diện tích sử dụng tối đa cho màn hình, tạo điểm nhấn về thiết kế mặt trước toàn màn hình.
Oppo Find X (ảnh: Digital Trend) |
Có thể sẽ đến một ngày con người thực sự “đeo” smartphone ngay trước mặt thay vì cầm nắm thao tác trong lòng bàn tay, cho phép ta thực hiện mọi tác vụ chỉ bằng lời nói hoặc thậm chí là suy nghĩ. Nhưng dù cho tương lai smartphone có diễn ra như thế nào, giả thuyết về một smartphone hoàn hảo cho mọi người vẫn sẽ luôn là…giả thuyết, và thật khó để mường tượng ra được một viễn cảnh cả thế giới công nhận một smartphone nào đó là “hoàn hảo”.