Quyết định đi theo con đường của anh chàng streamer duyên dáng này liệu có phải con đường trải toàn màu hồng?
Tại nước ta, những cái tên như PewPew, Misthy hay ViruSs cũng đều được cộng đồng mạng công nhận và biết đến rộng rãi, thu được nhiều thành công trong sự nghiệp làm streamer của mình. Vậy muốn trở thành một streamer có khó không, phải chuẩn bị những gì mới có thể thực hiện mục tiêu của mình?
1. Một bộ máy tính “xịn sò”
Máy tính được chọn là công cụ tiện lợi và dễ dàng hiệu chỉnh nhất để phục vụ công việc livestream. Từng thành phần cấu hình có thể được chọn lựa riêng biệt, phù hợp với cả nhu cầu và mức độ chịu chơi chịu chi dành cho mảng thiết bị. Thông thường, cả 3 yếu tố chip, RAM và đồ họa đều được khuyến cáo là tương đồng nhau và có độ tân tiến khá tốt trở lên theo giá thành. Có như vậy, chất lượng livestream mới được đảm bảo, nhất là khi bạn có thể chọn phương án vừa chơi game vừa phát sóng song song với nhau, khiến cho sức mạnh của thiết bị càng trở nên cần thiết. Bên cạnh đó, tốc độ Internet cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng, góp phần hoàn thiện hóa trải nghiệm phát trực tiếp và xem livestream của khán giả.
Một bộ máy tính mạnh mẽ để thực hiện nhiều tác vụ một lúc, có thể bao gồm 2 màn hình và kết hợp các phụ kiện quay phim, ghi âm khác sẽ là lý tưởng để làm công việc livestream.
Laptop cũng có thể là một lựa chọn khả thi, nếu như đủ chắc chắn rằng nó sẽ “kham” nổi nhu cầu cần sử dụng, đặc biệt là một số dòng laptop cao cấp dành riêng cho những nhu cầu tác vụ nặng không kém gì máy tính để bàn. Được biết, có những nhà sản xuất và lắp ráp máy tính còn cho ra đời cụm máy kết hợp đôi: 1 CPU để chơi game, 1 CPU để livestream – nhằm tối ưu hóa chất lượng ra lò của sản phẩm.
2. Tài khoản livestream hệ thống
Hiện tại, YouTube và Twitch là 2 nền tảng livestream phổ biến nhất Internet với rất nhiều streamer chọn để làm “cần câu cơm” gây dựng sự nghiệp. Facebook hay Instagram cũng đều có tính năng livestream và ngày một hoàn thiện hơn, nhưng có lẽ vẫn chưa đủ đánh bại 2 cái tên trên. Dựa vào thị trường, nội dung livestream và cả mục tiêu trong tương lai, bạn sẽ xác định được đâu là nơi mình cần bắt đầu.
3. Phần mềm livestream
Đừng nghĩ rằng chỉ cần có máy xịn, lên bật livestream có sẵn trên YouTube rồi làm theo kịch bản là xong xuôi hết. Nếu chỉ có như vậy mà không tận dụng tới một phần mềm/ứng dụng hỗ trợ livestream, bạn đã tự mình bỏ qua một lợi thế cho chính bản thân để thu hút thêm nhiều người xem hoặc tự tạo dấu ấn cho kênh livestream rồi đó.
Hiện tại, những phần mềm như Open Broadcasting Software hay XSplit được khá nhiều streamer tin dùng, không chỉ tiện dụng mà còn cung cấp nhiều tính năng đi kèm độc đáo mà chỉ riêng giao diện YouTube hay Facebook thì không đáp ứng được.Nhìn chung, các phần mềm này sẽ giúp bạn chọn nguồn ghi dữ liệu (camera), tự thiết kế và sắp đặt các thành phần giao diện, sau đó đồng bộ với quá trình livestream của nền tảng mạng xã hội có sẵn. Đó là lý do vì sao chúng ta thường thấy có sự khác nhau rõ rệt giữa khung hình thông thường của một người livestream hàng ngày cho vui, và một streamer chuyên nghiệp – với hàng tá thứ được sắp đặt tự động hiện lên màn hình bên cạnh hình ảnh livestream, từ các thương hiệu đại diện cho tới thông tin tương tác giữa khán giả và bản thân.
4. Camera và microphone
Tương tác với người xem là một trong những yếu tố cần thiết nhất khi làm công việc livestream, nhằm giúp tăng mức độ gắn bó lâu dài với kênh, đồng thời thuận tiện cho nhiều mục đích liên kết cộng đồng khác. Do đó, không thể coi thường khâu chuẩn bị cho công cuộc tự “sống ảo” và quay phim chính mình lên khung hình, bằng cách đầu tư vào một chiếc camera tốt và cả micro ghi âm.
Chân cắm camera riêng, micro, thiết bị tản sáng, phòng cách âm… – bấy nhiêu đó là quá đủ để thấy sự đầu tư chất lượng lên hình của streamer MisThy.
Camera thì dễ hiểu, nhưng tại sao phải mua thêm một chiếc micro riêng biệt nữa trong khi chính chiếc camera cũng có chức năng ghi kèm âm thanh? Thực chất, những bộ phận micro kèm theo camera hay smartphone thường không đủ độ tinh vi và chất lượng cao để thu được tiếng trong trẻo, lọc tạp âm đầy đủ. Thử tưởng tượng ngồi xem và tương tác với streamer nhưng bên tai chỉ nghe thấy mập mờ tiếng nói và rè rè âm thanh hỗn tạp xung quanh, có ai còn dám tiếp tục tìm đến vào những lần sau nữa?
Vậy đó, thế mới thấy công việc của một streamer ngay từ khâu chuẩn bị đã đủ áp lực và khó khăn nhiều phần rồi, chưa kể đến khi bắt tay vào làm còn phụ thuộc vào hình ảnh, cách tiếp cận và tương tác, nói chuyện có hợp lòng khán giả để duy trì công việc hay không. Đừng nghĩ rằng đây là nghề “ngồi mát ăn bát vàng”, luyên thuyên chơi game cả ngày, cuối tháng kiếm chục triệu nhé.