Không ai nói rằng việc sống trong không gian là dễ dàng. Ngoài khó khăn thực tế khi đến đó, cuộc sống hàng ngày trên Mặt trăng cũng không giống như việc đi dạo trong công viên.
Ngay cả trong trường hợp môi trường có oxy để hít thở thì vẫn có một vấn đề nan giải khác, đó là bụi trên Mặt trăng có thể nhanh chóng xâm nhập vào phổi và dẫn đến hàng loạt các vấn đề về sức khỏe. Theo Popularmechanics, tiếp xúc lâu dài với bụi trên Mặt trăng có thể làm giảm chức năng của đường hô hấp, phổi và gây ra các bệnh như viêm phế quản.
Nghiên cứu khoa học này của Đại học Stony Brook ở New York vừa được công bố trên tạp chí GeoHealth. Những hạt bụi này cũng có làm tăng nguy cơ bị ung thư cho những người hít phải. Bụi trên Mặt trăng không giống như bụi ở Trái đất của chúng ta. Điều quan trọng là Trái đất có một bầu khí quyển bảo vệ, trong khi Mặt trăng thì không tồn tại thứ này.
Ngoài ra, các hạt bụi trên Mặt trăng còn có thể bị nhiễm điện bởi hiện tượng gọi là gió mặt trời. Một khi những cơn gió này quét qua Mặt trăng, chúng sẽ làm cho lớp đất tại đây bị nhiễm điện, tương tự như hiện tượng tĩnh điện khi chà sát một quả bóng vào tóc của ai đó.
Bụi Mặt trăng gây ảnh hưởng nghiêm trọng với sức khỏe, có thể gây ung thư phổi
Các nhà khoa học đã nhận biết được sự bất thường của Mặt trăng từ nhiều thập kỷ qua. Trong cuộc đổ bộ của phi hành đoàn Apollo 11, các phi hành gia lưu ý rằng “các hạt bụi bao phủ tất cả mọi thứ và vết bẩn vẫn còn sau khi chúng tôi cố gắng làm sạch nó”.
Bụi trên Mặt trăng duy trì một “mùi hăng đặc biệt như thuốc súng khi ngửi phải”. Các phi hành gia không bị bệnh gì nghiêm trọng khi quay về Trái đất vì có thể thời gian họ ở trên Mặt trăng quá ngắn. Bruce Demple, một nhà sinh hóa học tại Stony Brook và là tác giả chính của nghiên cứu mới, cho biết: “Nếu có những chuyến đi trở lại Mặt trăng với thời gian lưu trú hàng tuần, hàng tháng hoặc thậm chí lâu hơn thì con người sẽ phải đối mặt với nguy cơ này”. Nghiên cứu mới tiến hành các tế bào phổi và tế bào não chuột tiếp xúc với các mẫu đất bắt chước bụi Mặt trăng. Nhóm nghiên cứu đã phát triển các tế bào dưới những điều kiện được kiểm soát và sau đó cho nó tiếp xúc với một loại vật liệu được nghiền mịn. Kết quả, họ nhận ra khi hít vào, bụi đã làm giảm đến 90% tế bào não chuột. Trong trường hợp tế bào phổi của con người, thiệt hại sẽ ở mức nặng nề và khó đo lường được. Bụi Mặt trăng mô phỏng thậm chí làm hỏng các tế bào ở mức DNA. Các đặc tính giống như bụi Mặt trăng sẽ tạo ra cảm giác khó thở và nó sẽ bám vào mọi thứ, có nghĩa là rất khó ngăn chặn hoàn toàn việc nó xâm nhập vào đường hô hấp – đây là một thách thức cho các nhà khoa học nếu muốn tạo ra một môi trường sống trên Mặt trăng.
Chúng ta chỉ bay vào không gian trong khoảng nửa thế kỷ gần đây nhưng các nhà khoa học đã nhận thấy vô số thách thức mà những người sống trong không gian dài hạn đang phải đối mặt.