Mối quan hệ giữa Apple và Microsoft đang ấm dần lên, nhưng đi kèm các động thái ưu ái lẫn nhau của 2 cựu thù này lại là những mũi giáo bất ngờ chĩa vào các đối thủ khác. Khi nói về đám mây, CEO Satya Nadella của Microsoft, vốn là người khá thân thiện và điềm đạm, cũng đã công khai chê Google (và Amazon) trước mặt báo giới. Trong scandal rò rỉ dữ liệu của Facebook, vị lãnh đạo của Microsoft cũng lên tiếng nói móc mạng xã hội số 1 hành tinh không thể có “niềm tin” từ người dùng. Bất ngờ hơn nữa về những phát ngôn của một Satya Nadella điềm đạm là những mũi giáo của Tim Cook. Giống như từ trước đến nay, CEO Apple vẫn gần như không thèm gọi thẳng tên Google để bới móc nhưng bỗng dưng cũng lại lên tiếng chỉ trích Mark Zuckerberg: “Tôi sẽ chẳng bao giờ rơi vào tình huống scandal của Facebook cả”.

Các gã khổng lồ công nghệ đang dần chia làm 2 phe: Microsoft và Apple một bên, Google và Facebook bên còn lại... - Ảnh 1.

CEO mới của Microsoft là Satya Nadella tỏ ra đặc biệt thân thiện với Apple.

Vô hình chung, 4 gã khổng lồ đang chia làm 2 phe. Khi Microsoft và Apple ngày một thân thiết hơn, Facebook và Google cũng có những động thái “xích lại gần nhau”. Sau một thời gian dài Mark Zuckerberg khẩu chiến với Elon Musk về AI, Eric Schmidt (cựu chủ tịch, cựu CEO Google) đã chọn cách đứng về Facebook khi nặng lời gọi nhà sáng lập Tesla là “nhầm lẫn một cách cơ bản”. Khi trình diễn Android O tại I/O, Google cũng sử dụng khá nhiều đến tên tuổi của Instagram, mạng xã hội trực thuộc Facebook. Bản chất quảng cáo Tại sao lại có hiện tượng chia bè phái như vậy? Câu trả lời nằm trong hai chữ “quảng cáo”: về bản chất, Google và Facebook là những công ty quảng cáo, cần khai thác tối đa thói quen sử dụng của người dùng để gợi ý những mặt hàng, dịch vụ phù hợp nhất. Ở phía ngược lại, Apple rõ ràng vẫn là công ty bán phần cứng, Microsoft chủ yếu tập trung vào nền tảng/doanh nghiệp. Trong 2 thị trường này, không ai muốn “phơi bày” thông tin theo kiểu mạng xã hội hay tìm kiếm cả.

Các gã khổng lồ công nghệ đang dần chia làm 2 phe: Microsoft và Apple một bên, Google và Facebook bên còn lại... - Ảnh 2.

Nếu Facebook bị Mỹ và EU gây khó, Google cũng sẽ gặp khó.

Khi đã nhìn rõ cách sống của các bên, bạn sẽ thấy vì sao những lời nói móc tưởng chừng “chẳng liên quan” lại xuất hiện ngày một dày đặc. Apple và Microsoft cùng chỉ trích Facebook chỉ là để “khoe” về mức độ bảo vệ thông tin của mình, cùng lúc cũng mỉa mai luôn được nguồn thu của đối thủ Google. Hiện tại, Google có rất nhiều sản phẩm cạnh tranh với cả Apple lẫn Microsoft, và nếu scandal của Facebook lan sang Google (thực tế là Google đã bị triệu tập tại nhiều nơi), cả Apple lẫn Microsoft đều sẽ mỉm cười. Còn Google bỗng dưng lại bênh Facebook trên lĩnh vực AI cũng chỉ vì một nguyên nhân duy nhất: 2 công ty này áp dụng AI vẫn là hướng đến người dùng. Google Assistant hay các thuật toán gợi ý bài đăng quảng cáo (Sponsored) muốn hữu ích vẫn sẽ phải thu về càng nhiều dữ liệu càng tốt. Nếu người dùng lo ngại hơn về dữ liệu cá nhân hay về AI của Facebook, Google cũng sẽ gặp thêm nhiều bất lợi. Còn kẻ đứng ngoài Buồn cười là cuộc chiến mới còn có một tên tuổi thứ năm: Amazon. Hiện tại, nhờ có đám mây AWS đứng đầu thế giới, Amazon cũng có tiềm năng rất lớn trên mảng doanh nghiệp. Nhưng ở phía còn lại, với vị thế là nền tảng bán hàng online lớn nhất thế giới, Amazon cũng là một thế lực quảng cáo và cũng có cách riêng để… thu thập dữ liệu người dùng. Với các mẫu Echo mà đặc biệt là Echo Look (có camera), Amazon đang ngày một đi sâu vào cuộc sống riêng tư của người dùng hơn nữa.

Các gã khổng lồ công nghệ đang dần chia làm 2 phe: Microsoft và Apple một bên, Google và Facebook bên còn lại... - Ảnh 3.

Có duy nhất 1 gã khổng lồ “lừng chừng” đứng giữa cả hai bên…

Công ty của Jeff Bezos sẽ đứng về phía ai? Rất khó nói, nhưng Amazon hiện giờ chưa thực sự chọn kẻ thù. Trợ lý ảo Alexa của Amazon và Cortana của Microsoft mới đây đã bắt tay. Vào tháng 3 năm ngoái, Amazon lại đã được chọn làm 1 trong 6 đối tác cung ứng quảng cáo lớn nhất cho Facebook. Bất kể quyết định cuối cùng của Amazon là gì, chắc chắn công ty đứng thứ 2 thế giới này cũng sẽ phải chọn phe trong cuộc chiến mới. Scandal Cambridge Analytica đã làm thay đổi đáng kể quan niệm của người dùng về dữ liệu, buộc các công ty hoặc phải chọn cách cam kết tối đa quyền riêng tư, hoặc phải… chống chế về quyền riêng tư trên mạng. Amazon có thể nhùng nhằng đứng giữa thêm một thời gian, nhưng sớm hay muộn có lẽ rồi cũng sẽ rơi vào tầm ngắm của Tim Cook và Satya Nadella mà thôi.