Từ hai vụ việc sai phạm trong công tác chấm thi của kỳ thi THPT Quốc gia 2018 liên tiếp được phát hiện ở Hà Giang, Sơn La, trong trao đổi với ICTnews ngày 27/7, ông Nguyễn Thế Trung – CEO Công ty CP Công nghệ DTT nhận định, vấn đề mấu chốt không phải ở công cụ CNTT, cũng không phải ở cách thức thi mà là cả tổng thể hệ thống, với vai trò quan trọng nằm ở những con người sử dụng công cụ CNTT và vận hành phương thức.
Ông Nguyễn Thế Trung, CEO Công ty cổ phần Công nghệ DTT, chuyên gia CNTT đã và đang tham gia khá sâu vào một số việc về cải cách hành chính, chính phủ điện tử và ứng dụng CNTT trong Chính phủ (Ảnh: Thái Anh) |
Vị chuyên gia đã có hơn 15 năm hoạt động trong lĩnh vực CNTT này cũng cho rằng, qua các vụ gian lận điểm thi kể trên, từ góc nhìn hệ thống, để kỳ thi THPT Quốc gia thực sự minh bạch, công bằng và đánh giá đúng năng lực của các thí sinh, ngành giáo dục cần phải có thiết kế và quản lý chương trình tốt hơn. “Vấn đề là phải có quản lý chương trình tốt, tính hết bối cảnh, lường được các tình huống và đặt ra các chỉ số theo dõi để phát hiện bất thường cùng với các hệ thống xử lý vụ việc (Casr management) được đảm bảo bởi hành lang pháp lý để xử lý kịp thời tình huống. Với kỳ thi THPT Quốc gia, theo tôi ngành giáo dục cần thực hiện quản trị rủi ro (Risk management) ngay từ đầu, từ khâu thiết kế”, ông Trung nêu ý kiến.
Nhấn mạnh quan điểm cần có tư duy hệ thống về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, CEO DTT Nguyễn Thế Trung chịa sẻ: “Trong 6 tháng vừa qua, tôi đã tham gia khá sâu vào một số việc của cải cách hành chính, chính phủ điện tử và ứng dụng CNTT trong Chính phủ. Sâu hơn 10 năm qua vì tôi tham gia “như” một thành viên của bộ máy thay vì là một nhà cung cấp giải pháp. Vì thế, tôi tiếp nhận được nhiều thông tin, hiểu ra được nhiều hơn, và đòi hỏi phải suy nghĩ nhiều hơn trước khi nhận định về một vấn đề như kì thi THPT Quốc gia vừa qua”.
Xem xét vấn đề trên quan điểm hệ thống, ông Trung dẫn ra 3 tiền đề chính, đó là: Chính phủ không phải một thực thể duy nhất mà bản thân nó là một hệ thống, do đó khi một vấn đề xảy ra không dễ để quy kết nguyên nhân, lý do bởi đây là một hệ thống có năng lực trưởng thành ở mức thấp (2 trên 5), tương đương với khả năng lỗi và trễ hạn cao trong việc thực thi (Tiền đề 1); Hệ thống Chính phủ Việt Nam về cơ bản được thiết kế với rất nhiều giới hạn do lịch sử để lại, do thói quen và do hạn chế về năng lực đổi mới thiết kế, vì thế hiệu năng rất hạn chế – tương tự như việc một chiếc xe ô tô đời cũ tốn xăng hơn rất nhiều. Và xăng hiện nay thì đang ít (ngân sách hạn hẹp) nên về nguyên tắc nó sẽ phải chạy chậm hơn hoặc sẽ thiếu an toàn hơn chưa nói tới đẹp (Tiền đề 2); Hệ thống Chính phủ thời gian này so với trước kia phải cùng một lúc giải quyết nhiều tương tác đầu ra hơn trong đó đặc biệt là đầu ra về thông tin với sự bùng nổ của CNTT và mạng xã hội, ví dụ như xe ô tô không những phải đi nhanh, an toàn mà còn phải đẹp (Tiền đề 3).
Theo phân tích của ông Trung, dựa theo 3 tiền đề trên, xem xét bối cảnh hiện nay của một việc cụ thể là tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia, việc chuyển đổi cách thi, cách tổ chức thi như mong muốn của Bộ GD&ĐT là một chuyển đổi lớn vì đụng chạm tới hầu hết mọi người trong xã hội. “Tôi thử đặt mình vào vị trí thiết kế việc này thì thấy rằng muốn làm thành công phải có giải pháp sáng tạo, có sự đồng bộ và có đủ nguồn lực, trong đó sự đồng bộ từ những cá nhân, cơ quan tham gia là vấn đề cực khó và nguồn lực dành cho kỳ thi cũng phải tương xứng thì những giải pháp sáng tạo mới phát huy được”, ông Trung nói.
Người đứng đầu Công ty DTT nhấn mạnh, quan trọng là, để đạt được mong muốn “an toàn, nghiêm túc, khách quan và đặc biệt nhẹ nhàng”, cần phải giải quyết được một số vấn đề mâu thuẫn, trong đó trước hết là mâu thuẫn giữa trao quyền và kiểm soát: muốn làm nhanh thì phải trao quyền, nhưng muốn đúng thì phải kiểm soát. Việc ứng dụng CNTT có thể giúp trao quyền tốt hơn (nơi nào tự làm nơi đó) nhưng luôn có rủi ro trong việc vận hành, và vì vậy cơ chế kiểm soát, đặc biệt là các quy chế, quy định về trách nhiệm giải trình cần được làm kỹ lưỡng đi đôi với kiểm soát dữ liệu phải tăng cường lên tương ứng.
“Một sai lầm khi triển khai phần mềm là nghĩ rằng có phần mềm thì mọi việc chính xác – nhưng thực ra phần mềm chỉ là công cụ, việc quản lý kỹ dữ liệu mới là điều quan trọng. Việc này đến nay đã rõ, các báo cáo phân tích do nhiều người làm dựa trên dữ liệu Bộ GD&ĐT đưa ra sau khi thi cho thấy việc thiếu chuẩn bị trong giám quản dữ liệu thi – dẫn tới việc để lộ các lỗ hổng cũng như việc chậm phát hiện bất thường. Việc này về kỹ thuật thì đơn vị làm CNTT có thể cải thiện được, sau khi các lỗi lần này được phát hiện ra, tuy nhiên sẽ không có phần mềm hoàn hảo và Bộ GD&ĐT luôn cần đảm bảo có dữ liệu hoàn hảo. Người thiết kế muốn giải quyết việc này thì cần nắm rõ 3 tiền đề trên và cần thiết kế chương trình với độ ưu tiên nguồn lực vào đúng chỗ”, ông Trung phân tích.
Cũng theo ông Trung, vấn đề mâu thuẫn thứ hai cần được giải quyết là mâu thuẫn giữa tốc độ và hiệu quả. Ông Trung lý giải: “Muốn có tốc độ nhanh hơn thì có thể phải đổi mới phương thức thi (tự luận sang trắc nghiệm), tuy nhiên muốn đảm bảo hiệu quả thì phải đảm bảo hình thức thi mới (trắc nghiệm) đạt được hiệu quả đề ra.
Và như vậy, phải có được hiệu quả đầu ra cụ thể được lượng hóa và tính toán, được chạy thử nghiệm nhiều lần trong môi trường giống thật để đảm bảo hiệu quả của nó, trước khi chạy thật. Thực tế đã có thí điểm thi trắc nghiệm, tuy nhiên môi trường triển khai thì khác nhau rất nhiều (trong một tổ chức tập trung tương đối nhất quán và làm bài thi trực tiếp trên máy tính tại ĐH Quốc gia với việc scan giấy trong một hệ thống phân tán cực kỳ đa dạng – 63 tỉnh thành). Ngoài ra, việc đánh giá học sinh phù hợp hay không với từng trường đại học trong số hàng trăm trường đại học trên toàn quốc là rất khác với việc cho 1 trường. Như vậy người thiết kế muốn giải quyết việc này phải gắn chặt nội dung thi với hiệu quả kỳ thi, thông qua các mô hình lượng hóa các tình huống có thể xảy ra để chủ động quản lý rủi ro và quan trọng làm giảm yêu cầu đầu ra của kì thi. Điều này một lần nữa phải được thực hiện dựa trên các phân tích dữ liệu toàn thể cũng như việc giới hạn mục tiêu của kỳ thi, ví dụ chỉ chọn học sinh ở mức độ nhất định như điểm sàn và phải trao quyền cho các trường – ít nhất là top cao hoặc đặc thù có hình thức tuyển chọn phù hợp với yêu cầu của mình”.
Mâu thuẫn giữa các yêu cầu đơn giản với đẹp là vấn đề thứ ba ông Trung cho rằng cần phải được giải quyết. “Rõ ràng việc nhẹ nhàng nghĩa là phải đơn giản và vì thế đồng nghĩa với nó khó có thể đẹp ngay trong mắt tất cả mọi người. Do đó, người thiết kế vừa phải tìm kiếm một giải pháp phù hợp, vừa phải chuẩn bị tâm lý đón nhận của xã hội từ sớm”, ông Trung nêu.
Ông Trung chỉ rõ, để giải quyết 3 vấn đề trên đều cần giải pháp được thiết kế kỹ lưỡng và dành đủ nguồn lực cho điều này. Trong bối cảnh các tiền đề 1,2,3 ở trên thì việc này là cực khó, và có thể nói là đã không được làm phù hợp, và có vẻ như Bộ GD đã đặt niềm tin quá lớn vào cách thức thi mới (trắc nghiệm) và công cụ mới (CNTT) trong khi quên mất việc công cụ không quyết định bằng người sử dụng nó.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh: “Lời giải cho việc này nằm ở việc nâng cao năng lực tổ chức các biện pháp đảm bảo thực thi song hành với việc thiết kế giải pháp nghiêm túc, kỹ lưỡng, và vì thế lỗi không chỉ bởi công cụ, không chỉ bởi một số cá nhân mà còn nằm ở năng lực thiết kế giải pháp và bảo đảm thực thi”.