Theo Reuters đưa tin ngày thứ Sáu 17/8, Bộ Tư pháp Mỹ đang nỗ lực ép buộc Người khổng lồ mạng xã hội tìm cách phá bỏ mã hóa trên ứng dụng Messenger để các quan chức nước này có thể nghe lén cuộc gọi của một nghi phạm trong một vụ liên quan đến băng nhóm MS-13.

Facebook về phần mình cũng ra sức chống lại lệnh này trong tòa án liên bang tại California. Các thủ tục tố tụng và hồ sơ vụ án đã được niêm phong, tuy nhiên Reuters báo cáo rằng thứ Ba vừa rồi chính phủ đã đưa ra nhiều lý lẽ nhằm chỉ trích hành động chống cự của Facebook.

Đây không phải lần đầu tiên một “ông lớn” công nghệ đứng lên chống lại nhà chức trách Mỹ trong việc hack thiết bị hoặc tài khoản người dùng. Cả thế giới vẫn chưa quên được năm 2016, khi Apple không ngần ngại đối đầu trực tiếp với FBI trên tòa án, bảo vệ đến cùng chiếc iPhone của Syed Farook, một kẻ xả súng liên quan đến vụ thảm sát tại San Bernardio hồi 2015. Thực chất Apple không phải đang tiếp tay cho khủng bố, chỉ đơn giản “Táo khuyết” cảm thấy không an toàn khi phải phát triển một phần mềm hack sau này có thể bị sử dụng vào mục đích xấu trên phạm vi toàn cầu. FBI sau đó đã phá khóa được chiếc iPhone không cần đến sự trợ giúp của Người khổng lồ Cupertino.
Ngành công nghiệp cũng như những người am hiểu công nghệ từ lâu đã tin rằng để phá mã hóa một thiết bị hay một ứng dụng, hacker buộc phải tạo ra một phần mềm “cửa sau” và điều đó sẽ làm giảm độ bảo mật của tất cả những người khác sử dụng cùng thiết bị hoặc ứng dụng đó. Thêm vào đó, nhiều người còn cho rằng có nhiều cách để “đường đường chính chính” truy cập thông tin trên thiết bị kẻ xấu, bao gồm các tính năng bảo mật sinh trắc học như vân tay hay nhận diện khuôn mặt. Về phần mình, lực lượng thi hành pháp luật lại cho rằng trong rất nhiều trường hợp, xâm phạm riêng tư và bảo mật của kẻ xấu có thể giúp cứu được rất nhiều mạng người vô tội.
Theo Ictnews