Sau khi chuyển đổi kho số 11 số sang 10 số thì kho số 10 sẽ dôi dư ra bao nhiêu? Việc chuyển đổi này sẽ duy trì được bao lâu hay khi nào “đầy kho” thì lại chuyển sang một kho số khác? Việc phân chia đầu số giữa các mạng được thực hiện như thế nào?
Những câu hỏi đáng chú ý trên đã được đặt ra tại buổi họp báo công bố kế hoạch chuyển đổi mã mạng từ 11 số sang 10 số, chiều ngày 29/5 tại Bộ Thông tin và Truyền thông.
“Chúng tôi không phân biệt đầu số đẹp, xấu”
Theo kế hoạch chuyển đổi mã mạng 11 số sang 10 số đã được Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt thì đầu số 11 số của MobiFone là 0120, 0121, 0122, 0126, 0128 được chuyển về mã mạng 070, 079, 077, 076, 078; Viettel là 0162, 0163, 0164,0165, 0166, 0167, 0168, 0169 được chuyển thành 032, 033, 034, 035, 036, 037, 038, 039; các đầu số 0123, 0124, 0125, 0127, 0129 của VinaPhone chuyển thành 083, 084, 085, 081, 082; Vietnamobile từ 0186, 0188 sang 056, 058; và Gmobile từ 0199 sang 059.
Kế hoạch chuyển đổi thuê bao 11 số về 10 số sẽ bắt đầu từ 0h ngày 15/9/2018 với ba giai đoạn và hoàn tất sau ngày 30/6/2019.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phân bổ đầu số mới cho các nhà mạng, mạng Viettel được phân đầu 03, tuy nhiên nhà mạng này đã không thích đầu số này. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là phương án phân bổ được thực hiện như thế nào vì các đầu số mới liên quan đến vấn đề đẹp xấu, phong thủy và giá trị kinh tế của doanh nghiệp?
Giải đáp thắc mắc này, ông Trần Mạnh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, cho biết, trong quá trình thực hiện chuyển đổi mã mạng, một trong những nội dung mà các nhà mạng quan tâm là đầu số chuyển đổi, mặt khác Bộ cũng xác định việc chuyển đổi lần này có tác động lớn đối với 60 triệu thuê bao, do vậy phải làm việc chặt chẽ với các nhà mạng.
“Thông thường các nhà mạng có ý kiến đầu này đầu kia hoặc người sử dụng thích số này số kia nhưng đối với cơ quan quản lý nhà nước hiện tại trong quy định thì không phân biệt đẹp xấu, tất cả số trong kho số để phục vụ phát triển dịch vụ viễn thông đều như nhau”, ông Tuấn cho biết.
Ông cũng cho biết, Bộ đã làm việc với các nhà mạng nhiều lần và đưa ra nhiều phương án khác nhau, thậm chí đã tính tới phương án trong trường hợp các mạng không đồng thuận được thì bốc thăm và đây là giải pháp thích hợp nhất. Tuy nhiên, sau khi bàn bạc và có sự trao đổi kỹ lưỡng nhiều lần, cuối cùng các nhà mạng đều thống nhất phương án chuyển đổi mã mạng như trong kế hoạch.
Kỳ vọng năm 2050!
Việc chuyển đổi mã mạng trên dù phù hợp với xu hướng phát triển, đem lại lợi ích ổn định, lâu dài, nhưng cũng có lo ngại đặt ra lượng kho số mới (10 số) dư thừa quá lớn hoặc khi kho số mới này được “lấp đầy” thì có phải lại tính đến phương án “chuyển” sang một kho số khác?
Phó cục trưởng Trần Mạnh Tuấn cho rằng, một trong những mục tiêu cần thiết để quy hoạch lại mã vùng và mã mạng do sự phát triển rất mạnh của khoa học công nghệ, và chính việc chuyển đầu 11 số sang mã mạng đầu 10 số là dành đầu 1X để cho phát triển thuê bao M2M (Machine to Machine – kết nối giữa máy và máy) phục vụ cho quá trình phát triển, như 4G hiện tại, rồi 5G và IoT (Internet of Things) và số lượng thuê bao (1X) có được là khoảng 1 tỷ.
Theo ông Tuấn, trong quá trình xây dựng quy hoạch mã mạng trên Cục Viễn thông đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và tính toán số lượng được quy hoạch mới có thể phát triển ổn định lâu dài và kỳ vọng đến 2050 vẫn sẽ đáp ứng được nhu cầu.
Tất nhiên, theo ông Tuấn, khoa học công nghệ phát triển rất nhanh bây giờ có thể nhiều cái phát triển đột biến ta không lường trước được thì thời gian duy trì có thể ngắn hơn. Hiện trên thế giới tính toán kho số chuyển đổi mới thường kéo dài từ 10 – 15 năm.
Bổ sung thêm thông tin, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết, trong quy hoạch kho số viễn thông quốc gia hầu hết các nước cũng cố gắng “lượng” được thời gian đối với quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Rất nhiều nước là 10-15 năm, tất nhiên có một số thay đổi và tùy từng nước có những thay đổi khác nhau.
Theo Thứ trưởng, lúc triển khai quy hoạch cũng đã có thuyết minh, rằng số lượng dân của Việt Nam khoảng 100 triệu. Hiện nay với số lượng kho số mới (đầu 10 số trên) là khoảng 500 triệu số, trong khi hiện tại Việt Nam có khoảng 120 triệu thuê bao, do vậy theo ông không biết bao lâu nữa thì nhu cầu của người dùng có thể vượt được số thuê bao trên.
“Nên bảo bao nhiêu năm thì cũng không ai có thể lường được sắp tới phương tiên thông tin còn nhiều dư địa để phát triển công nghệ mới, rất khó nói”, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhấn mạnh.