Nói về bom tấn “Avengers: Infinity War” vừa qua thì Thanos là một trong những nhân vật để lại dấu ấn mạnh mẽ nhất. Ai cũng biết tạo hình của hắn cũng như hàng tá các nhân vật, hiệu ứng khác đều là kết quả của kỹ xảo điện ảnh. Vậy họ đã làm nó như thế nào để mang đến một Thanos rõ và chân thực đến từng chi tiết như thế?
Trò chuyện với Kelly Port – chuyên gia kỹ xảo tại Digital Domain, trang tin CNET đã có ít nhiều câu trả lời cho thắc mắc kia. Chính cô và đội ngũ của mình đóng vai trò chủ lực trong việc “biến hóa” diễn viên Josh Brolin thành một tên to con màu hồng tím sừng sững như cột nhà trong phim.
Theo tiết lộ ban đầu, thứ quan trọng nhất mà họ dùng để tạo ra khuôn mặt Thanos là hàng đống chấm cảm biến được “dán” lên cả người lẫn mặt diễn viên, nhằm theo dõi mọi động thái về biểu cảm và cử động cơ thể. Sau đó, họ sẽ tạo ra được một bản dựng mô hình để làm kỹ xảo và hiệu ứng.
Công nghệ nào là chủ đạo đã được cô dùng để tạo ra tên “khoai tây tím” này?
Chúng tôi dùng công nghệ của Phòng nghiên cứu Disney Zurich để quét hình ảnh tĩnh và hình ảnh động khi quay. Có một chiếc mũ đội đầu gắn camera cùng cảm biến để cho diễn viên đeo trong lúc quay, từ đó chúng tôi sẽ tạo một mô hình ảnh lưới cho mặt của anh ta. Ban đầu hình ảnh mô phỏng đó chỉ có độ phân giải thấp, xong rồi nó sẽ được đưa qua một thuật toán tự động, tìm và khớp với mẫu hình có độ nét “mượt mà” hơn.
Thuật toán này có khả năng tự học hỏi để hoàn thiện khuôn mẫu đó tốt dần lên. Cuối cùng, đến khi nào chúng tôi cảm thấy các chi tiết đã đủ rõ và đẹp, kể cả là nhỏ như những nếp nhăn cơ mặt thì mới tạm chấp nhận. Đó mới chính là những yếu tố làm nên điểm nhấn cho ngoại hình nhân vật.
Chiếc mặt nạ đính chấm cảm biến mà Josh Brolin phải đeo khi đóng Thanos.
Vậy hóa ra tất cả mọi thứ đều là công lao của máy tính à?
Tất nhiên chúng tôi sẽ phải quay cảnh phim thật kỹ lưỡng đã, và cũng tự tay điều chỉnh từng khung hình một về hiệu ứng chuyển động. Sau đó, một team khác sẽ phụ trách việc tạo hình mẫu cho những vùng nhỏ và phức tạp như da quanh mắt, đính lên mặt diễn viên các điểm chấm cảm biến để sau này tạo ra các nếp nhăn ở đó nữa, hoặc là ở môi, khóe miệng. Từng milimet phải được trau chuốt tỉ mỉ nhất có thể.
Vậy có bao nhiêu điểm chấm được “đính” lên mặt của diễn viên Josh Brolin khi anh ấy đóng Thanos?
Cũng không nhiều lắm, khoảng 100-150 chấm. Thế là ít rồi đó, chưa quá đầu tư mạnh đâu.
Bộ phim như “Beauty and the Beast” trước kia phức tạp đến nỗi mỗi cảnh phải quay 2 lần: 1 lần để thu mô hình cảm biến mặt diễn viên, 1 lần để thu mô hình cử động của cơ thể thôi. Như vậy mới cho ra đời tạo hình chi tiết của con quái vật được. Thanos thì có cần phải làm thế không?
Trước đây thì có thể chúng tôi sẽ làm theo đấy. Khi ghi lại lần cử động khuôn mặt thì diễn viên chỉ cần ngồi không và biểu cảm mặt thôi, nhưng như thế thì sẽ thiếu yếu tố tương tác với bối cảnh nên có thể hiệu quả không chân thực.
Đạo diễn của Avengers thì khác, họ muốn tất cả phải cùng hòa hợp làm một. Hầu như mọi người đều sẽ phải mặc một bộ đồ gắn toàn cảm biến chuyên dụng, rồi mũ bảo hiểm đặc biệt để diễn và ghi dữ liệu một thể luôn. Rồi sau đó mới dành thời gian hoàn thiện lại.
Bộ đồ “cục mịch” dùng để theo dõi dữ liệu làm kỹ xảo cho “Beauty and the Beast”.
Việc dùng công nghệ này có bắt buộc phải thay đổi chi tiết gì về ngoại hình Thanos so với các phim trước mà nhân vật này từng xuất hiện?
Tất nhiên là đoàn làm phim muốn giữ những gì nguyên gốc nhất, nhưng vẫn có một số cải tiến nhỏ để mặt Thanos giống mặt diễn viên Brolin hơn so với trước.
Quái vật trong “Beauty and the Beasst” thì rậm lông và phải chỉnh rất nhiều, còn Thanos thì lại… bị hói. Điều này có giúp công việc của cô “nhẹ nhàng” hơn chút chứ?
Tất nhiên rồi, chắc chắn luôn đó! Thanos hói nhưng thật ra vẫn có chút lông và tóc, chúng tôi vẫn tỉ mỉ làm một số gợn nhỏ ở tay, mặt và phần đầu vẫn có đó. Dù sao thì nó vẫn dễ thở hơn rất nhiều rồi.
Theo CNET