20 năm trước, đánh bại Microsoft là câu chuyện viển vông. Gã khổng lồ phần mềm lúc đó thống trị thế giới một cách hoàn hảo. Chiếm thị phần thượng phong nhưng trì trệ và bảo thủ, Microsoft đã trở thành kẻ phản diện kéo lùi cả thế giới công nghệ.
Thế rồi, 10 năm trước, bằng 2 mũi nhọn Chrome và Android, Google bắt đầu hạ bệ Microsoft. Đầu 2011, Android trở thành hệ điều hành smartphone phổ biến nhất thế giới. Ra mắt muộn mằn và quá yếu kém, Windows Phone đã không thể gây tổn hại đến thị phần Android trước khi bị chính Microsoft khai tử. Năm 2012, Chrome vượt mặt Internet Explorer để trở thành trình duyệt số 1 thế giới.
Hơn 1 năm trước, Android cũng đã lật đổ Windows để trở thành hệ điều hành phổ biến nhất thế giới trên mọi nền tảng. Bằng sức mạnh quá khủng khiếp của chú robot xanh, Google có lúc thậm chí còn vượt mặt Apple để chiếm giữ ngôi vị số 1 trong cuộc đua trở thành công ty tỷ đô đầu tiên của thế giới. Khi vai trò của Windows ngày một mờ nhạt, những tưởng Microsoft đã chính thức chìm vào quá khứ.
Lật đổ trong thầm lặng
Tới giữa phiên giao dịch 23/5 tại New York, khoảng cách giữa Microsoft và Google đang là 22 tỷ USD. Bất ngờ lớn nhất: Microsoft đứng trên.
Ấy vậy mà đến ngay bây giờ, Microsoft đã lại vươn lên che bóng chính kẻ đã lật đổ vị thế thống trị của mình. Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/5 tại Mỹ, trị giá thị trường của Microsoft đạt 750,5 tỷ USD. Trị giá thị trường của Alphabet/Google chỉ đạt 737,7 tỷ USD.
Điều càng khiến người ta bất ngờ là trong sự kiện Build 2018 được tổ chức vừa qua, Microsoft gần như không có một công bố nào đáng chú ý với người hâm mộ công nghệ “thông thường”. Windows gần như vắng bóng trong lúc các nhà lãnh đạo của Microsoft lên nói chuyện về những khái niệmcông nghệ gần như chỉ có nghĩa với giới IT chuyên nghiệp.
So với I/O, nơi Android P và một phiên bản khá đáng sợ của Assistant ra mắt, Microsoft Build là một sự kiện mờ nhạt hơn hẳn. Nhưng việc giá trị thị trường của Microsoft bứt tốc lên trước Google cho thấy, Thung lũng Silicon và Phố Wall đang đặt nhiều kỳ vọng vào Microsoft hơn là Android.
Câu chuyện tương lai
Các scandal YouTube, khả năng cạnh tranh yếu kém của đám mây và các lo ngại về quyền riêng tư đang khiến Google lao đao.
Không khó để nhìn ra vì sao họ lại mang quan niệm như vậy. Dù kinh doanh trên rất nhiều mảng, Google về bản chất vẫn là một công ty quảng cáo và sống bằng dữ liệu khai thác từ người dùng (qua tìm kiếm, Gmail, Maps). Sau scandal Cambridge Analytica, cả người dùng lẫn các tổ chức chính trị đều quan tâm hơn tới quyền riêng tư và an toàn dữ liệu.
Nhìn vào các mảng kinh doanh trọng yếu khác, Google cũng khó có thể tiếp tục tăng trưởng vượt bậc trong tương lai. YouTube vẫn tiếp tục đốt tiền; các dịch vụ tính phí mang cùng thương hiệu (YouTube Red, YouTube Music) vẫn chưa đạt lợi nhuận tốt. Đám mây của Google vẫn đang bị Amazon và chính Microsoft bỏ xa. Doanh số phần cứng vẫn quá ít ỏi khi thị phần Pixel thậm chí còn thua cả… Nokia.
Đến cả Android, vốn là phương tiện gián tiếp tạo doanh thu, cũng khó có thể tăng trưởng mạnh. Sản lượng smartphone trên toàn cầu đã liên tục sụt giảm trong những năm vừa qua, ảnh hưởng khá nặng nề tới các hãng Android. Giá bán trung bình gia tăng thể hiện xu hướng dịch chuyển dần lên các phân khúc cao cấp, nơi Apple vẫn đang thống trị bằng doanh số và lợi nhuận.
“Người cõi khác” vươn lên
Trọng tâm của Microsoft không còn là những công nghệ dành cho “người thường”, mà là cho những kẻ kiến tạo tương lai công nghệ.
Microsoft thì sao? Khi Windows Phone đã chết, Windows 10 ngày một mờ nhạt và đến cả Xbox cũng nguội lạnh, Microsoft vượt mặt Google bằng cách trở thành… “người cõi khác”. Không còn mấy mặn mà với các mảng công nghệ “phổ thông”, mỗi sự kiện Microsoft được chuyển sang cuốn hút giới IT bằng tầm nhìn dành cho đám mây, cho AI, cho doanh nghiệp. Hiểu rõ rằng thế mạnh độc tôn của mình nằm ở khả năng kiến tạo hạ tầng cho cả thế giới hi-tech, Microsoft của Satya Nadella liên tục đầu tư vào các công nghệ “dưới nền” để đánh bại đối thủ.
Những bản báo cáo tài chính ngày một ấn tượng cũng như mức trị giá “khủng” của ngày hôm nay là minh chứng cho thấy Microsoft đang đi đúng đường. Nếu nhìn thật kỹ, bạn sẽ nhận ra rằng đánh bại đám mây và các dịch vụ của Microsoft là chuyện bất khả thi, nhất là khi hãng này vừa biết tận dụng các thế mạnh sẵn có vừa liên tục đầu tư mở rộng vào các xu thế của thời đại. Quá trình đám mây hóa của thế giới vẫn còn dài, mở ra tiềm năng vô cùng lớn cho đám mây Azure phát triển.
Đám mây của Google không thể chống chọi lại sự bành trướng của Microsoft. Thậm chí, Google còn đang phải đối diện với một loạt các vấn đề cốt lõi, từ quyền riêng tư cho đến hướng đi tương lai của Android và phần cứng Pixel. Chưa ai nhìn ra Google sẽ bành trướng như thế nào, và bởi vậy, Google đã một lần nữa phải trở về phía sau cái bóng của Microsoft.