Như tin đã đưa, tối 5/5, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn video clip dài hơn 2 phút ghi lại cảnh một nữ giáo viên dạy tiếng Anh cảu Trung tâm MST Englishvà một nam học viên liên tục dùng những lời lẽ khó nghe tranh cãi ngay trong lớp học. Nguyên nhân được cho là do học viên này không đóng 100.000 đồng tiền phạt.
Đáng nói, nữ giáo viên còn nổi xung, dùng những lời lẽ tục tĩu và chỉ thẳng mặt để mắng nam học viên. Giáo viên này còn ví nam học viên với “con lợn”. Cô này nhấn mạnh lớp học là sân chơi của riêng cô. Học sinh không tuân thủ luật lệ (không nộp phạt) thì ra khỏi lớp.
Đoạn clip này đã trở thành đề tài nóng được dân mạng bàn tán xôn xao với nhiều ý kiến bình luận trái chiều. Đa số bình luận đều tỏ thái độ bất bình với cách hành xử vô văn hoá của người được gọi là cô giáo. Song, không ít ý kiến cho rằng, bản thân học viên là “khách hàng”, là người tự quyết định chọn chỗ học, chọn giáo viên, cớ sao khi người dạy không tôn trọng người học sao còn ngồi yên để quay clip mà không hề có ai lên tiếng phản ứng?
“Trung tâm tiếng Anh bây giờ nhan nhản, nhiều chỗ uy tín, giáo viên thân thiện, dạy tốt, sao cứ phải cúi đầu chấp nhận học ở chỗ có cô giáo vô văn hoá như vậy. Mình bỏ tiền ra để mua dịch vụ thì mình có quyền quyết định chứ”, một bạn đọc nêu quan điểm.
Trước những ý kiến “chất vấn” người học về sự “cam chịu”, có người đã lên tiếng lý giải khi cho rằng, tiền đã đóng cho trung tâm không ít nên không thể nói bỏ là bỏ ngay được.
Bàn về “luật của trung tâm”, nhiều bạn cho rằng, áp lực học tiếng Anh bây giờ không phải nặng nề như khi theo học trên ghế nhà trường. Dù biết, yếu tố tự học rất quan trọng nhưng trước áp lực phải đóng tiền phạt mà nam sinh cũng không chịu làm bài tập thì việc đi học liệu có còn đem lại hiệu quả? Cho đến thời điểm này, nam sinh đó là ai, tại sao không lên tiếng về sự việc vẫn chưa có câu trả lời.
Hơn nữa, trong môi trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay, giải pháp áp dụng “kỷ luật sắt” hay “đánh vào kinh tế” để ép người học phải tuân thủ chính là cách chọn dễ về phần mình, đẩy cái khó cho người học. Dù rằng khi vào học ở trung tâm, những “điều khoản” đó đã được thoả thuận trước nhưng rõ ràng, phạt tiền học viên trong giáo dục là trái luật, bắt ép người học.
Sự việc xảy ra quả thật đáng buồn khi người được gọi là giáo viên, truyền tri thức cho người khác lại trở thành con người vô văn hoá, có lời nói, cách hành xử không chuẩn mực, khiến dư luận bất bình. Chúng ta cần có môi trường giáo dục chuẩn mực, thầy cô giáo trước hết phải là những tấm gương hàng đầu về nhân cách, về cách ứng xử. Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho những bức xúc trong công việc mà cho phép bản thân nổi nóng rồi cư xử một cách thiếu chuyên nghiệp.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết cả 3 cơ sở của MST English chưa đăng ký hoạt động đào tạo ngoại ngữ theo quy định. Vì vậy, hoạt động của MST English là vi phạm các quy định hiện hành.Địa điểm hoạt động của cả 3 cơ sở MST English đều đặt tại các nơi khuất, ở khu vực sâu của toà nhà, diện tích nhỏ, không có biển hiệu… Ngay cả tên “MST English” cũng không đúng quy định về đặt tên đối với trung tâm ngoại ngữ, dễ gây nhầm lẫn với logo sản phẩm.Trong đó, cơ sở tại đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm đã từng bị Ban kiểm tra liên ngành quận Bắc Từ Liêm đã phát hiện ra sai phạm vào tháng 2/2018. Đoàn kiểm tra của quận đã lập biên bản yêu cầu trung tâm dừng hoạt động khi không xuất trình được giấy chứng nhận hoạt động do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cấp, yêu cầu tiến hành đăng kí theo quy định. Tuy nhiên, đến nay đơn vị không chấp hành yêu cầu của Ban kiểm tra liên ngành quận Bắc Từ Liêm. |
Hương Nguyễn