Các nhà làm luật Pháp gần đây vừa thông qua đạo luật cấm sử dụng smartphone trong khuôn viên trường học, áp dụng với tất cả học sinh trong độ tuổi đến trường. Tuy nhiên tại Mỹ, khi các khu trường học thực hiện chính sách quản lý thiết bị điện tử mỗi nơi mỗi khác, phụ huynh và thầy cô giáo đang phải đau đầu trong công cuộc kiểm soát thói quen sử dụng smartphone của con em mình.
Một số trường học yêu cầu học sinh cất điện thoại trong tủ đồ trước khi vào lớp, một số nơi lại tạm thời tịch thu smartphone của trẻ và đặt chung trong 1 chiếc túi vải treo trong lớp học. Tuy nhiên tất cả đều đồng ý rằng nghiện smartphone là vấn nạn không chỉ của giới trẻ mà còn ảnh hưởng tới người trưởng thành và người cao tuổi, chẳng vậy mà những công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Apple, Google và Facebook sau sức ép từ dư luận và nhà đầu tư đã buộc phải đưa ra một số biện pháp giúp người dùng tự theo dõi và quản lý thời gian sử dụng điện thoại và mạng xã hội của mình. Trẻ nhỏ thường lấy người lớn làm gương, và không khó để bắt gặp những người gần gũi nhất với các em như cha mẹ hay thậm chí thầy cô giáo lướt smartphone trong lớp học ngay trước mặt học sinh của mình.
Theo tổ chức phi lợi nhuận về bảo vệ sức khỏe số người tiêu dùng Common Sense Media, 24% trẻ trong độ tuổi từ 8 đến 12 có smartphone và 67% trẻ ở tuổi “teen” được sở hữu di động thông minh, dành ra trung bình 6 giờ đồng hồ mỗi ngày chỉ để tiêu thụ nội dung giải trí đa phương tiện. Tính trung bình, độ tuổi thông thường cha mẹ cho con sử dụng smartphone là khi trẻ bước vào cấp trung học cơ sở. Vậy liệu trẻ có smartphone ở trường sẽ tạo ra hiệu ứng gì với nhóm bạn không có điện thoại để cầm?
Một số trường học tại Mỹ đã triển khai chương trình “một-một”, cung cấp máy tính, tablet và các thiết bị di động khác cho từng học sinh. Tại các khu vực ngân sách eo hẹp, học sinh có thể chia sẻ đồ công nghệ chung với nhau. Thậm chí một số nhà sư phạm còn khuyến khích học sinh mang theo và sử dụng thiết bị của riêng mình phục vụ cho học tập.

Cấm hay không cấm?

“Căn dặn chứ đừng ngăn chặn” (câu gốc: Have a plan, not a ban) là những gì Phó giám đốc Giáo dục Liz Kline của Common Sense Education phát biểu. Tổ chức của bà có nhiệm vụ giúp đỡ trẻ em trên toàn thế giới phát triển toàn diện trong thế giới công nghệ truyền thông thống trị. “Có rất nhiều hoàn cảnh cụ thể trẻ nhỏ cần đến sự giúp đỡ của các thiết bị số trong phòng học, chẳng hạn như khi học làm phim hoặc nhiếp ảnh”, bà nói thêm. Đương nhiên, sẽ phải có thời điểm không được sử dụng smartphone và thầy cô giáo phải tạm thời tịch thu của học sinh, điển hình là trong thi cử, bởi cho phép dùng smartphone đồng nghĩa với việc thí sinh có thể dễ dàng gian lận.
Tuy nhiên, Kline nhận thức được đầy đủ rằng nghiện công nghệ là căn bệnh hoàn toàn có thật, đồng thời công nhận việc thiết lập các quy tắc cơ bản về sử dụng điện thoại trong lớp học là cần thiết và không phải vấn đề một sớm một chiều.
Ở một nơi khác, giáo viên công nghệ Lisa Highfill thuộc trường cấp 2 Pleasanton, California tin rằng điện thoại giúp học sinh sẵn sàng cho các cấp giáo dục cao hơn và cuối cùng là chuyển giao từ ghế nhà trường bước vào thị trường lao động. “Có bao nhiêu người đi làm hằng ngày mà phải nộp điện thoại cho sếp quản lý? Đối với tôi, chuẩn bị bản thân cho đại học cũng như đi làm là học cách tránh sự phân tâm do smartphone gây ra, không phải loại bỏ chúng”, cô lý luận.
Trường học nên trao đổi trực tiếp với học sinh về những thời điểm thôi thúc các em sử dụng điện thoại và tại sao lại như vậy. “Dạy trẻ nhỏ cách dồn sự tập trung lại sau khi sử dụng smartphone, dạy chúng cách sử dụng smartphone để giải quyết vấn đề của mình sau đó để điện thoại một chỗ, quay trở lại làm việc. Kiểm soát bản thân là một kỹ năng học cả đời, và chúng ta đang có cơ hội đưa nó vào giảng dạy thực tế”, Lisa nói thêm.

Các vấn đề về an toàn cũng là một lý do khác ủng hộ cho sử dụng smartphone tại trường học. Khi có tai nạn hoặc sự cố xảy ra, con cái có thể sử dụng điện thoại để liên lạc với cha mẹ, cũng như cha mẹ có thể theo dõi tình hình an nguy của con mình. “Điện thoại là một giải pháp giải tỏa tâm lý lo lắng cho các bậc cha mẹ nhiều hơn là cho con cái”, chuyên gia truyền thông xã hội/đồng sáng lập công ty tư vấn Digimentors, ông Sree Sreenivasan cho biết.
Sau cùng, cấm đoán chưa chắc đã có hiệu quả. “Tôi tin rằng càng nhiều luật lệ giới hạn và cấm dùng smartphone đưa ra, trẻ sẽ càng tìm cách trốn tránh, phá lệ hơn, và chúng rất thông minh, chẳng sớm thì muộn chúng sẽ tìm được cách “lén” dùng smartphone mà không để ai biết”, Highfill cho hay. Cô lấy ngay ví dụ khi bộ phận IT chặn truy cập mạng xã hội ảnh Snapchat trong trường học, các học sinh ngay lập tức tạo một máy chủ riêng để đi vòng lệnh chặn này. Highfill còn biết rất nhiều học sinh cho ốp điện thoại vào túi treo trước lớp để đánh lừa cô giáo, nhưng vẫn giữ điện thoại lại để dùng trộm.

Càng cấm càng làm

“Khi chúng ta đòi hỏi trẻ mang theo điện thoại bên mình nhưng không cho chúng sử dụng tùy tiện, chúng ta đã biết thừa rằng điều đó sẽ không xảy ra. Bạn có thể đi tới bất kỳ lớp học nào trên cả nước Mỹ, hỏi một học sinh bất kỳ và nhận được câu trả lời về cách mà chúng hoặc bạn bè lén sử dụng smartphone trong lớp như thế nào”, bác sĩ Delaney Ruston cho biết. Bà cũng là đạo diễn phim tài liệu “Screenagers: Lớn lên trong Kỷ nguyên số”. Ruston tin rằng không sử dụng smartphone có thể cải thiện sức khỏe tâm lý và khả năng cảm xúc của trẻ trong lớp, đồng thời giúp chúng tập trung tốt hơn ngoài lớp học. “Bạn đã đủ rắc rối với các thiết bị giáo cụ điện tử do nhà trường cung cấp rồi, nhưng khi chúng là thiết bị cá nhân thì thách thức còn khó khăn gấp bội”, Ruston nói thêm.

Ảnh chụp từ phim tài liệu Screenagers nói về chứng nghiện smartphone ở tuổi vị thành niên

Kết luận của bà đến từ việc bà nhận thấy dù cô giáo yêu cầu học sinh trong lớp lấy điện thoại ra phục vụ cho học tập, nhưng khi rút điện thoại ra, các em nhận thấy có quá nhiều thông báo tin nhắn và chúng hấp dẫn đến nỗi học sinh quên luôn lời cô giáo để trả lời tin nhắn hoặc làm việc riêng.
Ruston còn cứng rắn bác bỏ quan điểm về an toàn. Nữ đạo diễn chỉ ra một báo cáo của NPR trong đó các chuyên gia an ninh cho biết để trẻ giữ điện thoại trong lớp kỳ thực khiến chúng kém an toàn hơn. Chẳng hạn trong một vụ tấn công khủng bố, tiếng chuông điện thoại đột nhiên réo lên có thể báo động cho kẻ tấn công biết chính xác vị trí các nạn nhân, hoặc những cuộc điện thoại liên hồi tới từ cha mẹ có thể làm gián đoạn thông báo đẩy tới điện thoại trẻ nhỏ từ chính quyền.
Tại Việt Nam, khủng bố hay bất an trong trường học là điều rất khó xảy ra, tuy nhiên điều đó không có nghĩa các bậc cha mẹ nên cho con em sử dụng smartphone từ quá sớm, hoặc trường học không cần có quy tắc cơ bản quản lý và giám sát việc sử dụng điện thoại của học sinh. Thực tế, đã có nhiều trường học cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học và thi cử, buộc các em phải tắt hoàn toàn hoặc để chế độ im lặng. Tuy nhiên đây vẫn là vấn nạn toàn cầu chúng ta chưa có quy định quản lý.

 

Con cái vẫn sẽ luôn là món quà quý giá nhất của cha mẹ, và không có gì khó hiểu khi các bậc phụ huynh muốn được dành tặng cho con mình những gì tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, ở độ tuổi các em, khi ý thức xã hội chưa hình thành hoàn thiện và trong bối cảnh thị trường smartphone đầu bảng đang dần vượt qua “ngưỡng cửa nghìn đô”, việc chiều con và cho phép con dùng smartphone đắt tiền ngày càng vượt quá sức cha mẹ, bởi tình trạng kinh tế mỗi gia đình mỗi khác, còn iPhone X hay Galaxy S9 thì chỉ có một mức giá. Tạm bỏ qua yếu tố nhu cầu được thể hiện mình bằng smartphone đắt tiền của trẻ, cho con dùng điện thoại thông minh trong trường học vẫn là việc hết sức đáng quan ngại đã được chứng minh qua hàng loạt nghiên cứu khoa học. Đây sẽ vẫn tiếp tục là vấn nạn nhức nhối làm đau đầu các bậc phụ huynh và có lẽ sẽ còn lâu nữa trước khi có được giải pháp giải quyết hợp tình hợp lý.