Các nhà khoa học đã thành công trong việc tạo ra giác mạc sử dụng tế bào người bằng máy in 3D. Đây được xem như phiên bản tân tiến nhất của giác mạc nhân tạo. Nếu công nghệ này được cải thiện, nó sẽ có thể giúp chữa trị cho hàng triệu người bệnh trong tương lai.
Che Connon, kỹ sư nghiên cứu mô thuộc đại học New Castle, điểm khó khăn nhất của công nghệ mới là tạo ra loại mực đủ mỏng để phun qua ống của vòi phun 3D. Loại mực sinh học này không chỉ mỏng mà còn phải có độ cứng đủ để giữ gìn hình dạng và cấu trúc 3D của nó. Để khắc phục vấn đền này, các nhà nghiên cứu đã bổ sung thêm alginate và các tế bào gốc chiết xuất từ giác mạc cùng collagen và một số loại protein.
Giác mạc là nơi mà ánh sáng sẽ đi qua trước khi tới võng mạc ở phần vành sau của mắt. Khi giác mạc bị tổn thương hoặc nhiễm trùng, nó có thể bóp méo tầm nhìn, thậm chí dẫn đến mù lòa.
Ở thời điểm hiện tại, người ta chữa trị các tổn thương bằng cách thay giác mạc lấy từ những người hiến tặng. Tuy nhiên, lượng giác mạc này có giới hạn và luôn ở trong tình trạng thiếu hụt. Theo tổ chức Y tế Thế giới, gần 5 triệu người đã bị mù vĩnh viễn vì căn bệnh này. Chính vì lẽ đó, việc tạo ra giác mạc nhân tạo mở ra một hy vọng mới về việc chữa trị các tổn thương về giác mạc.
Theo TheVerge, kỹ thuật in giác mạc bằng máy in 3D không loại bỏ hoàn toàn vai trò của việc hiến giác mạc. Giác mạc lấy từ những người hiến tặng sẽ là chìa khóa bổ sung phần tế bào gốc cho công thức. Điểm khác biệt nằm ở chỗ, thay vì lấy giác mạc của người này để thay thế cho người kia, nó sẽ được chia nhỏ và nuôi cấy để phát triển thành 50 giác mạc nhân tạo.
Tuấn Nghĩa(Theo TheVerge)