Ngay cả Nasdaq, hãng từng rất hăng hái với blockchain và tiền mã hóa, cũng không phát triển nhanh như mong đợi. Năm 2016, nhà điều hành sàn giao dịch nói về việc triển khai blockchain để bỏ phiếu trong các cuộc họp cổ đông và phát hành cổ phiếu doanh nghiệp tư nhân. Dù vậy đến nay, hãng vẫn chưa dùng công nghệ trong bất cứ dự án được triển khai rộng rãi nào.
“Chúng tôi kỳ vọng sẽ nhanh chóng tìm thấy các trường hợp sử dụng blockchain. Song việc áp dụng các công nghệ mới đòi hỏi thời gian và sự hợp tác rộng rãi với các bên tham gia thị trường”, phó chủ tịch cấp cao kiêm người đứng đầu mảng quản lý sản phẩm công nghệ thị trường Magnus Haglind của Nasdaq cho hay.
Blcockchain được thiết kế để cung cấp chiếc sổ cái kỹ thuật số không có khả năng bị can thiệp. Đây là công cụ mang tính đột phá để theo dõi sản phẩm, các khoản thanh toán và người tiêu dùng. Dù vậy, công nghệ bị cho là được quảng cáo quá đà này khó ứng dụng trong đời thực. Nhiều doanh nghiệp cố gắng mở dự án, song gặp sự cố với hiệu suất, việc giám sát và hoạt động của blockchain.
Thật sự hữu ích hay được thổi phồng?
IBM và Microsoft là hai hãng chiếm hơn nửa chi tiêu blockchain Ảnh: Bloomberg |
Rajesh Kandaswamy, nhà phân tích tại hãng Gartner, cho hay: “Rất cần ngắt liên kết giữa sự cường điệu hóa và thực tế. Ứng dụng sản phẩm thực sự rất hiếm”.
Thực tế này có thể là tin xấu với các nhà sản xuất phần mềm dịch vụ blockchain, trong đó có International Business Machines và Microsoft. Hai hãng nhắm kiếm hàng tỉ đô trong mảng dịch vụ đám mây giúp chạy các chuỗi cung ứng, gửi – nhận thanh toán và giao tiếp với khách hàng. Giờ đây, kỳ vọng của họ và cả các nhà đầu tư có thể phải giảm đi.
“Blockchain lẽ ra là nguồn thu quan trọng trong tương lai cho IBM, Microsoft và nhiều hãng bán thiết bị, dịch vụ đám mây và tư vấn. Nếu nó bước vào thực tế chậm hơn, các nhà phân tích có thể phải xem xét lại”, chủ tịch Roger Kay của Endpoint Technologies Associates cho biết.
IBM có hơn 1.500 nhân viên làm việc trong mảng blockchain. Hãng nói rằng vẫn thấy nhu cầu blockchain mạnh mẽ, song cạnh tranh gia tăng có thể ảnh hưởng đến tiền phí mà khách hàng cần trả. Microsoft cũng lạc quan. Doanh nghiệp cho biết: “Chúng tôi thấy động lực và tiến bộ lớn trong thị trường blockchain doanh nghiệp. Chúng tôi cam kết phát triển công nghệ tiên tiến, làm việc với các nhà lãnh đạo trong ngành công nghiệp để bảo đảm rằng doanh nghiệp mọi ngành nghề nhận ra giá trị của blockchain”.
Đến nay, IBM và Microsoft chiếm 51% thị phần của thị trường 700 triệu USD của các sản phẩm và dịch vụ blockchain, hãng WinterGreen Research ước tính đầu năm nay. Với nhiều doanh nghiệp, blockchain vẫn là công nghệ lạ lẫm. Chỉ 1% giám đốc thông tin (CIO) doanh nghiệp cho hay công ty họ có ứng dụng bất cứ hình thức blockchain nào, và chỉ 8% nói rằng họ có kế hoạch cho blockchain trong ngắn hạn, hoặc thử nghiệm tích cực công nghệ này. Gần 80% CIO cho biết họ không quan tâm.
Blockchain cần thêm thời gian
Nhân viên BHP Billiton Ảnh: Reuters |
Nhiều doanh nghiệp trước đây công bố giới thiệu blockchain đã đổi kế hoạch. ASX, công ty vận hành sàn chứng khoán quốc gia Úc, dự kiến có hệ thống thanh toán bù trừ dựa trên blockchain vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021. Hai năm trước, công ty đặt mục tiêu nền tảng blockchain thương mại trong 18 tháng.
Một hãng tiên phong khác là công ty khai thác mỏ Úc BHP Billiton cho biết năm 2016 rằng họ sẽ triển khai blockchain để theo dõi các mẫu đá và chất lỏng vào đầu năm 2017. Song đến nay, công ty vẫn chưa thử nghiệm, chưa có dự án blockchain.
Song theo các tổ chức hậu thuẫn blockchain, mảng này có thể đi lên trong năm tới. CEO Ron Resnick của Liên minh Doanh nghiệp Ethereum (EEA), liên minh gồm 600 thành viên trong đó có Intel, JPMorgan Chase và Cisco Systems, cho hay: “Đừng kỳ vọng điều đó diễn ra trong năm nay, họ vẫn đang chỉ thử nghiệm”.
Một lý do đằng sau việc giới doanh nghiệp lỗi hẹn với blockchain là hầu hết các nhà cung ứng công nghệ này không cung cấp phần mềm tương thích. Giới doanh nghiệp lo lắng về việc phụ thuộc vào một nhà cung ứng. EEA vì thế kỳ vọng giải quyết vấn đề bằng việc chuẩn hóa.
Tổ chức sẽ mở chương trình thử nghiệm chứng nhận cho phần mềm blockchain vào giữa năm 2019. Hyperledger, một nhóm xúc tiến blockchain khác gồm các hãng như IBM, Airbus và American Express, thì chuẩn bị kết nối phần mềm blockchain vào nền tảng tên Kubernetes.
Ngoài ra, blockchain còn một vướng mắc nữa là chưa thể xử lý khối lượng giao dịch lớn, yếu tố mà các doanh nghiệp cần phải có. Nó chỉ tỏa sáng trong một số trường hợp sử dụng nhất định. Nếu các doanh nghiệp khác nhau cùng chia sẻ blockchain, chuyện đồng ý về công nghệ và ứng dụng sẽ khó khăn. Một số doanh nghiệp thì đơn giản là lo lắng về việc tiên phong ứng dụng công nghệ mới vì ngại gặp vấn đề.