Mùa hè vốn đã nóng sẵn, nay công nghệ VAR (trọng tài video) đang trở thành một chủ đề bàn tán nóng hơn cả như thế, nhất là khi nó xuất hiện trong World Cup lần này. VAR đã từng được sử dụng ở cúp Liên lục địa năm ngoái và một số giải đấu ngoại hạng khác, nhưng quả thực chưa khi nào nó thu hút được sự chú ý nhiều đến như vậy ở thời điểm hiện tại.Vậy VAR là một món quà đáng được trân trọng, hay thực sự là một nhược điểm chưa đủ sẵn sàng để ứng dụng vào một giải đấu tầm cỡ World Cup?

Ưu điểm: VAR sẽ chấm dứt tình trạng mập mờ, bất công trong bóng đá

Chưa bàn đến chuyện VAR có nhận được đông đảo sự ủng hộ hay chưa, nhưng chắc chắn các fan hâm mộ bóng đá luôn mơ ước về một hình tượng trọng tài hoàn hảo nhất trong mỗi trận bóng mà mình chứng kiến. Thế nhưng, không có sự hỗ trợ của công nghệ, chưa chắc hình tượng đó đã có thể tồn tại, và ở đây VAR chính là một ví dụ hùng hồn cho việc đó. Với nhịp độ trận đấu được đẩy nhanh và mức độ phức tạp của các tình tiết diễn ra trong một khoảnh khắc tranh cãi, việc bắt kịp mọi chuyển động bằng mắt người gần như là không thể.

Công nghệ VAR: Tượng đài thần thánh công minh hay tội đồ tận diệt tinh thần World Cup? - Ảnh 1.Điều này giống như việc ông chủ hãng xe ô-tô Ford nổi tiếng – Henry Ford – từng nói: “Nếu tôi cho mọi người được lựa chọn, họ sẽ muốn những con ngựa chạy nhanh hơn nữa thay vì cố gắng phát minh ra ô-tô.” Tương tự như vậy, “những con ngựa” ở đây là trọng tài, họ chưa chắc đã kịp trở nên tốt và hoàn thiện như ý muốn, nhưng “những chiếc ô-tô” hay công nghệ VAR thì có thể làm hơn thế rất nhiều.VAR nắm trong tay những đặc trưng phù hợp nhất với nhu cầu mong đợi của fan hâm mộ về mặt công bằng và thực tế. Trên hết, nó không sinh ra để thay đổi truyền thống luật lệ bóng đá, mà chỉ đơn giản là cố gắng khắc phục những tình huống tiêu cực phát sinh sai với luật. Và quả thực VAR làm điều đó rất tốt, đó là lý do vì sao mọi trường hợp nhạy cảm như penalty, thẻ đỏ… đều cần tới sự hỗ trợ và can thiệp của VAR.Vẫn có những ý kiến nói rằng VAR gây mất thời gian hơn so với trước, làm giảm tính hấp dẫn của bóng đá. Vậy giữa việc đó và một tình huống bị nhận định sai, dẫn đến phán quyết ra về của cả một tập thể xứng đáng bước tiếp thì sao? VAR không hoàn hảo, nhưng chắc hẳn nó cũng không đến nỗi bị tẩy chay vì một nguyên nhân như vậy. Ứng dụng VAR vào World Cup là quá sớm và vội vã? Vậy liệu bạn có dám nói như vậy khi đội bóng ưa thích đang chuẩn bị về nước, trong khi có một quả penalty dành cho họ lại đang bị từ chối mà không dùng VAR để phân xử?

Nhược điểm: Cảm xúc dâng trào trong bóng đá bị tận diệt

Nói đến đây thì phải lục lại một chút về tính chất của bóng đá: Vì sao bóng đá lại được gọi là môn thể thao vua, hấp dẫn nhất hành tinh?Rất đơn giản, đó là vì những cung bậc cảm xúc sâu sắc mà nó mang lại cho mọi người, từ 22 cầu thủ tranh đấu trên sân cho tới hàng triệu khán giả và fan hâm mộ dõi theo từng bước chân của họ. Môn thể thao nào cũng mang lại cảm xúc mạnh mẽ, nhưng bằng một cách nào đó bóng đá có một sức hút truyền tải phi thường và rộng rãi hơn hẳn.Còn VAR thì đang bị kết tội làm hỏng truyền thống lâu đời đó của môn thể thao vua này…

Công nghệ VAR: Tượng đài thần thánh công minh hay tội đồ tận diệt tinh thần World Cup? - Ảnh 2.

Biết là có những tình huống bị xử sai, với những góc nhìn còn thiếu sót nhiều nhận định đúng đắn của trọng tài là con người, nhưng những giây phút đó luôn gắn liền với những cơn sóng trào cảm xúc lẫn lộn khó tả, không thể nào quên theo từng trận đấu. Còn đối với VAR, nó đã vô tình giết chết điều đó chỉ vì thời gian tạm dừng bị kéo dài quá lâu, khiến ai nấy đều cụt hứng và không còn cảm giác thích thú với những gì đang diễn ra nữa.Khán giả, huấn luyện viên, bình luận viên và rất nhiều người khác cũng có chung quan điểm như vậy. Bóng đá dường như không còn nguyên bản như trước nữa, mà đã bị biến dạng đi một phần rồi.“VAR đang dần lấy đi nét đẹp của bóng đá. Các cầu thủ dần ít ôm nhau và ăn mừng rạng rỡ khi ghi bàn hơn, thay vào đó họ nơm nớp nhìn về phía trọng tài xem bàn thắng có bị hủy hay không,” HLV Simone Inzaghi của Lazio cho biết.“Bóng đá đi liền với cảm xúc, nếu thiếu cảm xúc thì nó không khác gì một môn thể thao chết cả,” cầu thủ Sami Khedira của Juventus thổ lộ.Thử lấy một trường hợp vừa mới xảy ra để hình dung xem nhé: Phút 90+5 trong trận bóng giữa Đức và Thụy Điển vừa qua, Toni Kroos ghi bàn thắng nghẹt thở quyết định chiến thắng vào phút chót cho cỗ xe tăng. Đây là trận bóng có ý nghĩa rất lớn tới tương lai đi tiếp của Đức tại World Cup 2018. Vậy thử nghĩ xem vì một lý do nào đó, bàn thắng trên mất đến 5 phút để VAR xem xét và xác nhận, xong xuôi rồi mới được vỡ òa ăn mừng. Điều đó không khác gì một cái tát vào mặt chính những cầu thủ ghi bàn của tuyển Đức và toàn bộ khán giả trên toàn thế giới cả.VAR không phải là công nghệ sinh ra để dành cho những tình huống trắng đen rõ ràng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Khác với Goal-Line để xác định bàn thắng trong lưới, luôn luôn chỉ có 1 trong 2 trường hợp bóng qua vạch hay không, từ đó dẫn đến bàn thắng hợp lệ. Còn đối với những trường hợp phân tích hành động trong tình huống phạm lỗi, sẽ thế nào nếu như chính trọng tài điều hành VAR bị lung lay và nghiêng về một phần ý kiến chủ quan? Điều đó không thể biết trước được, nhưng chắc chắn sẽ vẫn còn khiến người ta vương vấn rất nhiều cho tới khi nó thực sự được công nhận, hoặc thậm chí thay thế được hoàn toàn một người trọng tài cầm còi chính thức trên sân cỏ.