Đối với bàn phím cơ thông thường, dù có sử dụng những mẫu switch và keycap ở phân khúc thấp nhất, rẻ nhất thì vẫn có giá tối thiểu từ khoảng 700.000 đồng cho tới 1 triệu đồng trở lên.
Tuy nhiên nếu dạo quanh trên internet, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những mẫu bàn phím cơ có giá rẻ hơn rất rất nhiều, chỉ từ 300.000 đồng tới 400.000 đồng, khiến ai cũng phải đặt ra một dấu hỏi lớn về chất lượng của chúng.
“Rẻ như vậy nhưng chất lượng thế nào?”, “cảm giác gõ ra sao?”, “sử dụng bàn phím này để chơi game được không?”, v.v… là một số câu hỏi chắc chắn sẽ được thắc mắc khi nhìn thấy những chiếc thiết bị giá bèo này.
Để kiểm chứng chất lượng của chúng, cũng như trả lời ngay cho các bạn về những câu hỏi trên, WeBuy đã quyết định tậu ngay một chiếc bàn phím cơ với mức giá chỉ 350.000 đồng có tên gọi “Zero Esport 87K” từ một trang thương mại điện tử. Sau vài ngày trải nghiệm, chúng tôi đã rút ra được những kết luận sau:
Thiết kế tổng thể: Bền và đẹp trong tầm giá
Bỏ qua phần mở hộp nhạt nhẽo, chúng ta sẽ đế ngay với thiết kế của chiếc bàn phím thương hiệu Zero – blue switch này.
Đèn LED cầu vồng khá màu mè trên bàn phím Zero giá 350.000 đồng
Ấn tượng đầu tiên về sản phẩm có lẽ là vẻ ngoài khá “màu mè”, hơi có một chút gì đó “kém sang” của nó. Bởi khác với các loại đèn LED RGB 16,8 triệu màu, bàn phím Zero chỉ được trang bị LED cầu vồng với 6 màu sắc khác nhau.
Tiếp theo, do sở hữu thiết kế theo dạng TKL (không có hàng phím số ở bên phải) nên cũng giúp cho thiết bị trở nên nhỏ gọn hơn. Phần mặt trước (plate) của bàn phím còn được làm bằng kim loại, phía bên phải có Logo Zero của hãng. Trong một số trường hợp khi chạm tay vào phần kim loại này sẽ bị… tê tay nhẹ, có lẽ do rò điện.
Ngoài ra,  đây cũng là một chiếc bàn phím được làm theo phong cách hở switch, có nghĩa switch được đặt nổi lên khỏi bề mặt mà không có phần viền bao quanh, góp phần giúp ánh sáng đèn LED lan tỏa đẹp hơn nhưng cũng làm phía bên trong dễ bám bụi, dễ hỏng hóc hơn.
Bàn phím được làm theo phong cách hở switch
Nhìn chung, độ hoàn thiện của chiếc bàn phím vẫn là khá tốt, có độ cứng cáp nhất định bề mặt được làm từ kim loại chắc chắn. Như vậy, với 350.000 đồng, có thể coi đây là một chiếc bàn phím có mức độ gia công thuộc dạng ổn, vượt kỳ vọng mong đợi của chúng tôi.
Switch không hề có tên thương hiệu, cảm giác bấm “phập phù”
Thông thường, switch của các hãng tên tuổi như Cherry, Gateron, v.v… sẽ đều được in tên thương hiệu của mình lên trên switch. Tuy vậy, ở chiếc bàn phím Zero, switch lại không hề có chữ hay ký hiệu định danh của bất kỳ một thương hiệu nào, đây thực sự là một điểm trừ khá lớn mà chúngta nên để ý, bởi nó sẽ khiến người dùng phải hoài nghi về chất lượng, nguồn gốc của một trong những thành phần quan trọng nhất trên bàn phím cơ.
Switch Gateron trên một mẫu bàn phím cơ được in tên thương hiệu cẩn thận
Keycap trên bàn phím Zero lại không hề có tên thương hiệu
Theo như một số người mua đã kiểm chứng thì rất khả năng cao, đây là switch của Outemu hoặc Kailh. Có thể đúng, có thể sai, nhưng dù thế nào thì chúng cũng không thể đem lại cảm giác bấm thích thú như các switch tầm trung hoặc cao cấp hơn.
Trải nghiệm gõ phím thực tế cũng đã thể hiện ngay điều đó.
Một vài phím chức năng giúp tăng giảm độ sáng của bàn phím
Cụ thể, với mẫu blue switch không tên tuổi trên bàn phím Zero, khi đánh văn bản hay chơi game đều phát ra tiếng kêu “clicky” khá đanh, to và ồn, tuy nhiên tiếng kêu của chúng cũng không hề đều nhau, bởi có phím kêu to,có phím lại kêu nhỏ. Cảm giác bấm đem lại cũng bị thiếu lực nẩy, gõ văn bản dài sẽ có cảm giác cấn tay.
Lực ấn và tiếng “clicky” phát ra trên bàn phím Zero kém đồng đều
Hơn nữa, ở một vài phím nhất định, lực ấn cũng không hề giống nhau, cú thể là nút Space, nút Shift và một vài phím ở hàng phím số lại cần lực ấn mạnh hơn các phím còn lại. Những điểm trừ trên chắc chắn sẽ khiến chúng ta phải lo lắng về độ bền của sản phẩm nếu sử dụng trong thời gian dài.
Keycap có chất lượng gia công không đồng đều
Keycap có sẵn của nhà sản xuất được làm từ nhựa ABS, double shot, vì vậy sau khoảng 15 phút sử dụng, các phím bấm đã bị bóng nhẫy như bôi mỡ và bám dính vân tay, khi dùng lâu khả năng cao sẽ dễ bị bay chữ và trở nên xấu xí. Tuy nhiên bù lại, chúng ta cũngcó thể tậu các bộ keycap khác để gắn vào nhằm thỏa mãn thú chơi và gia tăng cảm giác bấm lên đôi phần, bởi bàn phím Zero cũng có layout ANSI khá dễ dùng.
Keycap có chất lượng gia công không đồng đều, được làm từ nhựa ABS nên dễ bị bám vân tay và trơn bóng
Ngoài ra, phần font chữ trên keycap cũng không mang tính thẩm mỹ cao vì chữ quá bé và mờ, khi lắp lên trên switch hơi lỏng lèo và một vài keycap còn bị méo.
Hệ thống đèn LED và tính năng chiếu sáng tạm chấp nhận được
Như đã nói ở trên, đèn LED trên bàn phím Zero là LED cầu vồng, chỉ có 6 màu tương ứng với 6 hàng phím. Mặc dù trông không thể sang, xịn, mịn như đèn LED RGB trên những mẫu bàn phím giá cao hơn, nhưng chúng vẫn thể hiện được các chế độ chiếu sáng khá hữuích.

Các chế độ đèn LED và âm thanh gõ văn bản trên chiếc bàn phím cơ giá chỉ 350.000 VNĐ
Cụ thể, bàn phím Zero sẽ có 3 chế độ chiếu sáng, hỗ trợ 3 mục đích, đó là chơi game RTS (sáng các nút bên trái của bàn phím), FPS (sáng 4 nút W, A, S, D) và gõ văn bản (sáng toàn bộ phần phím chữ).
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể thiết lập bằng nút chức năng để chọn dùng thêm khá nhiều các hiệu ứng đèn LED bắt mắt khác.
Các phím tương ứng với 3 chế độ chiếu sáng: game RTS, game FPS và gõ văn bản
Phím chức năng phụ để truy cập nhanh trình duyệt web, email, tăng giảm âm lượng, v.v…
Một điểm cộng nữa mà phải qua quá trình sử dụng, chúng tôi mới phát hiện ra, đó là bàn phím ZERO cũng sở hữu các nút chức năng có thể dùng để mở nhanh thư mục máy tính, trình duyệt web, hộp thư mail, v.v… giúp người dùng thuận tiện hơn ở một số trườnghợp sử dụng nhất định.
Kết luận
Bàn phím “Zero Esport 87K”, có mức giá khá rẻ, chỉ vào khoảng 300.000 đồng đến 400.000 đồng nhưng lại có thiết kế khá cứng cáp và chắc chắn, các chế độ chiếu sáng bắt mắt.
Mặc dù vậy, thiết bị cũng có những điểm trừ gây thất vọng, như keycap giacông không cao, switch không tên tuổi và có chất lượng kém đồng đều, dù biết với tầm giá rẻ như vậy, chúng ta cũng không nên đòi hỏi quá khắt khe.
Ưu điểm:
– Giá rẻ- Chất lượng gia công khá ổn, chắc chắn- Nhỏ gọn, nhiều chế độ đèn LED hữu ích
Nhược điểm
– Bị hở điện- Switch không tên tuổi, cảm giác bấm không đồng đều- Keycap ABS chất lượng không cao, dễ bám vân tay, lỏng lẻo- Khiến người dùng hoài nghi về độ bền nếu sử dụng trong thời gian dài
WeBuy nhận định:
Chỉ nên mua nếu bạn là người mới tiếp cận với bàn phím cơ, dùng để sử dụng “chống cháy” khi chưa có hầu bao rủng rỉnh tậu những mẫu có chất lượng cao hơn. Phù hợp với các bạn học sinh, sinh viên.
Chỉ nên dùng để chơi game, không nên dùng để gõ văn bản trong thời gian dài, không phù hợp với môi trường cần sự yên tĩnh. Gợi ý những mẫu bàn phím cơ mini (60%) đáng mua nhất dành riêng cho những ai yêu sự nhỏ gọn và tinh tế