Cỗ máy tính siêu nhỏ của đại học Michigan.
Trong một thông cáo đưa ra hôm 20/6, đại học Michigan cho biết các kỹ sư của họ đã làm ra một chiếc máy tính có kích thước 0,3 mm x 0,3 mm – có thể đặt trên bề mặt của một hạt gạo, theo CNET.
Không chỉ nhỏ hơn khi so sánh với máy tính kích thước 1mm x 1mm của IBM, nhóm nghiên cứu của Michigan cho biết họ còn có thêm nhiều tính năng khác vượt trội hơn.
David Blaauw, giáo sư đồng dẫn đầu dự án cho biết: “Máy tính của chúng tôi có kích thước nhỏ hơn khoảng 10 lần nên chắc chắn sẽ giúp hoạt động tốt hơn ở những không gian nhỏ hơn”.
Các kỹ sư từ đại học Michigan đã từng lập kỷ lục về chiếc máy tính nhỏ nhất thế giới với tên gọi Micro Mote vào trong năm 2015. Tuy nhiên, IBM sau đó cho biết, họ đã tạo ra chiếc máy tính nhỏ nhất thế giới, nói rằng nó còn nhỏ hơn một hạt muối.
Giờ đây, cuộc đua giữa hai đối thủ kỳ cựu lại diễn ra gay cấn hơn khi các nhà nghiên cứu của đại học Michigan đang vươn lên dẫn trước.
Sự ra đời của các máy tính siêu nhỏ sẽ hé mở ra cánh cửa cho nhiều mục đích nghiên cứu khác nhau. Trong đó, chúng có thể được ứng dụng trong y tế như nghiên cứu ung thư, giám sát hồ chứa dầu, theo dõi quá trình sinh hóa và nhiều hơn nữa, theo đại học Michigan.
Tuy nhiên, các máy tính càng nhỏ sẽ càng bị giới hạn tính năng và thường làm ra cho mục đích chuyên môn hơn là ứng dụng đa dạng. Ngoài ra chúng cũng không thể lưu trữ dữ liệu trong trường hợp mất điện.