Khoảng 3 tháng trước, Cục Quản lý Đại dương và Khí tượng Hoa Kỳ (NOAA) đã phóng thành công vệ tinh thời tiết GOES-17, vệ tinh cao cấp nhất của họ tính đến thời điểm hiện tại. Vào ngày 20/5 vừa qua, GOES-17 đã lần đầu tiên chụp lại hình ảnh Trái Đất của chúng ta từ bên ngoài vũ trụ và chính thức công bố bức ảnh này vào ngày hôm nay (1/6).


GOES-17 được xem là vệ tinh thời tiết cao cấp nhất hiện nay của NOAA.

GOES-17 được xem là vệ tinh thời tiết cao cấp nhất hiện nay của NOAA.

GOES-17 được xem là phiên bản kế nhiệm và cũng là vệ tinh hỗ trợ cho GOES-16, được phóng lên vũ trụ trong năm 2016. Cả hai vệ tinh này đều thuộc dự án GOES-R của NOAA và có thể giúp các nhà khoa học quan sát biến động thời tiết tại bán cầu tây, từ bờ biển Châu Phi cho đến tận New Zealand. Với phạm vi quan sát khoảng 36.000 km so với mặt đất, GOES-16 và GOES-17 được xem là chìa khóa trong việc dự báo hạn hán, cuồng phong, cháy rừng, sương mù hay những hiện tượng sấm sét. Mặc dù đang gặp trục trặc về phần cứng nhưng GOES-17 vẫn có thể chụp lại một bức ảnh Trái Đất của chúng ta một cách đẹp đến ngỡ ngàng.


Bức ảnh Trái Đất đầu tiên mà vệ tinh thời tiết GOES-17 chụp được dù đang gặp sự cố về phần cứng.

Bức ảnh Trái Đất đầu tiên mà vệ tinh thời tiết GOES-17 chụp được dù đang gặp sự cố về phần cứng.

Cụ thể, GOES-17 đã sử dụng bộ công cụ có tên Advanced Baseline Imager (ABI) để quét Trái Đất trong 16 dải quang phổ khác nhau, bao gồm cả hồng ngoại, cận hồng ngoại và vùng ánh sáng nhìn thấy để chụp lại bức ảnh trên. Tất cả những dải quang phổ này đều cho phép các nhà khoa học quan sát kĩ hơn nhiệt độ cũng như chuyển động của nhiều loại mây khác nhau và đưa ra dự báo chính xác về những hiện tượng thời tiết cực đoan. Tuy nhiên, như đã nêu trên, GOES-17 đang gặp một số vấn đề về phần cứng khi hệ thống tản nhiệt hoạt động không thực sự ổn định. Trong khi đó, bộ cảm biến hồng ngoại của ABI lại cần được làm mát thường xuyên để có thể cảm nhận chính xác những bức xạ hồng ngoại từ Trái Đất. Mặt khác, GOES-17 cũng cần sử dụng tia hồng ngoại để quét các đám mây vào ban đêm khi không có ánh sáng mặt trời. Nếu bộ cảm biến của ABI quá nóng thì sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng ảnh quét được.


Còn đây là bức ảnh Trái Đất do đàn anh GOES-16 chụp được, dường như sự cố về hệ thống tản nhiệt trên GOES-17 không gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng ảnh chụp của vệ tinh này.

Còn đây là bức ảnh Trái Đất do “đàn anh” GOES-16 chụp được, dường như sự cố về hệ thống tản nhiệt trên GOES-17 không gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng ảnh chụp của vệ tinh này.

Hiện tại, các chuyên gia tại NOAA, NASA cùng một số tổ chức khác đang nỗ lực tìm cách khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, có thể thấy bức ảnh mà ABI của GOES-17 chụp được trên đây vẫn rất ấn tượng bất chấp sự cố xảy ra với hệ thống tản nhiệt. Được biết, ABI đã sử dụng hai dải quang phổ cận hồng ngoại và vùng sáng nhìn thấy để chụp lại bức ảnh này, vì thế mà nó không bị ảnh hưởng bởi vấn đề nêu trên. Vệ tinh GOES-17 vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và sẽ chính thức hoạt động ổn định vào cuối năm nay. Nếu không thể giải quyết vấn đề với hệ thống tản nhiệt, các nhà khoa học sẽ chuyển sang những giải pháp thay thế cùng các chế độ khác để tối đa hóa khả năng vận hành của ABI. Theo TheVerge