Huawei P20 Pro là chiếc smartphone đang thu hút được rất nhiều sự chú ý, trong đó, khả năng chụp ảnh là điểm “ăn tiền” nhất của chiếc máy này. Năm nay, Huawei tiếp tục phối hợp cùng Leica để mang đến không chỉ 2, mà là đến 3 camera cho P20 Pro. Nó còn có rất nhiều thông số phần cứng khác khiến cho người dùng cảm thấy “choáng váng” như độ phân giải 40MP, OIS ở cả 3 camera, khẩu độ f/1.6, cảm biến 1/1.7″ cực lớn và đương nhiên là cả công nghệ AI thời thượng.Huawei giới thiệu flagship P20 Pro tại Việt Nam: thiết kế đẹp, màn hình tai thỏ, trang bị 3 camera cho trải nghiệm chụp ảnh chuyên nghiệp, lên kệ từ 26/5
Hệ thống 3 camera của Huawei P20 Pro
Sức nóng tiếp tục được tăng cao khi DxOMark – một website chuyên đánh giá camera đã chấm cho P20 Pro đến 109 điểm, bỏ xa các đối thủ còn lại như Galaxy S9+ (99 điểm) và iPhone X (97 điểm).
Ngay sau đó chúng tôi đã có bài viết nêu quan điểm rằng: P20 Pro sở hữu phần cứng khủng và đạt điểm số DxOMark rất cao, tuy nhiên không đồng nghĩa với việc đây là chiếc smartphone với camera tốt nhất dành cho tất cả mọi người. Mặc dù vậy, đây vẫn chỉ là những nhận định chủ quan do chúng tôi chưa có cơ hội được trên tay chiếc máy này. Nay, khi những chiếc P20 Pro đã chính thức về đến VN, chúng tôi cũng đã có thể đưa ra đánh giá dựa trên trải nghiệm thực tế.
40MP: Có sự khác biệt, tuy nhiên không nên sử dụng
Đã qua rồi cái thời người ta sử dụng số “chấm” làm thước đo để đánh giá camera, nhưng, một ưu điểm không thể bàn cãi của độ phân giải cao là độ chi tiết của bức ảnh. Và, khi Huawei mang đến cho P20 Pro một camera lên đến 40MP (tức là gấp hơn 3 lần con số 12MP của đa phần smartphone hiện nay), chúng ta cũng không thể vì thế mà xem nhẹ.
Cần lưu ý rằng ở cài đặt mặc định, P20 Pro sẽ chụp ở độ phân giải 10MP. Chuyển sang chế độ 40MP, đúng như dự đoán, có thể thấy bức ảnh 10MP lép vế hoàn toàn về độ chi tiết.
Tuy nhiên chúng tôi khuyến cáo người dùng không nên chọn 40MP làm độ phân giải mặc định, mà thay vào đó vẫn là 10MP. Có ba lý do dẫn điều này:
– Kích thước ảnh 40MP rất lớn. Cùng một khung cảnh, nếu như ảnh JPG 10MP có kích thước chỉ là 4MB thì 40MP lên đến 12MB. Nếu chụp RAW, nó thậm chí còn có thể lên đến 40-70MB.
– Máy xử lý chậm hơn đáng kể. Nếu như ở chế độ 10MP người dùng có thể bấm nút chụp liên tiếp, thì khi chuyển sang 40MP máy khựng lại một chút sau đó mới có thể chụp tấm tiếp theo. Theo chúng tôi, đây không phải là một trải nghiệm tốt.
– Những bức ảnh với số MP cao thường được sử dụng với mục đích để crop. Nếu bạn cũng có ý định như vậy, thay vì chụp ở 40MP thì hãy chụp ở 10MP và sử dụng zoom quang học 3X hoặc zoom lai (Hybrid Zoom) 5X sẽ cho kết quả tốt hơn.
P20 Pro là smartphone với khả năng zoom quang học tốt nhất hiện nay
P20 Pro sở hữu camera tele với tiêu cự 80mm, độ phân giải 8MP và khẩu độ f/2.4. Tuy nhiên, những bức ảnh chụp lại lại vẫn có độ phân giải 10MP. Kỳ quặc phải không? Lý do là vì một bức ảnh zoom của P20 Pro không chỉ đơn giản là kết quả của camera tele 8MP, mà là sự kết hợp giữa cả camera tele 8MP và camera 40MP.
Công nghệ này được Huawei gọi là Hybrid Zoom. Không chỉ giúp chất lượng ảnh cao hơn, Hybrid Zoom còn cho phép khả năng zoom của P20 Pro vượt qua mức 3X của ống kính tele để đạt mức 5X – rất ấn tượng.
Với lợi thế này, P20 Pro dễ dàng trở thành chiếc smartphone cho khả năng zoom quang học tốt nhất, bỏ xa mọi đối thủ còn lại. Không chỉ hữu ích trong căn chỉnh bố cục khung hình, tính năng zoom này còn cho phép người dùng tiến sát đến những vật thể mà mắt người có thể không nhìn rõ, ví dụ như bảng menu ở quán trà sữa chẳng hạn.
Night Mode: Vũ khí lợi hại của P20 Pro
Trước đây chúng ta đã có nhiều smartphone được trang bị tính năng chụp đêm, nhưng đa phần là không hiệu quả. Với Huawei P20 Pro thì lại khác: Night Mode là một tính năng rất hay ho của chiếc máy này mà bạn không thể bỏ qua.
Cách thức hoạt động của Night Mode về mặt lý thuyết không có gì mới vì bản chất của nó là phơi sáng. Tuy nhiên khác với quá trình phơi sáng thông thường khi mà người dùng phải tự mình điều chỉnh chỉnh các thông số như tốc độ màn trập hay ISO, cũng như sử dụng tripod để ảnh tránh bị tình trạng rung; thì với Night Mode, người dùng chỉ cần sử dụng tay để giữ máy, kích hoạt chế độ này và bấm nút chụp.
Kết quả cho ra rất ấn tượng, khi người dùng hoàn toàn có thể biến những bức ảnh trong điều kiện ánh sáng cực thấp trở nên sáng trưng. Đương nhiên, tùy vào thời gian phơi sáng mà có thể bức hình sẽ vẫn bị mờ, tuy nhiên so với việc phơi sáng thủ công thì tình trạng này được giảm thiểu đến mức tối đa.
Tuy nhiên, không nên lạm dụng Night Mode. Không phải lúc nào nó cũng phát huy được hiệu quả, mà thậm chí trong một số trường hợp còn tạo ra tác dụng ngược và khiến cho bức ảnh tệ đi. Ví dụ trong trường hợp này khi ánh sáng đối nghịch, Night Mode đẩy tương phản quá nhiều và khiến cho chủ thể bức hình là cô gái trở thành một mảng đen, các chi tiết gồ ghề trên bức tường cũng nổi lên – nói chung là rất tệ.
AI Camera: Khi thứ mà Huawei tự hào nhất lại là vấn đề lớn nhất của P20 Pro
Huawei nhấn mạnh rất nhiều về AI (trí tuệ nhân tạo) trên P20 Pro, trong đó camera là một trong những yếu tố mà AI được áp dụng mạnh mẽ nhất. Tương tự như một số mẫu máy trước đây như Mate 10, thì P20 Pro có khả năng nhận diện khung cảnh/vật thể mà người dùng đang chụp để tối ưu hóa cho bức ảnh đẹp nhất. AI của P20 Pro đã được cải thiện, khi nay nó đã có thể nhận diện 19 loại khung cảnh khác nhau.
Trong quá trình chúng tôi thử nghiệm, P20 Pro thành công trong việc nhận diện các vật thể như khuôn mặt con người, mèo, đồ ăn, cây cối, bầu trời xanh hay đoạn văn bản. Tùy thuộc vào đối tượng mà người dùng đang chụp mà P20 Pro sẽ đưa ra phương án phù hợp, ví dụ như:
– Khi chụp người, máy sẽ chuyển sang chế độ chụp chân dung
– Khi chụp cây cối với màu xanh (Greenery), máy sẽ điều chỉnh màu để làm nổi bật sắc xanh lên. Tương tự như vậy với đồ ăn.
– Khi chụp đoạn văn bản (ví dụ như chữ trên một tờ giấy), máy sẽ căn chỉnh sao cho đoạn văn bản được chụp thẳng hàng và rõ ràng nhất.
Vậy vấn đề với AI của P20 Pro là gì? Đó là cách thức xử lý ảnh quá đà khiến mọi thứ trở nên giả tạo đến mức khó chịu.
Đây là một ví dụ cụ thể. Lùm cây này được P20 Pro nhận diện là “Greenery” (màu xanh), sau đó nó tiến hành tăng độ bão hòa màu (saturation). Đa phần người dùng, trong đó có tôi, thích ảnh có màu rực rỡ, tuy nhiên thứ mà P20 Pro đưa ra là quá “chói” và đặc biệt gây khó chịu khi nhìn trên màn OLED của máy. Chưa kể, độ sắc nét (sharpness) cũng bị lạm dụng.
Một điều khác khiến cho tôi cảm thấy khó chịu là việc máy luôn cố chuyển sang chế độ chụp ảnh xóa phông mỗi khi giơ máy vào một người nào đó. Không phải lúc nào xóa phông cũng đẹp, đặc biệt là trong điều kiện thiếu sáng. 
Lời khuyên của chúng tôi là người dùng nên tắt chế độ AI hoàn toàn (trong phần cài đặt). Mặc dù AI của P20 Pro là có ích trong một số trường hợp (ví dụ như chế độ quét văn bản – document scan), tuy nhiên đa số thời gian còn lại thì nó đem đến sự phiền phức cho người dùng hơn. Nếu muốn điều chỉnh màu sắc hay độ sắc nét thì chúng ta đã có Play Store với vô vàn ứng dụng chỉnh ảnh rồi.
So sánh ảnh chụp P20 Pro, Galaxy S9+ và iPhone X: Liệu có phản ánh đúng điểm số DxOMark?
Sau khi nói về hàng loạt những công nghệ của P20 Pro, đã đến lúc để chúng ta đi vào phần chính là so sánh chất lượng ảnh với hai siêu phẩm hiện nay là iPhone X và Galaxy S9+. Tất cả 3 máy đều chụp ở chế độ auto, và chúng tôi sẽ tập trung vào so sánh ảnh trong điều kiện thiếu sáng (do đa số smartphone hiện nay đều thể hiện rất tốt trong điều kiện đủ sáng và khác biệt là không nhiều).
Về ảnh chân dung, chúng tôi không thích cách mà P20 Pro tái tạo làn da người. Việc áp dụng quá mạnh tay thuật toán khử noise đã khiến cho khuôn mặt của chủ thể mất chi tiết, thiếu sức sống và trông như tượng sáp. 
Trong một số trường hợp với nguồn ánh sáng đối nghịch như dưới đây, cách thức mà P20 đặt exposure cũng không hợp lý khi chủ thể quá tối. Galaxy S9 vẫn là chiếc máy chụp tốt nhất.
Bù lại, P20 Pro có khả năng cân bằng trắng khá tốt, có lẽ là nhờ cảm biến màu (RGB Sensor) riêng biệt. Ảnh của Galaxy S9 cũng như nhiều máy Samsung khác khi chụp tối thường xuyên gặp tình trạng bị vàng.
Một thứ mà P20 Pro “hủy diệt” hoàn toàn Galaxy S9 và iPhone X là khả năng chụp ảnh xóa phông buổi tối. Mặc dù ảnh P20 Pro vẫn bị áp dụng hiệu ứng khử noise tệ hại như đã nói ở trên, tuy nhiên ít ra là chúng ta vẫn có một bức ảnh có thể sử dụng được, chứ không như hai máy còn lại.
Chuyển sang chụp phong cảnh, ưu thế của P20 Pro được thể hiện rõ hơn và cho độ chi tiết tốt nhất trong cả ba. Mặc dù vậy, người dùng có thể nhận thấy việc Huawei áp dụng hơi mạnh tay việc tăng độ tương phản, cộng thêm việc điều chỉnh exposure không thật sự ổn định, khiến cho một số bức ảnh trông hơi “trầm” so với thực tế (ví dụ như logo Dunnkin Donuts ở ảnh dưới).
Khi chụp ở nguồn ánh sáng cực thấp, bất ngờ thay khi Huawei P20 Pro lại thể hiện không tốt. Chỉ khi bật chế độ Night Mode (có thể tham khảo ở phần trên) thì máy mới có thể cho ra một bức ảnh rõ ràng như Galaxy S9. 
Với lợi thế về phơi sáng của Night Mode, việc P20 Pro có thể đánh bại Galaxy S9 là không khó để hình dung. Tuy nhiên đừng quên rằng: để tạo ra bức ảnh kia với Galaxy S9 tôi chỉ cần giơ máy và bấm chụp, còn với P20 Pro là phải chuyển chế độ Night Mode và phơi sáng một vài giây. Điều này đặt cho chúng ta câu hỏi: “Liệu P20 Pro có “thần thánh” như người ta vẫn nghĩ?”
Kết luận: Phần cứng đỉnh cao, nhưng phần mềm còn có thể làm tốt hơn nữa
Huawei đã thật sự tạo ra một kiệt tác với camera của P20 Pro. Để tích hợp một hệ thống 3 camera hỗ trợ OIS, ống kính tele 88mm, cảm biến 40MP 1/1.7″, lấy nét laser và hàng loạt công nghệ khác trong một thân hình bé nhỏ của chiếc điện thoại là một điều không hề dễ dàng. Đội ngũ phần cứng của Huawei đã làm được điều không thể. 
Tuy nhiên, phần mềm camera của P20 Pro vẫn còn có thể cải thiện rất nhiều. Mặc dù có những điểm sáng như Night Mode, tuy nhiên cách thức xử lý ảnh của máy trong chế độ chụp tự động – cũng là chế độ mà người dùng sử dụng nhiều nhất – vẫn chưa đủ tốt để có thể thể hiện rõ sự vượt trội về phần cứng so với các đối thủ. 
Nếu bạn là một người chỉ biết giơ lên và chụp, P20 Pro không phải là chiếc máy dành cho bạn – ít nhất là cho đến khi Huawei chưa khắc phục được vấn đề về phần mềm của mình
Một khi Huawei khắc phục các vấn đề liên quan đến xử lý làn da, exposure hay độ bão hòa màu, chúng tôi tin rằng P20 Pro sẽ dễ dàng trở thành smartphone chụp ảnh tốt nhất hiện nay. Còn ở thời điểm hiện tại, Galaxy S9 vẫn là chiếc máy cho trải nghiệm chụp ảnh tổng thể tốt nhất.
Nhưng, đó là dưới góc độ của một người dùng bình thường, những người chỉ biết giơ máy và chụp. Còn nếu bạn là một người hiểu biết về nhiếp ảnh và sẵn sàng điều chỉnh các thông số, chụp ảnh RAW và cả hậu kỳ, thì không cần tìm đâu xa nữa, P20 Pro chính là ước mơ trở thành sự thật. Với phần cứng camera mạnh mẽ này, P20 Pro là smartphone hiếm hoi trên thị trường hiện nay thật sự xứng đáng với cái mác “Pro” của mình. Huawei giới thiệu flagship P20 Pro tại Việt Nam: thiết kế đẹp, màn hình tai thỏ, trang bị 3 camera cho trải nghiệm chụp ảnh chuyên nghiệp, lên kệ từ 26/5