Hội nghị nhà phát triển WWDC 2018 của Apple đã đưa một loạt tính năng phần mềm tới các nền tảng chính của công ty. Nhưng nhiều tính năng trong số đó đã xuất hiện qua các ứng dụng của các nhà phát triển bên thứ ba, và rõ ràng điều đó sẽ làm họ không vui chút nào.
Đây cũng không phải là điều mới đối với Apple. Ví dụ, tính năng Night Shift, ra mắt trên MacOS vào tháng Ba năm 2017, có nhiều điểm tương tự với ứng dụng nổi tiếng f.lux, và sau đó về cơ bản đã khiến ứng dụng này trở nên lu mờ.
Nhưng năm nay, danh sách các cải tiến trên iOS và MacOS của Apple dường như phụ thuộc lớn vào các ý tưởng từng xuất hiện trên ứng dụng bên thứ ba. Dưới đây là danh sách các ứng dụng sẽ phải chật vật trong thời gian tới khi iOS 12 và MacOS Mojave ra mắt.
Trước khi bắt đầu, một điều cần chú ý rằng, các ứng dụng bên thứ ba phải làm việc rất nỗ lực mới có thể trở nên nổi tiếng và phần nhiều trong số họ vẫn rất đáng để sử dụng, ngay cả sau khi Apple đã ra mắt phiên bản sao chép của chúng. Các nhà phát triển ứng dụng bên thứ ba cũng có khả năng ra mắt các tính năng mới để phân biệt mình với ứng dụng từ Apple, vốn thường đơn giản hơn và không có nhiều tùy chọn đi kèm.
Tính năng Measure (đối đầu với Ruler)
Có lẽ ví dụ rõ ràng nhất cho điều này là một ứng dụng mới của Apple có tên gọi Measure, sử dụng thực tế tăng cường để cho phép bạn đo đạc kích thước các vật thể trong thực tế. Ý tưởng này gần như giống hệt vô số các ứng dụng bên thứ ba khác đang có mặt trên App Store – ví dụ như Ruler hay AirMeasure – phần lớn trong số chúng có thể cũng chẳng cần thiết lắm.
Các tính năng camera mới trong tin nhắn (tương tự như Prisma, Snapchat)
Bạn còn nhớ Prisma chứ, ứng dụng của Nga trở nên nổi tiếng khi có thể biến những bức ảnh thông thường thành các hình ảnh nghệ thuật đẹp mắt? Nhưng giờ có lẽ nó sẽ không còn nhiều người dùng như trước khi ứng dụng Messages của Apple sẽ sớm có tùy chọn để thêm các bộ lọc nghệ thuật và bộ lọc truyện tranh vào hình ảnh.
Camera trong ứng dụng Messages cũng có nhiều tính năng tương tự như Snapchat, bao gồm các sticker và hình dạng bạn có thể thêm vào hình ảnh của mình. Cả Snapchat và Prisma đều còn nhiều tùy chọn khác mà ứng dụng của Apple không có, nhưng người dùng Messages nhiều khả năng sẽ không còn kích hoạt chúng thường xuyên như trước đây.
Dynamic Desktop (tương tự Irvue)
Một trong những tính năng mới thú vị nhất trên MacOS Mojave có tên gọi Dynamic Desktop, cho phép thay đổi hình nền desktop của bạn phụ thuộc vào thời gian trong ngày. Nếu bạn bật nó lên, bạn sẽ thấy hình nền tươi sáng chụp vào ban ngày khi đang ở buổi sáng, và hình nền nhẹ nhàng, chụp vào ban đêm khi mở máy tính vào buổi tối.
Hiện đã có ứng dụng khác cho phép tự động chuyển đổi hình nền desktop như Irvue và còn nhiều ứng dụng khác nữa. Irvue có một bộ sưu tập hình nền lớn dựa trên trang Unsplash, nhưng rõ ràng sẽ chỉ có một chỗ cho ứng dụng thay đổi hình nền desktop trên máy tính của bạn mà thôi, và rất khó để cạnh tranh lại với cây nhà lá vườn của Apple với ý tưởng này.
Memoji (tương tự Bitmoji)
Bitmoji, ứng dụng gần như ai cũng phải có nếu muốn tạo ra các phiên bản phim hoạt hình nhỏ cho gương mặt của mình. Nhưng có lẽ trong tương lai nó sẽ không còn phổ biến nữa, hoặc thậm chí sớm biến mất trên iOS. Tính năng Memoji mới của Apple đã cho phép bạn tạo ra các avatar 3D sống động, có độ tùy biến cao cho bản thân bạn và rất có thể nó sẽ đánh bại hoàn toàn Bitmoji và các ứng dụng tương tự.
Gọi FaceTime theo nhóm (tương tự hầu hết các ứng dụng chat video hiện nay)
Tính năng gọi nhóm trên FaceTime cuối cùng cũng có mặt ở đây và nó hỗ trợ tới 32 người tham gia trong một cuộc gọi, vượt qua cả Skype và Hangouts khi chỉ hỗ trợ tối đa 25 người. Ứng dụng gọi video theo nhóm mới của Apple không có khả năng tiêu diệt hoàn toàn các đối thủ cạnh tranh này, nhưng nó có thể làm giảm đáng kể thời gian sử dụng của chúng, bởi vì với các ứng dụng cuộc gọi video theo nhóm này, mọi người sẽ đổi sang sự lựa chọn tốt hơn ngay khi họ phát hiện ra chúng.
Ứng dụng Siri Shortcuts (tương tự IFTTT)
Siri Shortcuts là ứng dụng cho phép bạn thực thi một chuỗi câu lệnh với chỉ một cầu đơn giản cho Siri. Nếu bạn cảm thấy quen quen, đó là vì nó khá giống với ứng dụng IFTTT (If This Then That), với một khác biệt rất quan trọng – cho dù nó xuất hiện trên iOS, IFTTT chỉ hoạt động với Amazon Alexa và Google Assistant. Shortcuts khá hữu ích, nhưng IFTTT hẳn sẽ tồn tại khá lâu dài, khi nó tích hợp với vô số các ứng dụng bên thứ ba.
Tham khảo Mashable Tổng hợp 14 công bố “động trời” của Apple tại WWDC 2018 và những tác động mà chúng sẽ đem lại đến ngành công nghệ trong năm nay