Trận chung kết cuộc thi lập trình xe tự hành đã diễn ra giữa 8 đội thi đến từ 6 trường đại học trên nước (Học viện Kỹ thuật quân sự, ĐH FPT, ĐH Công nghệ – ĐHQG Hà Nội, ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, ĐH Bách Khoa TPHCM, ĐH CNTT – ĐHQG TPHCM).
Đội đạt giải Nhất sẽ nhận được tổng giá trị phần thưởng là 450 triệu đồng, trong đó có 1 chuyến thăm quan và trải nghiệm trong vòng 1 tuần tại Nhật Bản, được FPT Software tuyển thẳng vào làm theo lĩnh vực mà cá nhân mong muốn.
Ban tổ chức cuộc thi cho biết, trải qua 6 tháng luyện tập và thi đấu tại Cuộc đua số 2017 – 2018, các bạn sinh viên đã từng bước chinh phục các bài toán công nghệ của xe tự hành với mức độ khó tăng dần. Ban đầu, các thí sinh được tiếp cận với những kiến thức cơ bản về xử lý ảnh, trí tuệ nhân tạo và sau đó được hướng dẫn thực hành trên xe ô tô mô hình có kích thước bằng 1/10 xe thật. Nếu như ở vòng bán kết, xe do các bạn sinh viên lập trình mới chỉ có khả năng di chuyển trên đường có làn, xác định và tránh được vật cản; nhận dạng và đi đúng theo chỉ dẫn của biển báo rẽ trái và rẽ phải thì đến vòng chung kết, xe của các đội đã có thể đi trên các đường có địa hình phức tạp như có hàng đinh, có vạch kẻ đường hoặc kẻ nét đứt…; ngoài biển rẽ trái, phải xe có thể nhận biết thêm biển dừng lại. Đặc biệt, các biển báo tự động thay đổi ngẫu nhiên qua từng lượt chạy để đảm bảo chính xác khả năng nhận biết biển báo của từng đội.
Chung kết Cuộc đua số diễn ra giữa 8 đội thi đến từ các trường đại học trên cả nước.
“Các môn học trong nhà trường hiện phần lớn vẫn chỉ là lý thuyết. Cuộc đua số chính là động lực để bọn em phải tìm hiểu về các công nghệ mới như xử lý ảnh, học sâu, trí tuệ nhân tạo… Dù mới chỉ tham gia trong thời gian ngắn nhưng cuộc thi đã giúp chúng em có được những kết quả ban đầu về xe tự hành. Thời gian qua cả đội đã phải tập trung để cải tiến công nghệ xử lý ảnh của mình, tính toán kỹ lực gia tốc của xe để xe có thể chạy tốt nhất trên địa hình phức tạp. Tuy vẫn còn phải cải thiện và tối ưu công nghệ trong thời gian ngắn trước khi thi nhưng chúng em tự tin có thể hoàn thành hết đề bài mà ban tổ chức đưa ra”, sinh viên Nguyễn Minh Châu, thành viên đội UET Fastest đến từ Đại học Công nghệ, ĐH QG Hà Nội chia sẻ.
Trong vòng chung kết, xe của các đội có thể đi trên các đường có địa hình phức tạp như có hàng đinh, có vạch kẻ đường hoặc kẻ nét đứt.
Trải qua nhiều vòng đấu căng thẳng, đội UET Fastest đến từ Đại học Công nghệ, ĐH QG Hà Nội đành ngôi vô địch.Đội Winwin Sprial – ĐH FPT đứng ở vị trí thứ 2 và hai đội đồng giải balà đội MTA_ Race4Fun – Học viện Kỹ thuật Quân sự; đội Prototype – ĐH FPT.
Thông tin từ BTC cho hay, cả 4 thành viên đội vô địch UET Fastest đều là các sinh viên tài năng xuất sắc của trường, trong đó có 2 thành viên đang là thành viên của Trung tâm phát triển tài năng trẻ FPT. Tham gia cuộc thi, do không có thời gian luyện tập nên các thành viên thường xuyên phải tranh thủ luyện tập vào ngày nghỉ hoặc buổi tối. Khuôn viên của trường chật nên không thể dựng sân tập, cả đội đành phải tạo sân ảo trên máy tính. Các thành viên đã sử dụng kiến thức trong lĩnh vực lập trình, xử lý ảnh, trí tuệ nhân tạo – AI để tạo ra xe tự hành với tốc độ cao nhất, xác định và tránh được vật cản trên đường, nhận dạng và đi đúng theo chỉ dẫn của biển báo rẽ trái, rẽ phải.
Thành viên đội vô địch UET Fastest nhận phần thưởng 450 triệu đồng.
FPT cho biết, với sự dịch chuyển chủ yếu sáng tạo từ phần cứng lên 90% thuộc về phần mềm, ô tô sẽ là một trong những ngành có sự thay đổi mạnh mẽ nhất trong cuộc cách mạng 4.0. Trong xu thế đó, Việt Nam không chỉ là nguồn cung cấp nhân lực công nghệ trẻ cho cuộc cách mạng 4.0 mà sẽ trở thành trung tâm của ngành công nghiệp phần mềm ô tô toàn cầu.
Công ty này cũng cho hay chỉ trong 2 năm đầu đã phát triển lên đến 2000 kỹ sư. Năm 2018, FPT cần tuyển thêm khoảng 1000 người làm cho các dự án về automotive trong năm 2018. Điều đó cho thấy việc tham gia Cuộc đua số, các bạn sinh viên không chỉ được học hỏi các kiến thức về công nghệ mới mà còn có cơ hội trực tiếp tham gia vào ngành công nghệ phần mềm xe tự hành.
Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ FPT nhận định: “Sinh viên Việt Nam có khả năng học hỏi và nắm bắt công nghệ rất nhanh. Cuộc đua số sẽ giúp các bạn rút ngắn thời gian thực hành và phát triển công nghệ xe tự hành do được thừa hưởng mã nguồn mở từ các thí sinh năm trước. Tôi tin rằng từ Cuộc đua số, sẽ có nhiều bạn sinh viên sẽ trở thành lực lượng nòng cốt, tiên phong tham gia chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu, góp phần đưa Việt Nam có vị trí xứng đáng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.
Khôi Linh