Nhằm thúc đẩy sự phát triển TMĐT ở Việt Nam, cũng như tạo cơ hội cho cá nhân hay doanh nghiệp có thể kinh doanh online một cách dễ dàng hơn, trong thời gian qua các doanh nghiệp đang sở hữu các sàn TMĐT như Sendo, Shopee… đã tạo rất nhiều điều kiện để cho cá nhân hay doanh nghiệp có thể đăng ký kinh doanh trên sàn một cách đơn giản hơn rất nhiều so với trước đây.
Các cá nhân hay doanh nghiệp muốn bán hàng online không còn gặp nhiều khó khăn trong việc kinh doanh các sản phẩm của mình qua mạng nữa, và thực tế việc này đã giúp ích cho việc kinh doanh của họ rất nhiều.
Tuy nhiên, việc đăng ký kinh doanh đơn giản hơn không có nghĩa là cá nhân hay doanh nghiệp khi đăng ký tham gia bán hàng trên sàn TMĐT muốn làm gì thì làm, thực tế có thể thấy các sàn như Sendo, Shopee đều đưa ra các quy định rất chặt chẽ, đặc biệt là ở khâu quản lý hàng giả, hàng nhái kém chất lượng.
Cụ thể, để đăng ký kinh doanh hàng hóa trên Shopee, cá nhân hay doanh nghiệp cũng phải tuân thủ các điều khoản mà công ty này đưa ra, trong đó nêu rõ trách nhiệm của các bên liên quan và người dùng phải đồng ý với các điều khoản mới được phép kinh doanh.
Đặc biệt công ty còn đưa ra các giải pháp công nghệ như từ khóa, thuật toán để kiểm duyệt từng mặt hàng, giá cả. Bên cạnh đó còn có đội ngũ kiểm duyệt rà soát chất lượng mặt hàng đăng bán và tiếp nhận các phản hồi của khách hàng khi có vấn đề về hàng hóa.
Sen Đỏ cũng có các quy định rất cụ thể khi khách hàng đăng bán trên sàn TMĐT này.Hiện tại, các cá nhân và doanh nghiệp đăng ký bán hàng trên Sen Đỏ phải tuân theo luật pháp nhà nước Việt Nam cũng như các điều khoản cam kết với Sen Đỏ. Trong trường hợp vi phạm các cam kết, cá nhân và doanh nghiệp đăng ký bán hàng trên Sen Đỏ sẽ bị xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, Sen Đỏ đã và đang sử dụng nhiều nguồn lực, nhân lực ra sức rà soát các hàng hóa giao dịch trên thương mại điện tử của mình. Theo đó, gần đây, Sendo đã tăng nhân sự bộ phận kiểm duyệt cũng như đầu tư cho công nghệ dữ liệu lớn để kiểm soát sản phẩm chặt chẽ hơn nữa. Trong quá trình kiểm duyệt, nếu phát hiện vi phạm các quy định có liên quan đến hàng giả, hàng nhái, Sen Đỏ sẽ hạ sản phẩm và gửi cảnh báo vi phạm đến các cửa hàng. Nếu các cửa hàng tiếp tục vi phạm thì Sen Đỏ sẽ thực hiện hình thức xử phạt cao nhất là hạ cửa hàng vĩnh viễn.
Đồng thời, Sen Đỏ cũng đã khởi xướng chiến dịch “SEN ĐỎ nói KHÔNG với hàng GIẢ/NHÁI VÀ CẤM BÁN” với mong muốn chấm dứt vấn nạn hàng nhái, hàng giả trên TMĐT.
Cần có sự chung tay trong việc chống hàng giả, hàng nhái
Mặc dù có các quy định chặt chẽ như trên, nhưng có một thực tế để giải quyết triệt để việc cá nhân hay doanh nghiệp kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT là điều đau đầu đối với các doanh nghiệp chủ sở hữu sàn.
Có thể hiểu rằng, sàn TMĐT cũng giống như cái chợ và việc xuất hiện hàng giả, hàng nhái là điều không thể tránh khỏi. Với lượng người tham gia kinh doanh đông đảo, chẳng hạn như theo đại diện Shopee cho biết thì hiện sàn TMĐT này có tới 8 triệu mặt hàng với gần 1 triệu người đăng bán, hàng ngày có rất nhiều sản phẩm mới, chính vì thế để kiểm duyệt một cách hoàn hảo và triệt để là điều vô cùng khó khăn.
Ở đây có thể nói, Shopee hay Sen Đỏ không bao che hay thả nổi việc kinh doanh hàng giả hàng nhái trên sàn TMĐT của mình. Điển hình ngay khi có người dùng phản ánh họ lập tức tiến hành bồi thường và có biện pháp xử lý nghiêm với người kinh doanh hàng giả, hàng nhái này. Tuy nhiên, để giải quyết một cách triệt để chỉ một mình doanh nghiệp thôi là chưa đủ.
Bởi với lượng người tham gia kinh doanh và số lượng mặt hàng lớn như trên, doanh nghiệp nhiệm vụ chính là kiểm tra việc kinh doanh đó có vi phạm pháp luật hay không, rất khó có thể phân biệt đâu là hàng giả, hàng nhái kém chất lượng khi khách hàng đăng bán. Để làm được điều này cần phải có sự giúp đỡ của những người có chuyên môn, đó chính là lực lượng quản lý thị trường. Ở đây, với tư cách là người quản lý sàn, doanh nghiệp chỉ xử lý được khi có phản hồi từ khách hàng là chính.
Chính vì thế, theo đại diện của các doanh nghiệp như Shopee và Sen Đỏ, để xử lý hàng giả, hàng nhái kém chất lượng một cách triệt để đòi hỏi phải có sự phối hợp của rất nhiều bên. Bên cạnh doanh nghiệp liên tục kiểm duyệt một cách gắt gao thì cần có sự tham gia của cơ quan chức năng và đặc biệt là những phản hồi từ người dùng.