Liu, một người phụ nữ 31 tuổi, cùng chồng mở một cửa hàng cơm ở khu vực gần tổ hợp nhà máy tại Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc. Đây là một khu phức hợp với các nhà máy sản xuất iPhone do công ty điện tử Đài Loan Foxconn điều hành, với lượng nhân công 350.000, sản xuất khoảng nửa số iPhone trên thế giới. Nơi đây còn có tên khác là “Thành phố iPhone”.
Trước khi tới đây mở cửa hàng, cô từng làm việc tại một nhà máy của Foxconn tại Thâm Quyến. Nhưng sau khi nghe tin công ty mở một nhà máy gần quê, cô đã cùng chồng về đây, dùng tiền tiết kiệm tiền để mở cửa hàng ăn uống, phục vụ công nhân lao động. Do công việc bận rộn, cô phải để con trai ở quê sống cùng cha mẹ mình. Hai người được gặp con một lần mỗi tuần vào các ngày chủ nhật, khi nhà máy đóng cửa.
“Phố ẩm thực” của công nhân tại nhà máy sản xuất iPhone, nơi có cửa hàng của Liu, dự kiến sẽ bị giải tỏa để làm “vườn xanh” trong thời gian tới.
Cửa hàng của Liu là một trong các nơi phục vụ ăn uống lớn nhất tại đây, hoạt động theo đúng nhịp độ sinh hoạt của lao động trong nhà máy. Mọi người bắt đầu dậy làm việc từ 3h sáng tới quá 12h đêm, mỗi ngày chỉ được ngủ khoảng 3-4 tiếng.
“Thức ăn không cần cầu kỳ, chỉ đơn giản và có thể no bụng là được”, cô chia sẻ với Business Insider. Tại “Thành phố iPhone”, mọi người chủ yếu ăn trong căng tin của nhà máy, với giá mỗi bữa khoảng 1 USD. Tuy nhiên, nhiều người thích ăn ngoài tại các cửa hàng như của Liu, với giá cao hơn một chút, khoảng 1,3 tới 3,15 USD tùy theo món ăn.
Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của Liu đang ngày càng kém đi, bằng chứng là số thức ăn thừa ngày một nhiều. Nguyên nhân liên quan trực tiếp tới tình hình kinh doanh có vẻ ảm đạm của nhà máy, khi số lượng nhân công bị giảm sút. Khu vực cửa hàng này cũng sẽ bị giải tỏa vào cuối năm, để dành đất cho một dự án trồng cây xanh hóa. Khi đó, cô sẽ phải tìm một địa điểm mới để mở cửa hàng.
Đĩa thức ăn trong nhà hàng của Liu theo tiêu chuẩn “không cầu kỳ, chỉ cần no bụng”.
Không có điều kiện như Liu, nhiều người lao động khác kiếm sống tại đây trên những chiếc xe đẩy bán đồ ăn vặt hoặc mở dịch vụ mát-xa dạo. Nhiều người dân ở các khu vực lân cận cũng đẩy xe chở hoa quả, trái cây tới đây bán cho công nhân lao động. Họ đứng kín dọc các con đường từ ký túc xá tới nhà máy vào buổi sáng sớm và giờ tan tầm, để bán đồ ăn và các món hàng lặt vặt như đĩa phim, đồ dùng sinh hoạt… Còn vào các khung giờ khác, tất cả gần như đã biến mất. Hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa, mọi người tìm chỗ ngủ hoặc nghỉ ngơi trong khi các công nhân ở nhà máy làm việc. Và rồi tất cả lại tất bật khi các công nhân tan làm.
“Có mọi thứ mà công nhân muốn ở đây: thực phẩm, mát xa, phim ảnh… tất cả mọi thứ”, Ma, một nữ nhân viên đấm bóp 25 tuổi, người đã chuyển đến đây kiếm sống từ năm ngoái, nói. Cô cho biết số việc làm thấp tại Foxconn đang ảnh hưởng đến sinh kế của tất cả mọi người. Năm ngoái, cô thậm chí không thể mua được vé xem chiếu phim vì quá đông người. Còn hiện giờ, mọi người còn không kiếm đủ để trả tiền thuê phòng.
Còn công nhân, với thu nhập ổn định hơn, sau giờ làm là lúc để nghỉ ngơi, ăn uống và nhậu nhẹt. Các quán bia ở đây luôn đông đúc sau giờ tan tầm.
Người dân ở khu vực lân cận mang cà chua, hoa quả ra bán cho công nhân tại nhà máy Foxconn.
“Cuộc sống ở đây rất đơn giản, như một ngôi làng”, Chen, nam công nhân 22 tuổi, chia sẻ. Anh đã làm việc ở đây được 2 năm, một quãng thời gian đáng kể bởi vì thường những người mới sẽ bỏ đi sau một năm làm việc, với nguyên nhân chủ yếu do buồn chán với nhịp độ sinh hoạt ở đây. Công việc chính của anh là kiểm tra những chiếc iPhone sau khi chúng được hoàn thiện và đóng gói. Chen cho biết công việc của mình không có nhiều áp lực, đơn giản nhưng lại không có cơ hội làm thêm giờ.
“Làm thêm giờ”, không như ở những nhà máy khác thường bị kêu ca, ở đây khái niệm này là mục đích sống của nhiều người. Rất nhiều người mới, tới đây xin tuyển dụng đều có chung một câu hỏi là “Vị trí này có được làm thêm giờ hay không?”. Bởi lương làm thêm giờ tại nhà máy của Foxconn được trả rất cao, và thường đúng hạn. Nơi đây cũng không có tình trạng chậm hay trì hoãn lương như các nhà máy khác.
Lương khởi điểm của một công nhân bình thường có thể chỉ là 300 USD, nhưng nếu làm thêm giờ, thu nhập có thể tăng gấp đôi hoặc cao hơn nữa. Tất nhiên, người lao động phải đánh đổi sức khỏe của mình với lịch làm thêm lên tới 60 giờ mỗi tuần, tương đương mỗi ngày làm 14 tiếng, 7 ngày một tuần.
Công việc, dù làm thêm, trên thực tế không hề căng thẳng mà ngược lại vô cùng nhàm chán. Đó có thể là việc phải ngồi đánh bóng màn hình hoặc vặn một con ốc trong 8, 10 hoặc 12 tiếng một ngày, nếu ở dây chuyền lắp ráp. Công việc có thể khó khăn hơn ở khu vực hàn, nhưng nó cũng sẽ là những nhiệm vụ lặp đi lặp lại. Nhiều người cảm thấy chán ghét việc mình làm mỗi ngày và đó là một phần lý do khiến nhiều người đã rời đi. Chen cũng từng như vậy, sau đó anh đã may mắn được chuyển sang một khu vực khác, ít phải làm thêm giờ hơn, để có thể thoải mái ngồi uống bia sau khi tan tầm.
“Bạn làm một điều tương tự mỗi ngày, không bao giờ kết thúc”, Chen nói. “Sau một thời gian, bạn cảm thấy khó chịu với những gì mình đang làm. Điều mà thậm chí không ai nhận thấy lúc đầu. Cuộc sống giống như không có mục đích, lúc nào cũng cảm thấy khó chịu”.
Không phải ai cũng may mắn như anh. Một số người đã lập gia đình, buộc phải làm những công việc nhàm chán và gần chục giờ làm thêm mỗi ngày, để có thể thu nhập. Bỏ việc lúc này không còn là thứ mà họ có thể lựa chọn.
Còn Chen, anh đã nhảy việc rất nhiều lần, làm việc tại nhiều nhà máy sản xuất hàng điện tử khác nhau như của Oppo hoặc Xiaomi, xưởng lắp điều hòa không khí… Với anh, công việc không có chỗ nào tệ hơn hoặc tốt hơn. “Các điều kiện làm việc đều giống nhau. Và nó chỉ để kiếm sống”, anh nói.
Hay ngồi uống bia cùng Chen là Zhang, 27 tuổi, có thói quen nghịch điện thoại mọi lúc. Zhang có thái độ khác hẳn với Chen, anh luôn cho rằng ai cũng có lựa chọn của mình và không hề bị trói buộc bởi công việc. “Nếu bạn muốn làm việc, hãy làm đi. Nếu không, xin nghỉ. Đó là tự do. Có rất nhiều công việc khác để lựa chọn quanh đây”, anh nói.
Cả hai đều nói rằng không biết mình sẽ ở đây bao lâu và luôn sẵn sàng rời đi nếu có “một cơ hội”. Cơ hội mà họ nói ở đây là một công việc ở nhà máy khác, gần nhà hơn hoặc được trả lương cao hơn, có số giờ làm ít hơn.
Công nhân tại Foxconn Trịnh Châu túa ra khỏi nhà máy sau khi hết giờ làm.
Còn với một số công nhân khác, cơ hội của họ là tách ra làm riêng, mở một cửa hàng sửa chữa điện thoại, một quán ăn hay thứ gì đó tương tự, xa lánh hoàn toàn những công việc lặp đi lặp lại nhàm chán hằng ngày ở đây. Rất nhiều cựu công nhân, như Liu, đã làm được điều đó và thành công. Tất nhiên, tương lai đó chỉ có thể thực hiện được khi họ đã tích lũy đủ tiền nhờ công việc này.
Dù vậy, phần lớn mọi người tại đây có ước mơ khá đơn giản. Họ chỉ mong “được ở với người mình thích và không phải lo lắng về đồ ăn hay quần áo”, theo lời một nhân viên trẻ tại Foxconn từng chia sẻ với báo giới.
Chen nói thêm rằng hầu hết mọi người không chỉ nghĩ về bản thân họ khi đi làm. Nhiều người phải lo cho con cái hoặc bố mẹ già yếu. Nếu tiết kiệm, các công nhân có thể giữ lại được 75% tiền lương của mình để gửi về nhà. Nhưng cũng có nhiều người sử dụng hết để uống bia và ăn nhậu.
Sau bữa tối, Chen và Zhang thường đi chơi bi-a tại một quán bar gần đó, đi hát karaoke, chơi thể thao trong chung cư hoặc vào quán Internet chơi game. Cả hai sẽ về ký túc lúc 10 hoặc 11 giờ tối.
Trước đây, các báo cáo miêu tả cuộc sống trong các nhà máy sản xuất iPhone rất tồi tệ, như việc áp lực công việc cao, nhân viên quản lý thường xuyên sỉ nhục công nhân. Năm ngoái, báo cáo của Guardian cho thấy nếu có người nào ở đây phạm sai lầm, quản lý có thể buộc họ phải chuẩn bị một lời xin lỗi công khai để đọc trước mặt các đồng nghiệp. Nhiều người nói rằng những áp lực đã tạo cho người lao động ở đây một nền văn hóa là phải biết “im lặng”.
Cuộc sống về đêm rất nhộn nhịp ở “thành phố iPhone”, đặc biệt tại các quán bia và nơi ăn nhậu.
Tuy nhiên, quan điểm mới của những công nhân như Chen và Zhang đã đẩy lùi quan niệm cũ đó. Bởi ngược lại, mọi thứ ở đây tự do hơn mọi người nghĩ.
“Có rất nhiều sự tự do trong công việc này”, Zhang nói. “Nếu bạn không thích nó, bạn có thể nghỉ việc. Nếu bạn muốn có một kỳ nghỉ, bạn sẽ nhận được nó. Chỉ khác là sẽ không được trả tiền trong khoảng thời gian này. Thật dễ dàng để ở lại và cũng thật dễ dàng để có được một công việc khác”.
Trên thực tế, dù tình hình của lao động tại Foxconn đã được cải thiện nhiều, vẫn còn cả một ngành công nghiệp điện tử vẫn chưa có nhiều chuyển biến. “Đây là vấn đề chung của nhiều nhà thầu phụ trong lĩnh vực điện tử”, Keegan Elmer, đại diện của một tổ chức phi chính phủ chia sẻ hồi năm ngoái. “Tiền lương thấp, những ngày làm việc rất dài, trong môi trường lao động khá xấu. Họ thay công nhân như thay áo và tuyển dụng không ngừng. Đối với công việc có tay nghề thấp, việc sử dụng học viên và công nhân tạm thời khá lớn”.
Nhưng điều đó đã không ngăn cản những người như Zhang và Chen đang cố gắng tạo ra một cuộc sống trọn vẹn cho riêng mình. Chen vẫn có thể mời bạn bè đi uống bia và luôn muốn giành trả tiền bữa tối.
Còn với Liu, chủ cửa hàng ăn uống, khi được hỏi rằng mọi người ở “Thành phố iPhone” có hạnh phúc không, cô cười và nói: “Chúng tôi không hạnh phúc. Không ai hạnh phúc. Đó là sinh kế của chúng tôi. Đây chỉ là cuộc sống”.
Theo Mai Anh – VnExpress