Hình dạng loài ếch cổ đại qua mẫu hổ phách – Ảnh: LIDA XING
Theo BBC, hổ phách vừa được phát hiện ở Myanmar gồm 4 hóa thạch ếch không hoàn chỉnh, trong đó có một cá thể có thể nhìn thấy hình dáng của hộp sọ.
Cả 4 hóa thạch không còn chất liệu xương nào bên trong nhưng rất giá trị vì có tuổi thọ cùng thời đại với khủng long.
Tuy nhiên do chúng không hoàn chỉnh và quá nhỏ, các nhà khoa học vẫn đang gặp nhiều khó khăn để phân chúng vào cây phả hệ của loài ếch.
Xét về giải phẫu học, các nhà khoa học nhận thấy những con ếch cổ đại này trông rất giống một nhóm ếch hiện đại, trong đó có loài cóc tía.
Một cánh rừng nhiệt đới như hiện lên trong mẫu hổ phách mới – Ảnh: LIDA XING
TS David Blackburn từ ĐH Florida, Mỹ và TS Lida Xing từ ĐH Địa chất ở Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết phát hiện của nhóm là một sự kỳ diệu. Họ gọi cả bốn hóa thạch là electrorana limoae, trong đó electrorana được ghép từ 2 từ hổ phách và ếch.
“Ở Trung Quốc, hổ phách của ếch, thằn lằn hoặc bọ cạp thường được xem là báu vật”, TS Xing cho biết.
Ngoài ếch, các nhà khoa học cũng tìm thấy mẫu hổ phách chứa hóa thạch của các loài khác như nhện, giun, côn trùng, cho thấy một môi trường nhiệt đới thời cổ đại.
Các nhà khoa học nói những hóa thạch này là tài sản quý với giới nghiên cứu cổ sinh vật học vì sẽ cung cấp thêm thông tin về cuộc sống trong những cánh rừng nhiệt đới, nhất là về các loài lưỡng cư thời kỳ Phấn trắng.