Startup Theranos đã từng là một chú “kỳ lân” của Thung lũng Silicon, nhưng giờ đây tất cả lại sụp đổ như một câu truyện cổ tích không có cái kết hậu. Những sự thiếu sót trong công nghệ của Theranos đã bị vạch trần, cả công ty và người sáng lập bị kiện vì tội gian lận. Theranos phải đóng cửa các phòng thí nghiệm và trung tâm thử nghiệm của mình.
Tuy nhiên trở lại năm 2014, Theranos đã được giới công nghệ hết lời ca tụng, với ý tưởng táo bạo về một phương pháp thử nghiệm máu hoàn toàn mới. Nhà sáng lập kiêm CEO Elizabeth Holmes được mệnh danh là nữ Steve Jobs của thế giới, trở thành nữ tỷ phú trẻ nhất thế giới với khối tài sản 4,5 tỷ USD.
Elizabeth Holmes, một cô gái rất trẻ đã bỏ Đại học Stanford để sáng lập startup của riêng mình khi mới 19 tuổi. Mặc dù thất bại, nhưng câu truyện của cô gái này vẫn có nhiều điều thú vị để kể lại.
Elizabeth Holmes sinh năm 1984 tại Washington. Cha mẹ cô đều là những công chức làm việc trong các cơ quan Chính phủ Mỹ, vì vậy mà Elizabeth được hướng tới một đích đến đó là trường Đại học và một công việc ổn định.
Khi mới 9 tuổi, Elizabeth nói với cha của mình: “Điều mà con thực sự muốn trên đời là khám phá những thứ thực sự mới mẻ, những thứ mà mọi người không nghĩ rằng có thể làm được”.
Khi còn học cấp 2, Elizabeth đã tự kinh doanh bằng cách bán các trình biên dịch C++ cho các trường học Trung Quốc.
Elizabeth muốn trở thành một bác sĩ phẫu thuật giống người ông Christian Holmes. Tuy nhiên sau đó, cô phát hiện ra rằng mình rất sợ kim tiêm. Đây cũng chính là lý do khiến cho Elizabeth muốn tìm ra một cách thử nghiệm máu hoàn toàn khác, đồng thời sáng lập Theranos.
Cô trúng tuyển vào trường Đại học Stanford, chuyên ngành hóa học. Khi mới chỉ là sinh viên năm nhất, Elizabeth vinh dự nhận được danh hiệu “học giả của Tổng thống”, cùng với khoản trợ cấp 3.000 USD cho một dự án nghiên cứu riêng.
Năm thứ hai đại học, Elizabeth đến gặp một trong những vị giáo sư của mình tại Stanford và nói: “Chúng ta hãy cùng nhau sáng lập một công ty”. Startup Real-Time Cures ra đời, sau này được đổi tên thành Theranos.
Startup của Elizabeth Holmes đăng ký bằng sáng chế cho một thiết bị theo dõi máu và phân phối thuốc. Đây là một thiết bị đeo có thể theo dõi sức khỏe, phân tích máu và thông báo cho người sử dụng biết lượng thuốc phù hợp.
Elizabeth Holmes chính thức bỏ học tại trường Stanford, làm việc toàn thời gian cho Theranos trong tầng hầm của một ký túc xá.
Theranos đã gây được sự chú ý lớn, nhờ phương pháp thử nghiệm máu mới. Phương pháp này chỉ cần lấy một giọt máu ở đầu ngón tay, trong khi vẫn có thể phát hiện các tình trạng sức khỏe, thậm chí cả ung thư và lượng cholesterol cao.
Elizabeth bắt đầu kêu gọi vốn cho Theranos. Startup này nhanh chóng nhận được các gói đầu tư lớn của Draper Fisher Jurvetson và tỷ phú Larry Ellison. Tính đến nay Theranos đã gọi vốn được hơn 700 triệu USD.
Tuy nhiên cô gái này có một yêu cầu, đó là công nghệ của Theranos là độc quyền và không thể được tiết lộ ngay cả đối với các cổ đông của công ty.
Tất cả các hoạt động của Theranos, từ nghiên cứu cho đến thử nghiệm đều được giữ bí mật tuyệt đối. Thậm chí Elizabeth đã kiện 3 nhân viên cấp cao của mình ra tòa, với cáo buộc làm tiết lộ công nghệ bí mật của công ty.
Thái độ và cách giữ kín bí mật của Elizabeth Holmes làm nhiều người liên tưởng đến huyền thoại Steve Jobs . Cô gái 19 tuổi này thậm chí còn mặc những chiếc áo len màu đen giống hệt cựu CEO Apple.
Lúc đó, cô gái này trở thành một biểu tượng mới của Thung lũng Silicon, nơi mà nam giới gần như làm chủ.
Khi 20 tuổi, Elizabeth hẹn hò với Chủ tịch kiêm COO của Theranos là Sunny Balwani. Sau khi cặp đôi này chia tay, Sunny Balwani bị đuổi khỏi công ty.
Năm 2014 là thời kỳ huy hoàng nhất của Elizabeth và Theranos. Cô gái này xuất hiện trong cuộc đàm thoại với cựu Tổng thống Bill Clinton và tỷ phú Jack Ma, được lên bìa tạp chí Fortune và Forbes.
Capital Blue Cross và Cleveland Clinic đã ký hợp đồng hợp tác với Theranos, để sử dụng phương pháp thử nghiệm máu mới cho bệnh nhân của mình. Startup này cũng đạt được thỏa thuận hợp tác trị giá 350 triệu USD với Safeway.
Elizabeth Holmes trở thành nữ tỷ phú tự thân trẻ tuổi nhất thế giới, khi mới 20 tuổi nhưng đã sở hữu khối tài sản trị giá 4,5 tỷ USD.
Năm 2015, các vấn đề xung quanh công nghệ của Theranos bắt đầu lộ diện. Các nhà khoa học đặt nghi vấn đối với công nghệ thử nghiệm máu mới này.
Tháng 8, FDA tiến hành điều tra Theranos. Các nhà quản lý phát hiện công nghệ thử nghiệm máu mới này còn thiếu chính xác và có nhiều sai sót.
Tháng 10, phóng viên tờ Wall Street Journal là John Carreyrou đã công bố cuộc điều tra của mình. Báo cáo của John Carreyrou châm ngòi cho sự sụp đổ của đế chế Theranos.
Carreyrou phát hiện ra rằng, máy thử nghiệm máu Edison của Theranos không đưa ra các kết quả chính xác. Các kết quả mà công ty đưa ra được lấy từ những máy thử nghiệm máu truyền thống mà các bệnh viện đều sử dụng.
Elizabeth xuất hiện trên sóng truyền hình CNBC và bảo vệ bản thân, cũng như công ty Theranos: “Đây là những gì xảy ra khi bạn cố gắng làm việc để thay đổi những thứ cố hữu. Họ nghĩ rằng bạn bị điên, sau đó là chống lại bạn”.
Tháng 7 năm 2016, Elizabeth bị cấm làm việc trong 2 năm. Tháng 10, Theranos phải đóng cửa các phòng thí nghiệm của mình.
Tháng 3 năm 2018, Elizabeth Holmes và Theranos bị buộc tội gian lận, lừa đảo các nhà đầu tư với công nghệ chưa hoàn thiện. Elizabeth bị phạt 500.000 USD và phải trả lại tất cả 18,9 triệu cổ phiếu của công ty.
Bất chấp những sự phản đối, Elizabeth vẫn tiếp tục được phép làm CEO của Theranos. Cô viết tâm thư cho các nhà đầu tư và kêu gọi nhiều tiền hơn để cứu công ty. Trong khi đó, FDA và SEC đều đang tiến hành điều tra Theranos để kết tội.
Câu truyện cổ tích của Theranos chấm dứt với một cái kết không có hậu, khi mà ý tưởng táo bạo của Elizabeth Holmes không thể biến thành hiện thực khi các công nghệ vẫn còn nhiều thiếu sót. Sự bao che, hoạt động trong bí mật của Theranos càng khiến cho bong bóng này phình to khi được đổ vào hàng trăm triệu USD, để rồi sau đó phát nổ.
Tham khảo: Business Insider