Facebook bán dữ liệu người dùng cho 60 công ty bao gồm Apple, Amazon và Samsung?
Theo NYTimes, các thoả thuận đối tác này được ký kết vào năm 2010, trao cho các công ty Trung Quốc “quyền truy xuất riêng tư” đến một số dữ liệu người dùng. 4 công ty trong thoả thuận gồm: Huawei – công ty trang thiết bị viễn thông vốn bị xem là mối đe doạ an ninh quốc gia và nằm trong “sổ đen” của tình báo Mỹ, cùng Lenovo, Oppo và TCL.
Đến thời điểm hiện tại, quan hệ đối tác giữa Facebook và 4 công ty này vẫn còn hiệu lực, nhưng các lãnh đạo Facebook tuyên bố trong một bài phỏng vấn rằng họ có thể ngừng thoả thuận riêng với Huawei vào cuối tuần này.
Không riêng Trung Quốc, Facebook còn trao quyền truy cập dữ liệu người dùng cho các hãng sản xuất khác gồm Amazon, Apple, BlackBerry và Samsung.
Các thoả thuận này nằm trong nỗ lực lôi kéo nhiều hơn người dùng di động tham gia mạng xã hội này bắt đầu từ năm 2007, trước khi Facebook tung ra ứng dụng độc lập hoạt động tốt trên các smartphone. Theo đó, các hãng sản xuất thiết bị sẽ được phép cung cấp một số tính năng Facebook, như sổ địa chỉ, nút “like” và tính năng cập nhật trạng thái.
Các lãnh đạo Facebook cho biết thoả thuận với các công ty Trung Quốc cho phép họ truy cập những dữ liệu tương tự như với BlackBerry, có thể bao gồm thông tin chi tiết về người dùng thiết bị và tất cả bạn bè họ – kể cả các thông tin liên quan xu hướng tôn giáo và chính trị, lịch sử công việc và giáo dục, và tình trạng các mối quan hệ.
Huawei đã sử dụng quyền truy cập riêng tư này vào một ứng dụng “điện thoại xã hội” duy nhất cho phép người dùng xem các tin nhắn và các tài khoản truyền thông xã hội.
Đại diện Facebook cho biết dữ liệu được chia sẻ với Huawei nằm ngay trên các điện thoại của hãng, không phải máy chủ của công ty.
Thượng nghị sỹ John Thune thuộc Đảng Cộng hoà, người đứng đầu Uỷ ban Thương mại đã yêu cầu Facebook cung cấp cho Quốc hội thông tin chi tiết về các mối quan hệ đối tác dữ liệu này.
“Facebook đang học được những bài học cứng rắn rằng họ phải đáp ứng những tiêu chuẩn cao về minh bạch” – Thune nói.
Uỷ ban của ông còn giám sát Uỷ ban Thương mại Liên bang – cơ quan đang điều tra Facebook để xác định liệu các chính sách dữ liệu của công ty có vi phạm một nghị định đã được đồng ý với Uỷ ban này vào năm 2011 hay không.
Thượng nghị sỹ Mark Warner của Virginia thì chỉ ra rằng những quan ngại về Huawei không phải là mới, rằng vào năm 2012 Quốc hội Mỹ đã từng đưa ra một báo cáo về “mối quan hệ mật thiết giữa chính quyền Trung Quốc và các hãng sản xuất trang thiết bị như Huawei”.
“Tôi hi vọng được nghe thêm về việc Facebook làm thế nào để đảm bảo thông tin về người dùng không bị gửi đến các máy chủ Trung Quốc” – Thượng nghị sỹ Warner, lãnh đạo phe dân chủ trong Uỷ ban Tình báo Thượng viện nói.
“Mọi mối liên kết của Facebook với Huawei, Lenovo, Oppo và TCL đều được kiểm soát ngay từ đầu – và Facebook kiểm duyệt mọi thứ mà các đối tác này xây dựng” – Francisco Varela, Phó Chủ tịch Facebook nói – “Theo yêu cầu của Quốc hội, chúng tôi muốn nói rõ rằng mọi thông tin từ các mối liên hệ với Huawei đều được lưu trữ trên thiết bị, không phải máy chủ Huawei”.
Vốn bị cấm tại Trung Quốc từ năm 2009, Facebook đang dần dần tìm cách gầy dựng lại tên tuổi tại nước này trong vài năm trở lại đây. CEO Mark Zuckerberg đã tìm cách tạo quan hệ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và xuất hiện tại một trong những trường Đại học hàng đầu Trung Quốc.
Năm ngoái, Facebook tung ra một ứng dụng chia sẻ ảnh tại Trung Quốc gần như là bản sao của ứng dụng Moments, nhưng không ghi tên Facebook lên đó. Và công ty cũng phát triển một công cụ cho phép kiểm duyệt có đối tượng, dự án đã khiến một số nhân viên quyết định nghỉ việc.
Dù vậy, Facebook vẫn đang rất chật vật trên con đường trở lại, và vào tháng 1, một lãnh đạo phụ trách quan hệ với chính quyền Trung Quốc đã ra đi sau khi bỏ ra 3 năm vào một chiến dịch đầy tham vọng để đưa mạng xã hội lớn nhất hành tinh này trở lại Trung Quốc.
Không một hãng sản xuất thiết bị Trung Quốc nào có quan hệ đối tác với Facebook đưa ra bình luận về vụ việc.
Huawei, một trong những hãng sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, là niềm tự hào quốc gia của Trung Quốc và giữ vai trò tiên phong trong các nỗ lực bành trướng ảnh hưởng của quốc gia này ra nước ngoài. Huawei là đối tượng thụ hưởng hàng tỷ USD dưới danh nghĩa tín dụng từ các ngân hàng chính sách nhà nước Trung Quốc, giúp hãng có tiềm lực để mở rộng hoạt động ra châu Phi, châu Âu và châu Mỹ Latin. Nhà sáng lập của hãng, Ren Zhengfei, là một cựu kỹ sư của Quân đội Nhân dân Trung Hoa.
Chính phủ Mỹ từ lâu đã quan sát Huawei với sự nghi hoặc, và các nhà làm luật đã đề xuất các nhà mạng Mỹ tránh mua trang thiết bị từ Huawei. Hồi tháng 1, AT&T đã huỷ bỏ thoả thuận bán chiếc smartphone mới của Huawei là Mate 10.
Các quan chức Mỹ hiện đang điều tra liệu Huawei có vi phạm các quy định kiểm soát thương mại của Mỹ khi tìm cách giao dịch với Cuba, Iran, Sudan và Syria hay không. Chính quyền Donald Trump đã hướng hồng tâm vào Huawei và đối thủ của họ là ZTE trong những tuần vừa qua, và hồi tháng 4, Uỷ ban Viễn thông Liên bang đã đệ trình một kế hoạch cấm các công ty viễn thông được trợ cấp liên bang sử dụng các nhà cung ứng được xem là mối nguy đến an ninh quốc gia.
Facebook vẫn chưa ký kết hợp tác dữ liệu với ZTE, theo lời các lãnh đạo của công ty.
TCL, một công ty điện tử tiêu dùng, đã cáo buộc chính quyền Trump phân biệt đối xử với các công ty Trung Quốc, và cuối tháng 6 năm ngoái đã quyết định huỷ bỏ kế hoạch mua lại một công ty Mỹ chuyên về sản xuất router và các phần cứng khác có trụ sở tại San Diego.
Lenovo, một hãng sản xuất máy tính và các thiết bị khác, mới đây cũng từ bỏ tham vọng thâu tóm BlackBerry sau khi chính quyền Canada cảnh báo rằng một thoả thuận như vậy có thể gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
Minh.T.T