Theo các chuyên gia truyền thông Thái Lan, việc Facebook giành quyền phát sóng giải bóng đá Ngoại hạng Anh (EPL) sẽ làm rung chuyển toàn bộ thị trường truyền hình trả tiền và truyền hình kỹ thuật số.
Như đã đưa tin, Facebook bỏ 264 triệu USD để sở hữu độc quyền bản quyền phát sóng EPL gồm 1.140 trận cho 3 mùa từ 8/2019 – 8/2022 tại 4 nước Đông Nam Á là Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia. Động thái mạnh mẽ của Facebook biến gã khổng lồ mạng xã hội trở thành địch thủ đáng gờm của các nhà đài, thậm chí sau cùng nó có thể trở thành một đài truyền hình.
Theo Mana Treelayapewat, Trưởng khoa Truyền thông Đại học Thương mại quốc tế Thái Lan, Facebook cho phép người dùng, bao gồm cả các kênh truyền hình kỹ thuật số, phát sóng nội dung của họ miễn phí. Gần đây, Facebook cũng đề nghị các nhà đài nước này đồng sản xuất nội dung phát trên nền tảng. “Rõ ràng, Facebook sắp đối đầu với truyền hình kỹ thuật số và truyền hình trả tiền bằng cách mua quyền phát sóng các trận bóng được ưa chuộng”, ông Mana cho biết.
Facebook đang hái ra tiền nhờ quảng cáo trên nền tảng. Với chiến lược này, công ty thậm chí còn kiếm được nhiều doanh thu hơn. Trước khi Facebook gây sốc với quyền phát sóng EPL 2019-2012, BeIN Sports và TrueVisions là hai đài phát EPL tại Thái Lan trong giai đoạn 2016-2019.
Truyền thông Thái Lan đang vô cùng lo ngại trước các bước đi của Facebook, đặc biệt do một “ông lớn” công nghệ khác là Google cũng dự kiến ra mắt tính năng mới cạnh tranh với Facebook, có khả năng sử dụng YouTube làm kênh phát nội dung. Tất cả công nghệ đột phá này đều uy hiếp thị trường truyền thông truyền thống.
Nếu như trước đây truyền thông Thái Lan là mảnh đất của truyền hình kỹ thuật số thì nay, sân chơi ấy đang bị Facebook và Google xâm chiếm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn ngành do ngày càng nhiều khán giả chuyển sang nền tảng trực tuyến. Nó bao gồm cả việc các đại lý quảng cáo thay đổi chi tiêu quảng cáo bởi Facebook và Google cung cấp số liệu chính xác hơn, giúp họ hoạt động dễ hơn. Ông Mana cho rằng: “khán giả và nhà tài trợ quảng cáo được dự đoán ngày càng rời xa nền tảng truyền hình truyền thống do truyền thông trực tuyến chỉ ra dữ liệu chính xác hơn cả về thống kê lẫn phân tích”.
Mặt khác, Time Chuastapanasiri – một chuyên gia truyền thông – nhận định Facebook không chỉ đánh bại truyền hình kỹ thuật số mà mọi nền tảng khác, gồm cả truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, truyền hình trả tiền và sẽ thay đổi cục diện thói quen xem truyền hình của khán giả.
Facebook Live với các tính năng thuận tiện cho người dùng, giúp họ phát nội dung trên smartphone mà không cần đầu tư trang thiết bị đi kèm. Do đó, ông Tim dự báo Facebook có thể trở thành kênh truyền hình chính của Thái Lan trong tương lai, còn các kênh truyền hình kỹ thuật số trở thành công cụ hoặc nhà cung cấp nội dung. Nếu Facebook Live trở thành một kênh truyền hình, truyền hình kỹ thuật số sẽ bị tác động mạnh.
Siwat Chawareewong, Giám đốc công ty quảng cáo truyền thông Group M, không bất ngờ khi Facebook tham gia mặt trận phát sóng thể thao bởi công ty đã có nền tảng người dùng khổng lồ. Dù vậy, các đơn vị nắm giữ bản quyền EPL trước đây đều cấp giấy phép phát sóng cho các kênh khác. Theo ông, việc phân biệt phát sóng trên truyền hình hay trên mạng sắp không còn bởi các nhà sản xuất nội dung muốn phân phối trên mọi kênh khác nhau. Các nhà quảng cáo và nhãn hàng sẽ chi tiền trên nền tảng và cho nội dung có người xem đông đảo.
Jarit Sidhu, người đứng đầu IDC Thái Lan, nhận xét động thái của Facebook khá thú vị do họ sẽ cho ra đời nội dung riêng trong phát sóng thể thao trực tiếp, tương tự Amazon Prime. Thể thao là lĩnh vực duy nhất chưa có người thống trị về nội dung trên nền tảng trực tuyến. Dù vậy, không như Facebook, Amazon Prime đã có mô hình thuê bao trả phí. Ông Jarit chia sẻ: “Chúng ta phải xem mô hình doanh thu của Facebook là miễn phí nhờ tài trợ và quảng cáo hay thuê bao”. Ông cũng cho rằng Facebook cần chuẩn bị chất lượng streaming ổn định để làm hài lòng người xem.