Theo nhiều nghiên cứu chỉ ra bởi Người khổng lồ mạng xã hội từ 7 tháng trước, không phải việc dùng Facebook chủ động để liên lạc với người thân và bạn bè, mà chính thói quen lướt News Feed một cách thụ động mới là tác nhân đích thị gây hại sức khỏe con người. Đó cũng là lý do vì sao hôm qua 1/8 hãng đã triển khai công cụ đo thời gian sử dụng mạng xã hội cho người dùng của 2 nền tảng Facebook và Instagram. Biểu đồ quản lý thời gian giúp chăm sóc sức khỏe dự kiến sẽ ra mắt đầu tiên tại Mỹ trước khi được tung ra toàn cầu trong vài tuần tới.
Nhìn chung, biểu đồ này không cho thấy quá nhiều tác động đáng kể tới thói quen vốn không dễ gì thay đổi của người dùng. Dù thông số cung cấp khá ấn tượng gồm bộ đếm số thời gian thực người dùng bật ứng dụng mỗi ngày trong tuần trước kèm theo chỉ số thời gian trung bình của cả tuần đó, nhưng chính bởi việc vùi lấp tính năng này sâu trong mục cài đặt, cùng với đó Facebook không cho phép bất kỳ lựa chọn nào để khóa hoàn toàn Facebook sau khi vượt quá thời gian sử dụng trong ngày khiến biểu đồ đo thời gian mới trở nên gần như vô dụng, nếu không muốn nói là đã đi lệch hoàn toàn so với những gì Facebook nhấn mạnh – vốn là tính năng giúp bảo vệ sức khỏe người dùng.
Trang TechCrunch trước đó đã thu được một vài tấm hình về giao diện của bộ đếm thời gian sử dụng trên cả Facebook và Instagram. Bạn có thể tìm thấy biểu đồ trong mục Your Time On Facebook thuộc phần Settings, còn trên Instagram các bước bao gồm truy cập Settings -> Your Activity.
Đáng tiếc hơn nữa, người dùng chỉ có thể theo dõi thời lượng sử dụng trên riêng thiết bị di động của mình. Facebook hiện tại không hề đếm thời gian bạn lướt News Feed trên máy tính hay thậm chí qua máy tính bảng, tính năng đếm giờ thậm chí chưa xuất hiện trên các ứng dụng khác thuộc Facebook như Quản lý Trang hay Quảng cáo. Thêm vào đó, không có bất kỳ benchmark nào so sánh về thời lượng dùng của bạn với những người dùng cùng tuổi hoặc cùng khu vực địa lý. Đây đều là những thiếu sót rất cơ bản CEO Mark Zuckerberg hoàn toàn có thể khắc phục trong thời gian ngắn.
Bên cạnh bộ đếm thời lượng dùng theo đơn vị phút mỗi ngày và trung bình cả tuần, bộ quản lý thời gian còn cho phép người dùng thiết lập giới hạn dùng Facebook, sau khi vượt quá giới hạn, ứng dụng sẽ đẩy thông báo nhắc nhở, tuy nhiên vẫn không ngăn cản bất kỳ động thái tiếp tục sử dụng nào từ phía người dùng: bạn vẫn có thể like, share, comment hoặc lướt News Feed bình thường. Ngoài ra, công cụ này còn giúp bạn tắt toàn bộ thông báo đẩy push notification, nhưng chỉ trong vòng tối đa 8 tiếng. Nếu muốn tắt hoàn toàn thông báo Facebook, bạn phải tự tìm cài đặt của thiết bị đang dùng và tắt toàn bộ thông báo từng ứng dụng.
Công bố mới được cho là theo sau bình luận của CEO Instagram Kevin Systrom trên Twitter, nơi anh đã nói: “Chúng tôi đang xây dựng công cụ giúp cộng đồng Instagram ý thức được rõ hơn về thời gian trong ngày họ dành ra cho ứng dụng – toàn bộ thời lượng truy cập mạng xã hội ảnh nên được dùng một cách có chủ đích và đem lại tác động tích cực. Hiểu rõ hơn về tác động của thời gian online là điều tối quan trọng, và thành thật về điều đó là trách nhiệm của mọi công ty. Chúng tôi muốn được trở thành một phần của giải pháp đó, và chúng tôi coi đây là trách nhiệm hệ trọng của bản thân”.
Đây không phải thay đổi đầu tiên của Instagram trên phương diện giúp đỡ người dùng “cai nghiện”, mới đây công ty con của Facebook đã triển khai một thông báo nhỏ “You’re All Caught Up” (Bạn đã xem hết các bài đăng trong 2 ngày gần đây) hiện ra khi người dùng đã lướt qua toàn bộ 100% các bài đăng trong 48 giờ gần nhất.
Cả Facebook và Instagram sẽ cung cấp văn bản hoàn chỉnh mô tả về công cụ theo dõi thời lượng mới khi cập nhật tới tay người dùng. Người khổng lồ mạng xã hội cho biết không có kế hoạch nào trong việc sử dụng các dữ liệu về việc bạn truy cập công cụ này hay thiết lập giới hạn hằng ngày để target quảng cáo hiệu quả hơn. Tuy nhiên, hãng sẽ theo dõi cách người dùng tương tác với công cụ để tinh chỉnh cài đặt. Được biết, Facebook sẽ lặng lẽ giữ lại một nhóm người dùng nhỏ, không cho họ cập nhật tính năng mới để theo dõi mức độ thay đổi, và liệu biểu đồ đo lường mới có bất kỳ tác động gì tới cộng đồng.
“Điều quan trọng nhất chúng tôi mong muốn đó là thời gian mọi người dành ra sử dụng Facebook cũng như Instagram là khoảng thời gian chất lượng. Có thể điều đó đồng nghĩa với việc công ty phải đánh đổi một vài số liệu (ám chỉ đến lợi nhuận thu về) nhưng là dạng đánh đổi chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng thực hiện, bởi theo tầm nhìn dài hạn đó là những gì cộng đồng cần, và chúng tôi sẵn sàng đầu tư vì cộng đồng”, Giám đốc sản phẩm Ameet Ranadive của Instagram cho biết trong một cuộc hội thảo.
Công cụ của Facebook liệu đã thực sự đủ “răn đe”?
Khỏi cần nói, Facebook chắc hẳn đã cảm nhận rõ ràng một vài “đánh đổi về số liệu” trong thời gian vừa qua. Cụ thể, từ tháng 1 hãng đã triển khai một vài nỗ lực giảm bớt số lượng video viral chất lượng thấp cũng như video clickbait khỏi nền tảng, thay vào đó hiển thị thêm nội dung từ bạn bè và người thân.
Thay đổi đó đã kéo trùng đồ thị tăng trưởng người dùng của Faceboook tại Bắc Mỹ từ đường cong 45 độ thành một đường thẳng, thậm chí dẫn tới sụt giảm tạm thời 700.000 người dùng đầu năm nay, để cuối cùng kết thúc quý vừa rồi với hơn 1 triệu người dùng từ bỏ nền tảng tại châu Âu theo sau thảm họa rò rỉ Cambridge Analytica.
Toàn bộ sự việc đã buộc Mark Zuckerberg chứng kiến đà tăng trưởng chậm nhất trong lịch sử, dẫn tới thâm hụt 20% giá trị cổ phiếu và “bốc hơi” 120 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường. “Những thay đổi trên News Feed hồi tháng 1 là bước đầu, đem lại cho người dùng một ý niệm gì đó về thời gian quý giá của mình, từ đó giúp họ tiếp cận bước hai dễ dàng hơn”, Ranadive nói.
Việc Facebook sẵn sàng đặt người dùng lên trước tình hình tài chính của công ty là một sự thực đáng hoan nghênh, nhưng đồng thời cũng là một bước đi dài hạn khôn ngoan. Bởi khi cảm thấy tình hình lướt Facebook của mình đã trong tầm kiểm soát, người dùng sẽ lại một lần nữa buông lơi và tiếp tục trung thành với Facebook, tiếp tục xem quảng cáo từ Facebook và Instagram thêm một thập kỷ nữa. Nhiều nhà phân tích cho rằng chính News Feed mới với khả năng hiển thị những thông tin người sử dụng quan tâm nhất mới là công cụ mạnh mẽ nhất giúp đem lại cho cộng đồng người dùng một cuộc sống hiện đại khỏe mạnh song hành cùng mạng xã hội.
Không chỉ Facebook, hai hệ điều hành di động phổ biến nhất iOS và Android cũng có phiên bản theo dõi thời lượng dùng smartphone của riêng mình. iOS sẽ cung cấp thông báo mỗi tuần về tình trạng sử dụng máy và thời lượng sử dụng của từng ứng dụng. Trong khi đó, phiên bản của đối thủ Android tỏ ra “cứng rắn” hơn khi sẵn sàng khóa một ứng dụng cho đến khi người dùng mở cài đặt để tự tay mở khóa ứng dụng đó sau khi vượt quá giới hạn thời gian dùng hằng ngày.
Để thực hiện được “trách nhiệm” mà Systrom đã hứa, Facebook và Instagram sẽ còn phải làm nhiều hơn nữa để giúp người dùng ý thức được thời gian sử dụng smartphone của mình bằng cách này hay cách khác. Đó có thể là tùy chỉnh cho phép khóa hoàn toàn ứng dụng sau khi vượt thời gian, ẩn biểu tượng ứng dụng hay luôn hiện bộ đếm với font chữ khổng lồ đè lên toàn bộ ứng dụng mỗi khi quá giới hạn dùng, v.v…bất kỳ một biện pháp mạnh tay nào đó khiến thói quen sử dụng Facebook một cách lành mạnh không chỉ còn là một dạng thông báo bạn có thể dễ dàng bỏ qua.
Sau cùng, mạng xã hội không hề xấu, nhưng chính bởi sức hút mạnh mẽ đánh vào bản năng muốn được kết nối mọi nơi mọi lúc của con người, khiến những nền tảng mạng xã hội thành công nhất đồng thời cũng là những nền tảng xã hội gây hại nhiều nhất tới sức khỏe con người. Chẳng vậy mà cố CEO Steve Jobs đã nghiêm cấm các con mình dùng sản phẩm công nghệ do ông làm ra, bởi ông biết rõ rằng sẽ đến một ngày công nghệ trói buộc con người bằng những sợi dây mắt thường không nhìn thấy được.
Công Minh (theo TechCrunch)
VietBao.vn