Freddy Anzures muốn giới thiệu tôi về một kĩ sư Philippines không mấy tên tuổi từ tận những năm 1960, Greogorio Y. Zara, người đã phát minh ra “television – telephone”, một thiết bị di động có thể thực hiện cuộc gọi video. Anh lấy điện thoại của mình ra và cho tôi xem bức ảnh của ông ấy với phát minh của mình.
“Nó chưa bao giờ được hoàn thiện”, Anzures nói, nhưng may mắn thay, Zara đã để lại một thứ rất quan trọng, đó chính là FaceTime.
Tôi không hề biết về người đàn ông này khi tôi còn làm việc ở Apple”, Anzures nói “Tôi nghĩ mình có trách nhiệm làm cho mọi người biết đến ông ấy.”
Anzures là một kĩ sư người Mỹ gốc Philippines, thành viên trong đội ngũ tạo ra phiên bản iPhone đầu tiên. Anh đảm nhận thiết kế một vài tính năng trong phần giao diện người dùng mà sau này đã làm thay đổi hoàn toàn cách mà chúng ta sử dụng công nghệ ngày nay như iMessage, Voicemail, ứng dụng YouTube và Calculator.
Anzures cũng góp phần phát minh ra tính năng “Trượt để mở khoá” trứ danh của iPhone. Không những thế, trong suốt một thập kỷ qua, tên của anh còn xuất hiện ở hàng loạt các bằng sáng chế khác liên quan đến iPhone. Nói cách khác, những thiết kế của Anzures đã đóng góp rất lớn trong việc giúp Apple trở thành công ty có lợi nhuận cao nhất thế giới.
Nhưng sau khi Steve Jobs qua đời vào năm 2011, 5 trong số 7 người nhóm Thiết kế Giao diện Người dùng (Human Interface) – bao gồm cả Anzures, đã rời Apple. Giờ đây, anh lo ngại rằng giống như Zara, những đóng góp của mình cho iPhone sẽ bị quên lãng.
Anzures trong buổi nói chuyện tại trường Đại học Carnegie Mellon. |
Tôi gặp Anzures vào tháng 4, hai tháng sau khi anh rời Apple, khi anh đang có một buổi nói chuyện tại trường Đại học Carnegie Mellon.
Những ý tưởng xuất sắc
Anzures không đả động gì đến Apple, thay vào đó, anh tập trung nói về quá khứ của mình tại Đại học Carnegie Mellon khi theo học ngành thiết kế công nghiệp tại đây vào những năm cuối 1990.
Trong bộ cánh giản dị, anh nói về dự án thiết kế đầu tiên của mình khi theo học tại đây: một chiếc máy tạo ẩm giống một món đồ mua từ cửa hàng theo phong cách tối giản của Nhật Bản. Anzures cũng kể lại những năm tháng làm thực tập tại trụ sở Converse ở ngoại ô Boston, nơi anh tập trung phát triển và giữ gìn thiết kế cổ điển của đôi giày Converse thay vì cố gắng chạy theo những đường nét thể thao mà công ty anh yêu cầu để tranh đua với Nike và Adidas.
Anzures nói thêm về chuyện thiết kế board game ở Frog Design, công ty trước đây đã thiết kế máy tính cho Apple, công việc cuối cùng trước khi anh gia nhập Táo khuyết. “Thế mạnh của tôi”, anh nói, chính là “liên kết những điều không lường trước”.
Thiết kế đầu tiên của Anzures, chiếc máy tạo ẩm theo phong cách tối giản. Ảnh: Freddy Anzures. |
“Nếu nhìn vào những gì tôi và Freddy đã làm cùng nhau, anh có thể thấy chúng tôi đã xây dựng được một tình bạn đặc biệt”, Imran Chaudhri – người phụ trách nhóm Human Interface – nói với tôi về những sản phẩm họ làm tại Apple, “Tôi nghĩ người dùng có thể cảm nhận được nó khi họ sử dụng sản phẩm. Một trong số những thiết kế của chúng tôi vẫn còn được giữ lại trong đó”.
Sau buổi nói chuyện, tất cả mọi người về lại khách sạn Ace hotel, chúng tôi đi ngang qua những dãy nhà sống động, đầy màu sắc, trong số đó còn có cả ngôi nhà truyền thống của hội nam sinh, nơi mà Anzures đã từng là thành viên.
Anzures suy nghĩ rất nhiều về di sản mà bản thân đã để lại ở Apple. ‘”Vì là một phần của đội ngũ thiết kế iPhone nên tôi luôn hi vọng rằng thế hệ sau sẽ vẫn đại diện cho mình và những giá trị cốt lõi ấy”, anh nói với tôi. Ngoài ra, anh cũng có cảm giác rằng bản thân cần phải chứng minh tầm ảnh hưởng tại công ty trước khi rời đi hoàn toàn.
Anzures hồi tưởng lại những ngày đầu tiên khi bắt tay làm iPhone. Sau quãng thời gian đầy rẫy những tin đồn, quản lý của anh bước vào và nói rằng chiếc điện thoại đã hoạt động. Anzures và Chaudhri trước đó đang tập trung phát triển dashboard và widget cho MacOS nhưng lại bị chuyển ngược sang phát triển iPhone.
“Khi mà những nghiên cứu trở thành hiện thực và bạn là một phần trong đó, nó thực sự rất tuyệt vời”, Anzures nói, “Nó như kiểu, wow, giờ thì gọi tôi là phù thuỷ nhé. Và khi có thêm Steve thì mọi chuyện còn thú vị hơn nữa.”
“Ý tưởng đến trước, kế đến là quá trình”
Nhóm thiết kế dẫn đầu bởi Chaudhri và Ording – một trong số những người tạo text selection trên iOS – đã trao đổi liên tục với Steve Jobs để tìm ra những gì là phù hợp nhất. “Đó là khoảng thời gian mà chúng tôi muốn hiện thực hóa mọi ý tưởng của mình”, Anzures nói.
Về phần mình, Anzures nói anh đã quan sát rất kĩ hành vi con người để lấy ý tưởng cho việc thiết kế iPhone, rằng những hành động và xu hướng tự nhiên có thể dẫn đến các thiết kế rất quan trọng.
Ví dụ như tính năng “Vuốt để mở khóa” mà anh làm việc với Chaudhri là một cách để tránh cho người dùng khỏi những cuộc gọi không đáng có khi họ vô tình đè lên chiếc điện thoại của chính mình. Ý tưởng đến từ một lần anh đang ngồi trên máy bay và để ý đến ổ khoá cánh cửa nhà vệ sinh, thứ khi gạt khoá đóng cửa, trên tay gạt phía ngoài sẽ hiện màu đỏ, nghĩa là có người bên trong và sẽ chuyển sang xanh lá cây khi không có ai. Một bản thu âm tiếng mở ổ khoá ở trường cấp 3 của Anzures trở thành tiếng mở khoá iPhone ngày nay.
Tất nhiên mọi thứ khó mà hoàn hảo. Chadhri và Anzures là 2 người da màu duy nhất trong nhóm thiết kế Human Interface. Steve Jobs, nổi tiếng về tính tình hay thay đổi của mình, lại không phải là một người lãnh đạo hoàn hảo.
“Tôi đã nghỉ việc bởi nhiều lý do và stress là một trong số đó”, Brett Bilbrey, người đảm nhận những dự án về nghiên cứu và thiết kế ở Apple trong khoảng thời gian iPhone ra mắt đã chia sẻ trong cuốn “The One Device: The Secret History of the iPhone” của Brian Merchant. “Đó là thời kì của hỗn loạn, của thống trị, của những mất kiểm soát”, Brett nói.
Nhóm Thiết kế Giao diện Người dùng cho iOS (2007) từ trái sang phải: Anzures, Imran Chaudhri, Bas Ording, Marcel van Os, Steve Lemay, Mike Matas. Ảnh: Freddie Anzures. |
Song cả đội vẫn cảm thấy rằng Apple là công ty công nghệ tiên tiến nhất và là nơi đáng làm việc nhất ở Bay Area lúc bấy giờ. “Apple đã rất may mắn khi có được cho mình đội ngũ làm việc biết quan tâm lẫn nhau, và cùng nhau hợp sức tạo ra sản phẩm quan trọng nhất cho Apple và tương lai của chính nó,” Chaudhri nói với Merchant, “tôi không thể nghĩ ra được bất kì sự hợp tác nào tuyệt vời hơn thế”.
iPhone được cho ra mắt sau đó và mọi thứ bắt đầu thay đổi, “sự thành công của iPhone đã biến cái nhìn của thế giới với công ty trở nên khác hẳn”, Anzures nói.
Apple từ một thương hiệu lớn trở nên rất lớn. Merchant nói rằng công ty trở thành một chính phủ quan liêu kể từ đó, và nhóm thiết kế iPhone từ vỏn vẹn vài người nay đã tăng lên hàng trăm người, đảm nhận thiết kế những bộ phận riêng biệt của iPhone.
Như hầu hết công ty bất ngờ nổi lên chiếm đóng thị trường, Apple đánh mất đi tính biến hóa trong thiết kế, theo như lời của Merchant. “Nếu như bạn không cần phải đánh liều hay để nắm bắt bất cứ cơ hội nào, bạn sẽ trở nên bớt liều lĩnh”.
Merchant nói rằng những tên tuổi thiết lớn bắt đầu dành ít đất cho sự sáng tạo phát triển, trong khi ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc tạo ra lợi nhuận. “Bạn có cảm giác như họ đang đi ngược lại với văn hóa làm nên họ vậy” Merchant chia sẻ.
Nhiều kĩ sư và nhà thiết kế khác cũng vậy, những con người góp phần vào sự ra mắt phiên bản đầu tiên của iPhone, giống như Anzures, đã bắt đầu rời bỏ công ty. Nhiều người trong số họ hoặc không hề, hoặc nhận được rất ít sự công nhận về chính sản phẩm do họ làm ra.
Ording rời Apple vào năm 2013 để bắt đầu một công việc mới ở Tesla, với lý do là đã quá chán nản khi phải bảo vệ những bằng sáng chế trước toà, theo những gì trong sách của Merchant viết. Chaudhri thì thôi việc vào đầu năm 2017.
“Thật thú vị khi nhìn vào cái cách mà người ta nhìn nhận công ty ngày ấy và bây giờ, chúng đã thay đổi quá nhiều”, một tác giả trong đội viết sách của Merchant nói.
Khi được hỏi về những gì đã xảy ra nếu công ty không coi trọng những văn hoá mà sản phẩm đại diện, anh liền chỉ vào Apple ngày nay. “Đơn giản chỉ cần nhìn vào sản phẩm”, anh nói “sản phẩm là tấm gương phản ánh lại người tạo ra chúng”.
Freddie Anzures những ngày đầu khi iPhone mới ra mắt. Ảnh: Freddie Anzures. |
Anzures cho rằng những ứng dụng kích hoạt bằng giọng nói như Siri đã có thể được tạo ra theo cách khác nếu như nó được phát triển để đáp ứng cho tính đa dạng của người dùng, chứ không phải để thích nghi với một số giọng nói nhất định.
Apple phải chịu đựng sức ép ngày càng tăng bởi một số công ty khi thất bại trong việc phát triển và giới thiệu các sản phẩm đột phá mới về công nghệ. Trong khi công ty đã cách mạng hoá cái cách mà giờ đây chúng ta sống với iPhone, iPad, những ý tưởng cũng như công nghệ giờ đây lại đến một cách nhỏ giọt và thường đi sau những công ty khác.
Apple đã bán được hàng triệu chiếc Apple Watch, nhưng người ta không có cảm giác nó tác động nhiều đến xã hội nếu so sánh với iPod, iPhone hay iPad. Những YouTuber nổi tiếng như Marques Brownlee gọi HomePod là “chiếc loa thông minh ngu nhất”. Các thiết kế nhằm nỗ lực thay đổi iPhone gần đây như việc loại bỏ tai nghe đã gặp phải nhiều sự thất vọng lẫn chỉ trích.
“Khi mà bạn nghe phải 1 album dở, bạn có thể biết được ban nhạc đó đang không hoà thuận với nhau”, Anzures nói và đưa ra so sánh Let It Be, bài hát The Beatles phát hành khi cả nhóm đang có những tranh cãi với Revolver, một trong số những album hay nhất của ban nhạc. “Mỗi phần của một quá trình sáng tạo đều là một sự phản chiếu lại những ai tham gia”.
“Các công ty công nghệ không cần những người như chúng tôi”
Ngay cả khi tập trung cống hiến cho Apple những ngày làm việc dài và căng thẳng, anh vẫn có thời gian cho những đam mê của bản thân. Anzures dậy vào lúc 4 giờ sáng, khoảng thời gian mà anh cho là sáng tạo nhất của bản thân để làm DJ và viết bài cho Wax Poetics, một tạp chí về nhạc punk và jazz. Anh cũng thiết kế poster và album cover cho một vài sự kiện. Giờ đây, khi quỹ thời gian không còn hạn hẹp như trước, Anzures có thể thoải mái tập trung cho những đam mê và thử nghiệm những điều mới lạ.
Sau khi rời Apple, Anzures cho biết bản thân giờ đây cảm thấy tràn đầy sức sống. Di chuyển liên tục giữa New York và San Francisco, xây dựng một phòng triển lãm ở gần hãng thu âm nổi tiếng Groove Merchant ở Haight-Ashbury, nơi anh đang sống với tên gọi Family Affair.
Những tấm bìa album mà Anzures thiết kế. Ảnh: Motherboard. |
Đó là những thứ là Anzures nói rằng muốn thiết lập một cầu nối giữa văn hoá và công nghệ. “Văn hoá ngày nay thì đang được phát triển nhờ vào công nghệ,” Anzures nói. Có những thứ rất rõ ràng, như Spotify, Instagram hay nhiều ứng dụng nghe nhạc trực tuyến khác.
“Các công ty công nghệ không cần những người như chúng tôi”, Anzures nói. “Giờ đây là lúc để tiến lên, tìm người phù hợp và hợp tác với họ”.
Anzures chụp ảnh cùng gia đình tại Bảo tàng Warhol sau buổi diễn thuyết tại Đại học Carnegie Mellon. Ảnh: Ankita Rao. |
Khi mặt trời nhá nhem tại Pittsburgh, Anzures chốt lại ngày dài bằng một bữa tiệc “tăng 2” ở viện bảo tàng Warhol.
Anzures chuẩn bị một cái bàn cho bạn anh chơi nhạc, đấu dây điện trong khi những đứa cháu nhảy múa trên sàn nhảy. Nếu như đây là chuyến lưu diễn của Anzures, sẽ rất hợp lí khi âm nhạc là tâm điểm của mọi thứ. “Đây là niềm đam mê của nó,” mẹ anh, bà Leona nói với tôi trong lúc những vị khách của buổi TEDx talk kéo đến tham dự, “Nó đã làm việc rất chăm chỉ, thực sự rất chăm chỉ”.
Tuy nhiên, Anzures vẫn lo ngại công việc của mình sẽ biến mất “như thể ai đó bấm clear history trên trình duyệt”. Apple vẫn vậy, sẽ luôn nổi tiếng là công ty kín tiếng. Nhưng tôi có cảm giác rằng đâu đó vẫn còn rất nhiều những người giống như Anzures, dành thời gian để tìm hiểu gốc các ca khúc của Beastie Boys, những người lật lại lịch sử về FaceTime để biết được rằng người phát minh ra nó là một anh chàng kỹ sư Philippines ít ai biết đến, Gregorio Zara.
“Tôi vô hình. Nhưng điều này cũng rất tuyệt, thật tự do khi bạn giấu tên mình đi”, Anzures nói “Nhưng có lẽ đã đến lúc tôi phải gỡ bỏ cái mũ Daft Punk này ra rồi”.
VietBao.vn