Để chuẩn bị cho năm học mới, các bạn học sinh, sinh viên sẽ cần phải chi nhiều khoản từ mua sắm sách vở, dụng cụ học tập, học phí, ăn ở… vì thế, việc cân nhắc hợp lý giữa nhu cầu sử dụng và số tiền cần bỏ ra để sắm được chiếc laptop ưng ý sẽ giúp bạn tối ưu việc chi tiêu cá nhân.
Với nhu cầu học tập nhẹ nhàng như xử lý văn bản, soạn bài thuyết trình, duyệt web hay email… thì những chiếc laptop với cấu hình cơ bản như dùng CPU Pentium N, Celeron sẽ là lựa chọn phù hợp mà không phải tốn quá nhiều tiền. Và hiện chỉ cần chưa đến 10 triệu đồng là đã có nhiều lựa chọn đáp ứng được nhu cầu như vậy.
Đối với tác vụ nặng tính toán, xử lý đồ họa như làm việc với các xử lý đồ họa, lập trình, mô hình 3D, vẽ CAD, biên tập video… thì chắc chắn bạn sẽ cần đến một laptop với vi xử lý mạnh – có thể là Core i5 hay Core i7 – dùng ổ cứng SSD và một card đồ họa rời với giá thành có thể lên đến vài chục triệu đồng.
Rõ ràng, nhu cầu khác biệt đã tạo ra khoảng cách đáng kể về cấu hình cần thiết lẫn mức chi phí phải bỏ ra. Nên trước hết hãy xem xét kỹ nhu cầu để đưa ra lựa chọn phù hợp, tiêu dùng thông minh sẽ giúp bạn tiết kiệm đáng kể chi phí cho bản thân hoặc cho con, em mình khi năm học mới đang tới gần.
Cỡ màn hình
Kích thước màn hình là một trong những điểm quan trọng cần cân nhắc, bởi vì yếu tố này sẽ ảnh hưởng lớn đến kích thước tổng thể của chiếc laptop và tính di động của nó.
Những chiếc laptop có màn hình lớn hơn 15,6 inch khó mà vừa vặn với những chiếc cặp hay ba lô thông thường. Nhưng nếu màn hình quá nhỏ, như ở mức 13,3 inch, thì có thể quá nhỏ cho nhu cầu theo dõi và xử lý nội dung trên máy.
Việc tăng kích cỡ màn hình thông thường sẽ làm laptop tăng trọng đáng kể, một laptop có màn hình từ 13 inch đến 15 inch sẽ có trọng lượng dưới 2,2 kg được xem như lựa chọn dung hòa từ khả năng hiển thị đến tính linh hoạt.
Lại một lần nữa, kích cỡ laptop sẽ tạo ra 2 thái cực rõ ràng để ta lựa chọn: hoặc tập trung vào việc tối đa màn hình để nâng cao việc hiển thị nội dung, hoặc chú trọng hơn vào tính di động của laptop – có thể bỏ vào cốp xe hay mang theo người dễ dàng.
Nếu kết hợp yếu tố linh hoạt với nhu cầu sử dụng cơ bản, ta lại có thêm một hướng lựa chọn khác là dùng kết hợp tablet và một bàn phím.
Một chiếc iPad 9,7 inch/iPad Pro 10,5 inch hay dòng tablet chạy Android khi kết hợp bàn phím sẽ là lựa chọn không tồi để bạn thay thế laptop cho những nhu cầu cơ bản trong khả năng xử lý của máy tính bảng.
Dĩ nhiên, việc nhập liệu trên những bàn phím phụ kiện sẽ không thoải mái và không nhanh bằng bộ bàn phím và touchpad của laptop, nhưng mọi chuyện đều có hai mặt của nó.
Bộ nhớ
Như đã đề cập ở trên, chính nhu cầu sử dụng sẽ là điều chủ yếu giúp ta cân nhắc các yếu tố khác, điển hình như bộ nhớ.
Đã từng có thời, quy tắc khi sắm một chiếc máy tính là hãy cố mua cho bằng được RAM lớn nhất và ổ cứng lớn nhất mà bạn có thể mua. Nhưng ở thời đại ngày nay, xu hướng này đã chuyển dịch sang hướng chuộng tốc độ hơn là kích thước, nhất là khi dịch vụ lưu trữ đám mây ngày càng phổ biến.
Điều đó đồng nghĩa với việc một ổ cứng loại SSD thậm chí sẽ giúp laptop cấu hình khiêm tốn của ta phát video clip nhanh hơn trong khi đồng thời tăng thời gian dùng pin, bởi vì SSD không có những thành phần chuyển động như HDD truyền thống nên tiêu thụ ít năng lượng hơn.
Ngược lại, giá thành của ổ cứng SSD và HDD có độ chênh nhất định nếu cùng mức dung lượng. Và hiện thị trường máy tính Việt Nam vẫn đang phổ biến ổ cứng HDD do yếu tố giá thành cũng như ổ cứng loại này có dung lượng rất cao.
Do đó, nếu không có nhu cầu ổ cứng SSD cho nhu cầu đọc/ghi tốc độ cao, ta có thể tiếp tục với việc nhắm đến ổ cứng HDD để có mức dung lượng cao và mức giá phải chăng hơn.
Thêm vào đó, các ngành học thiên về kỹ thuật, lập trình, đồ họa sẽ cần đến một chiếc máy tính với bộ nhớ RAM tối thiểu 8GB hay thậm chí 16GB. Trong khi, đa số tác vụ thông thường trên máy tính chỉ yêu cầu RAM quanh mức 4GB, đây cũng chính là mức dung lượng phổ biến trên thị trường laptop hiện nay.
Lịch sử tiêu dùng thiết bị công nghệ
Trước xu hướng phổ biến của các thiết bị điện tử thông minh như smartphone, tablet hay laptop thì cần có thêm một điều cần cân nhắc là người có nhu cầu mua laptop đã quen dùng nền tảng phổ biến nào: Windows, MacOS, Linux, iOS hay Android…
Bởi vì, thói quen sử dụng trong quá khứ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự thoải mái, dễ chịu sau khi mua sắm thiết bị mới. Ví dụ như bạn đã từng có một chiếc laptop, thì xu hướng mua sắm laptop tiếp theo sẽ là một chiếc có cấu hình cao hơn.
Bên cạnh đó, việc mua sắm thiết bị điện tử dùng nền tảng tương đồng sẽ tiện lợi cho việc tạo ra hệ sinh thái xung quanh đồng nhất, dễ tương tác, dễ đồng bộ dữ liệu.
Ví dụ như nếu đang sở hữu một iPhone/iPad thì việc sắm một chiếc Mack Book sẽ giúp ta ít bỡ ngỡ hơn khi tiếp cận, điều tương tự cũng xảy ra với một điện thoại Android và tablet Android…
Dĩ nhiên ta cần cân nhắc thêm ở góc độ tương thích phần mềm khi hầu hết các phần mềm học tập, giáo dục và công việc đều phổ biến trên nền hệ điều hành Microsoft Windows, nên máy tính được cài sẵn Windows 10 sẽ có lợi thế trong cuộc đua này.
Khả năng tương tác và thời lượng pin
Một chiếc laptop lý tưởng cần có sự tương tác tốt với người dùng. Ta cần xem xét các yếu tố như: Cần loại cổng kết nối nào? Bao nhiêu cổng? Tốc độ Wi-Fi tối đa mà laptop hỗ trợ? Cần máy có màn hình cảm ứng, kèm bút stylus hay không? Cần ổ đĩa quang? Thao tác với bàn phím và touchpad có đủ thoải mái?…
Với thói quen phổ biến hiện nay của đa số người dùng laptop hiện này là sẽ cắm sạc bất kỳ khi nào có thể thì yếu tố này sẽ chỉ còn quan trọng với người dùng thường xuyên di chuyển hay thường đến những nơi… không có nguồn điện.
Và nếu quan tâm đến thời lượng pin của laptop, thì hãy tìm hiểu thật kỹ từ nhiều nguồn để xác định thời lượng pin thực tế thay vì cứ tập trung vào con số lý thuyết mà nhà sản xuất đưa ra.
Và nếu xét trên bình quân thời gian làm việc là 8 giờ/ngày, thì một chiếc laptop với viên pin có thể đáp ứng được ngần ấy thời gian (hoặc hơn) cho nhu cầu học tập sẽ là lựa chọn phù hợp.