Goal-line sẽ giúp giảm thiểu những tranh cãi trong các trận đấu.
World Cup 2018 diễn ra tại Nga không phải là lần đầu tiên FIFA áp dụng công nghệ Goal-line mà cách đây 4 năm tại xứ sở cũng những vũ điệu Samba nóng bỏng, cuồng nhiệt đội tuyển Pháp đã được hưởng lợi đầu tiên sau trận thắng Honduras ngày 15/6/2014. Cụ thể, cú đệm bóng của tiền đạo Karim Benzema vào lưới đội tuyển Honduras đã được công nhận là bàn thắng, khi bóng chỉ vượt vạch vôi có vài mili-giây rồi bay ra ngoài.
Vậy Goal-line là gì?
Hiểu một cách cơ bản nhất, công nghệ Goal-line chính là công nghệ giúp xác định chính xác bóng đã lăn qua vạch vôi cầu môn hay chưa. Với công nghệ Goal-line, khi bóng lăn qua vạch vôi, tổ trọng tài sẽ nhận được một thông báo bằng phản ứng rung và tin nhắn tới đồng hồ đeo tay trong thời gian cực ngắn. Cảm biến trên máy quay xác nhận chuyển động của trái bóng trong khoảng cách tối thiểu 5mm. Để làm được điều đó, hình ảnh chụp từ máy quay được gửi tới một máy tính mạnh mẽ có khả năng nhận diện chuyển động của trái bóng mà không phải của cầu thủ, trọng tài hay bất kỳ vật thể nào khác.
Ảnh minh họa.
Tất cả 12 sân vận động diễn ra những trận cầu hay bậc nhất thế giới từ Luzhniki, thủ đô Moscow đến Volgograd Arena, thành phố Volgograd đều được gắn công nghệ vạch vôi, cụ thể là với mạng lưới 14 camera tốc độ cao, thông tin sẽ được gửi về trung tâm xử lý chỉ sau 1 giây. Trọng tài hoàn toàn có thể dựa vào nó trong những tình huống gây tranh cãi.
Tuy nhiên, vẫn có những tranh cãi trong việc sử dụng công nghệ Goal-line. Ngoài lý do chi phí tốn kém, sự can thiệp sâu vào máy móc vô tình làm mất đi yếu tố con người dù các nhà tổ chức luôn khẳng định hệ thống chỉ giúp đỡ các trọng tài trong việc đưa ra quyết định. Hiện có hai nhà sản xuất cung cấp công nghệ Goal-line là Goal Control của Đức và Hawk-Eye của Anh. Ngoài bóng đá, các hệ thống như vậy còn được sử dụng trong nhiều môn thể thao khác như tennis, bida, bóng bầu dục…
Theo Nguyễn Linh (Người đưa tin)