“Anh có muốn kiếm thêm chút đỉnh không?”
“Anh có muốn kiếm thêm chút đỉnh không?”, Dixon kể về tin nhắn của một người lạ gửi qua inbox Instagram của anh sau ngày hôm ấy.
Thoả thuận khá đơn giản: người này sẽ gửi cho Dixon tên, số điện thoại, thông tin cá nhân của một khách hàng của T-Mobile, chẳng hạn như số căn cước công dân và địa chỉ nhà, cùng với một thẻ SIM mới. Dixon sẽ giúp đăng nhập vào cổng thông tin dịch vụ khách hàng của công ty anh, gọi là Quickview, rồi chuyển số điện thoại của người này sang thẻ SIM mới đã được cung cấp. Sau khi xong xuôi, anh sẽ được nhận 100 USD bằng Bitcoin.
“Mỗi tuần sẽ có khoảng 10 yêu cầu như thế”, người kia nói với Dixon. Như vậy nghĩa là mỗi tuần anh có thể kiếm được thêm 1.000 USD.
Việc mà người kia đang thuê Dixon làm có thể gọi nôm na là đổi SIM (SIM swap), xảy ra khi nhà cung cấp mạng chuyển một số điện thoại sang một thẻ SIM mới. Đây là yêu cầu thường gặp của người dùng mỗi khi họ thay điện thoại hay nhà mạng và muốn giữ số điện thoại cũ của mình, hoặc khi họ mất điện thoại.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, tội phạm đã sử dụng kĩ thuật này để chiếm quyền kiểm soát số điện thoại của nạn nhân, nhằm cướp tiền số của họ hoặc chiếm các tài khoản mạng xã hội.
Một cuộc điều tra mới đây của Motherboard cho thấy hàng trăm người khắp nước Mỹ đã bị hack số điện thoại bằng thủ thuật này. Các nạn nhân trước đó đã bị hack email và tài khoản mạng xã hội. Có người bị mất hàng trăm nghìn USD. Một sinh viên 20 tuổi bị cáo buộc tham gia một nhóm tội phạm đánh cắp hơn 5 triệu USD của cộng đồng tiền số và blockchain bằng thủ đoạn hack SIM này.
Theo nhiều nguồn tin trong cộng đồng này cũng như các cuộc điều tra mới đây, nhiều nhân viên viễn thông được trả tiền để thực hiện hành vi phạm pháp.
“Chỉ cần nói với ai đó rằng họ có thể kiếm tiền bằng việc này, thì rất có thể họ sẽ làm”, một người tự xưng là SIM hacker chia sẻ.
“Chuyện chẳng có gì mới”
Cách thức tìm ra các nhân viên để dụ dỗ khá đa dạng. Tội phạm thường tiếp cận họ qua bạn chung trong đời thực, hoặc đơn giản là qua LinkedIN, Reddit hoặc các mạng xã hội khác, như trường hợp của Dixon.
Ảnh chụp màn hình cổng thông tin của nhân viên T-Mobile, nơi việc hack SIM diễn ra dễ dàng. Ảnh: Motherboard. |
Khi phóng viên của Motherboard phỏng vấn các nhà mạng về việc này, AT&T và Sprint không phản hồi. Một người phát ngôn của T-Mobile cho biết trong một thông cáo rằng họ “nhận thức được những âm mưu lợi dụng khách hàng trong toàn ngành viễn thông và luôn nỗ lực để đảm bảo an toàn của khách hàng”.
Verizon, một nhà mạng khác, nói rằng họ có hệ thống phát hiện được hành vi sai phạm của nhân viên. Một nhân viên của họ, yêu cầu ẩn danh, kể rằng có người tiếp cận qua Reddit để mua chuộc anh hack SIM cho họ. Nhân viên này từ chối với lý do là “không muốn ngồi tù”, và còn vì hệ thống nội bộ theo dõi toàn bộ quá trình đăng nhập và sử dụng tài khoản của nhân viên.
“Chúng ta có thể kiếm được 100.000 USD chỉ trong vài tháng. Tất cả những gì anh cần làm chỉ là kích hoạt SIM card này cho tôi hoặc đưa cho tôi mã số nhân viên và mã PIN của anh”. Một nhân viên khác của Verizon kể lại lời dụ dỗ và phản ứng của anh với nó: “Mã số nhân viên của tôi là: biến đi”.
Một nhân viên của AT&T cho hay, nếu tội phạm tìm ra một nhân viên tha hoá thì hầu như chẳng có cách nào để ngăn họ lại. Nhóm tội phạm chưa từng tìm đến anh, nhưng anh nói rằng mình biết việc đánh tráo diễn ra thế nào. Trong các hệ thống, nhân viên được cấp quyền vượt qua các lớp bảo mật để chuyển đổi số điện thoại. Họ thậm chí có quyền thay đổi mật khẩu mã hoá để bảo vệ số điện thoại ấy.
Dixon xác nhận chuyện này. Anh nói bất kì nhân viên nào của T-Mobile cũng có thể đăng nhập tài khoản và thay đổi SIM. Đó là một trong những quyền mà nhân viên được cấp. “Không cần mật khẩu, không cần ID, tôi có thể làm việc ấy một cách dễ dàng”.
Joseph Dixon từ chối lời đề nghị kiếm 100 USD/tuần vì anh thấy việc ấy là vô đạo đức và anh hiểu được tác hại mà việc làm đơn giản ấy có thể gây ra. Trong những năm qua, anh đã gặp vài khách hàng báo cáo rằng “đường dây điện thoại có trục trặc” và khi nhìn vào hệ thống thì anh nhận ra số điện thoại của họ đã bị chuyển sang SIM khác. “Khi ấy tôi biết chính xác chuyện gì đã xảy ra”.
Theo Dixon, đây không phải là chuyện gì mới mẻ. “Nó đã tồn tại ở T-Mobile hàng năm trời và họ dường như không làm gì để xử lý”.
Không rõ những vụ mua chuộc nhân viên thế này xảy ra từ bao giờ. Về lý thuyết, các nhà mạng cần có hệ thống kiểm tra xem nhân viên nào có liên quan đến các vụ tráo đổi SIM trái phép. Moe The God, một hacker vừa chiếm tài khoản Twitter của một võ sĩ chuyên nghiệp bằng cách chiếm dụng số điện thoại, tiết lộ rằng anh ta có một “nội gián” ở AT&T và một ở Verizon. Người đầu tiên đã làm việc với anh từ tháng 2, người kia từ tháng 4.
“Tôi vừa mới trả thù lao cho họ xong đây”, Moe The God thông báo.
*Tên của nhân vật đã được thay đổi
VietBao.vn