Vậy là mùa của các nhà phát triển công nghệ đã kết thúc với sự kiện WWDC diễn ra hồi đầu tuần, và xu hướng chung được các ông lớn như Apple hay Google hướng đến trong năm nay là tìm cách để người dùng bớt nghiện smartphone hơn trước. Nhưng cho dù là hệ thống hướng đến “Digital Wellbeing” của Google, hay tính năng “Screen Time” của Apple, thì về bản chất chúng vẫn đi trên cùng một con đường: đó là nâng cao nhận thức của người sử dụng thiết bị, từ đó để họ tự chủ động thay đổi hành vi của mình.
Hai ông lớn, một hướng đi
Có thể thấy, các công cụ mà Google và Apple tích hợp trong hệ điều hành mới của mình đều có những điểm chung để hướng đến cùng một mục tiêu. Cả hai ông lớn đều cung cấp cho người dùng công cụ thống kê trực quan cách mà người dùng sử dụng chiếc điện thoại của mình, dùng bao lâu, tốn thời gian cho những ứng dụng nào, v…v… Bên cạnh đó, còn có những thông tin bổ sung khác như bạn nhận bao nhiêu thông báo, ứng dụng nào gửi nhiều thông báo nhất cho bạn. Tuy nhiên, đối với việc cho phép người dùng tự quản lý thời gian sử dụng một ứng dụng nào đó, thì Google và Apple lại có hai hướng tiếp cận khác nhau.
Apple tỏ ra khá “nhẹ tay” và nhân nhượng với người sử dụng iOS 12, khi mà họ cho phép người dùng có thể bỏ qua thông báo hết giờ và vẫn tiếp tục sử dụng ứng dụng (mặc dù hệ điều hành sẽ liên tục thông báo về việc bạn đã quá giờ). Về cơ bản, Apple cho bạn biết là bạn đang dùng một ứng dụng nào đó quá nhiều, và khuyên bạn nên ngừng lại – tuy nhiên nghe theo hay không thì vẫn là việc do bạn tự quyết.
Trong khi đó, Google lại tỏ ra nghiêm khắc hơn rất nhiều đối với người dùng Android P – ít nhất là trong những gì chúng ta thấy được ở phiên bản beta của hệ điều hành. Android P sẽ làm xám icon ứng dụng ở ngoài màn hình chính, và không cho phép bạn mở ứng dụng ra nữa sau khi dùng hết thời gian định mức – buộc bạn phải vào cài đặt và tự tay gỡ bỏ định mức mà mình đã đặt ra.
Đương nhiên giờ vẫn còn khá sớm để biết việc “nhân nhượng” như Apple hay “nghiêm khắc ” như Google sẽ có hiệu quả hơn, và chúng ta sẽ vẫn phải chờ đợi đến phiên bản chính thức của cả hai hệ điều hành để có được những thống kê và phân tích hành vi người dùng chính xác nhất.
Quản lý trẻ em và quản lý thông báo
Apple nhân nhượng với người dùng bình thường hơn Google, nhưng lại cho phép các bậc phụ huynh nghiêm khắc hơn nữa với cách mà con em mình sử dụng điện thoại thông minh, khi mà cung cấp cho các bậc phụ huynh công cụ để quản lý con em mình ngay trên điện thoại cá nhân, mà không cần phải động tay tới thiết bị của chúng.
Cụ thể, những giới hạn thời gian mà phụ huynh đặt cho con em mình trên iOS 12 là hoàn toàn bất khả kháng, vậy nên nếu những đứa trẻ chơi game quá giờ (chẳng hạn như phụ huynh định mức chỉ được chơi Fortnite 1 tiếng mà thôi), chúng sẽ bị buộc thoát khỏi ứng dụng và không thể mở lại được trong ngày hôm đó nữa. Mặc dù Google cũng cung cấp cho các bậc phụ huynh một công cụ tương tự mang tên Family Link, nhưng nó là một ứng dụng riêng mà người dùng cần phải tải về và cài đặt, chứ không được tích hợp sẵn bên trong hệ điều hành như ở iOS 12 của Apple.
Trong khi ấy, về mặt quản lý thông báo, Apple cuối cùng cũng đã học theo Android và cung cấp cho người dùng khả năng gộp thông báo theo các nhóm – từ đó giúp người dùng không bị rơi vào tình trạng lụt thông báo hay thông báo nhảy liên tục như trước đây.
Cung cấp thông tin hay cưỡng chế hành động?
Xét một cách tổng quan, có thể thấy Google chọn hướng đi có phần mạnh tay hơn đối với chương trình Digital Wellbeing của mình, trong khi đó Apple thì lại thiên về việc cung cấp thêm thông tin cho người dùng để từ đó họ có thể đưa ra những quyết định tốt hơn (nếu như họ thật sự muốn vậy). Cả Android P và iOS 12 đều đã bước vào giai đoạn Beta, và có vẻ như vào thời điểm mùa thu năm nay, khi cả hai hệ điều hành này chính thức ra mắt người dùng, sẽ không có thêm sự thay đổi lớn nào nữa.
Cuối cùng thì cả Apple và Google cũng đã bắt đầu đưa ra những động thái mạnh mẽ hơn để hạn chế tình trạng nghiện smartphone đang ngày càng tăng cao trong xã hội hiện đại. Thế nhưng, vẫn không thể tránh khỏi việc rất nhiều người tỏ ra nghi ngờ, cho rằng những hành động của hai ông lớn này chỉ là “làm để cho có” – bởi dù sao, mục tiêu chính của hai hãng này vẫn cứ là tăng số người sử dụng, doanh số bán hàng, và quan trọng nhất là nâng cao lợi nhuận. Trước khi có những báo cáo chính thức về sự thay đổi trong thói quen của người dùng, thì thật khó để khẳng định rằng những nỗ lực của Google hay Apple đã thực sự đủ hay chưa.
Thế nhưng, ít nhất thì chúng ta có thể thấy cả hai ông lớn đều đã nhìn nhận và khẳng định tầm quan trọng của vấn đề này. Và kể cả khi những tính năng mới không phải là câu trả lời thỏa đáng cho những vấn đề mà tình trạng nghiện smartphone gây ra đối với cuộc sống hàng ngày, thì nó vẫn sẽ là bước đi đầu tiên để dẫn tới những sự thay đổi tốt hơn cho tương lai.
Tham khảo The Verge
Hai ông lớn, một hướng đi
Có thể thấy, các công cụ mà Google và Apple tích hợp trong hệ điều hành mới của mình đều có những điểm chung để hướng đến cùng một mục tiêu. Cả hai ông lớn đều cung cấp cho người dùng công cụ thống kê trực quan cách mà người dùng sử dụng chiếc điện thoại của mình, dùng bao lâu, tốn thời gian cho những ứng dụng nào, v…v… Bên cạnh đó, còn có những thông tin bổ sung khác như bạn nhận bao nhiêu thông báo, ứng dụng nào gửi nhiều thông báo nhất cho bạn. Tuy nhiên, đối với việc cho phép người dùng tự quản lý thời gian sử dụng một ứng dụng nào đó, thì Google và Apple lại có hai hướng tiếp cận khác nhau.
Apple tỏ ra khá “nhẹ tay” và nhân nhượng với người sử dụng iOS 12, khi mà họ cho phép người dùng có thể bỏ qua thông báo hết giờ và vẫn tiếp tục sử dụng ứng dụng (mặc dù hệ điều hành sẽ liên tục thông báo về việc bạn đã quá giờ). Về cơ bản, Apple cho bạn biết là bạn đang dùng một ứng dụng nào đó quá nhiều, và khuyên bạn nên ngừng lại – tuy nhiên nghe theo hay không thì vẫn là việc do bạn tự quyết.
Trong khi đó, Google lại tỏ ra nghiêm khắc hơn rất nhiều đối với người dùng Android P – ít nhất là trong những gì chúng ta thấy được ở phiên bản beta của hệ điều hành. Android P sẽ làm xám icon ứng dụng ở ngoài màn hình chính, và không cho phép bạn mở ứng dụng ra nữa sau khi dùng hết thời gian định mức – buộc bạn phải vào cài đặt và tự tay gỡ bỏ định mức mà mình đã đặt ra.
Đương nhiên giờ vẫn còn khá sớm để biết việc “nhân nhượng” như Apple hay “nghiêm khắc ” như Google sẽ có hiệu quả hơn, và chúng ta sẽ vẫn phải chờ đợi đến phiên bản chính thức của cả hai hệ điều hành để có được những thống kê và phân tích hành vi người dùng chính xác nhất.
Quản lý trẻ em và quản lý thông báo
Apple nhân nhượng với người dùng bình thường hơn Google, nhưng lại cho phép các bậc phụ huynh nghiêm khắc hơn nữa với cách mà con em mình sử dụng điện thoại thông minh, khi mà cung cấp cho các bậc phụ huynh công cụ để quản lý con em mình ngay trên điện thoại cá nhân, mà không cần phải động tay tới thiết bị của chúng.
Cụ thể, những giới hạn thời gian mà phụ huynh đặt cho con em mình trên iOS 12 là hoàn toàn bất khả kháng, vậy nên nếu những đứa trẻ chơi game quá giờ (chẳng hạn như phụ huynh định mức chỉ được chơi Fortnite 1 tiếng mà thôi), chúng sẽ bị buộc thoát khỏi ứng dụng và không thể mở lại được trong ngày hôm đó nữa. Mặc dù Google cũng cung cấp cho các bậc phụ huynh một công cụ tương tự mang tên Family Link, nhưng nó là một ứng dụng riêng mà người dùng cần phải tải về và cài đặt, chứ không được tích hợp sẵn bên trong hệ điều hành như ở iOS 12 của Apple.
Trong khi ấy, về mặt quản lý thông báo, Apple cuối cùng cũng đã học theo Android và cung cấp cho người dùng khả năng gộp thông báo theo các nhóm – từ đó giúp người dùng không bị rơi vào tình trạng lụt thông báo hay thông báo nhảy liên tục như trước đây.
Cung cấp thông tin hay cưỡng chế hành động?
Xét một cách tổng quan, có thể thấy Google chọn hướng đi có phần mạnh tay hơn đối với chương trình Digital Wellbeing của mình, trong khi đó Apple thì lại thiên về việc cung cấp thêm thông tin cho người dùng để từ đó họ có thể đưa ra những quyết định tốt hơn (nếu như họ thật sự muốn vậy). Cả Android P và iOS 12 đều đã bước vào giai đoạn Beta, và có vẻ như vào thời điểm mùa thu năm nay, khi cả hai hệ điều hành này chính thức ra mắt người dùng, sẽ không có thêm sự thay đổi lớn nào nữa.
Cuối cùng thì cả Apple và Google cũng đã bắt đầu đưa ra những động thái mạnh mẽ hơn để hạn chế tình trạng nghiện smartphone đang ngày càng tăng cao trong xã hội hiện đại. Thế nhưng, vẫn không thể tránh khỏi việc rất nhiều người tỏ ra nghi ngờ, cho rằng những hành động của hai ông lớn này chỉ là “làm để cho có” – bởi dù sao, mục tiêu chính của hai hãng này vẫn cứ là tăng số người sử dụng, doanh số bán hàng, và quan trọng nhất là nâng cao lợi nhuận. Trước khi có những báo cáo chính thức về sự thay đổi trong thói quen của người dùng, thì thật khó để khẳng định rằng những nỗ lực của Google hay Apple đã thực sự đủ hay chưa.
Thế nhưng, ít nhất thì chúng ta có thể thấy cả hai ông lớn đều đã nhìn nhận và khẳng định tầm quan trọng của vấn đề này. Và kể cả khi những tính năng mới không phải là câu trả lời thỏa đáng cho những vấn đề mà tình trạng nghiện smartphone gây ra đối với cuộc sống hàng ngày, thì nó vẫn sẽ là bước đi đầu tiên để dẫn tới những sự thay đổi tốt hơn cho tương lai.
Tham khảo The Verge