Lật ngược lại lịch sử của xe đạp, tiền thân của chiếc xe đạp ngày nay được cho là cỗ máy đi bộ của nam tước Drais xuất hiện từ năm 1817 tại Đức. Nhưng mới đây, các nhà tìm kiếm đã khám phá ra hình ảnh của một người phụ nữ đi xe đạp có kiểu dáng tương tự với xe đạp hiện đại trong một ngôi đền cổ có niên đại tới 2.000 năm, sớm hơn tới 1.800 năm tiền thân của xe đạp ra đời.
Khám phá bất ngờ này mở ra những câu hỏi xoay quanh về sự ra đời của chiếc xe đạp, liệu có phải là người Ấn Độ cổ có khả năng tiên đoán tương lai của hàng ngàn năm sau, hay chính họ là người đã đưa ra hình ảnh của một phương tiện di chuyển hiện đại và hữu dụng của con người?
Praveen Mohan, người đã phát hiện ra nét chạm khắc trên tường và đăng tải trên kênh youtube cá nhân, anh thuật lại: “Ở một góc tối trên bức tường, chúng tôi đã tìm thấy hình ảnh đáng kinh ngạc về một người đang ngồi trên chiếc xe đạp”.
“Những nhà lịch sử học đều cho chúng tôi biết về chiếc xe đạp đầu tiên được phát minh vào những năm 1800, tức là chỉ mới 200 năm về trước. Nhưng nét chạm khắc trên bức tường cổ này lại có từ 2.000 năm trước”, Mohan băn khoăn.
Từ hình ảnh chiếc xe đạp mà Mohan ghi lại được trong ngôi đền, có thể nhận thấy được sự tương đồng với những chiếc xe đạp hiện đại.
Để giải đáp về sự bí ẩn này, Tiến sĩ – sử gia R Kalaikovan đã đưa ra một lời giải thích khá hợp lý.
Ông cho rằng vào năm 1920, ngôi đền Panchavarnaswamy đã được cải tạo, đây cũng là thời điểm xe đạp đã trở nên phổ biến và kiểu dáng đã nhỏ gọn, bớt cồng kềnh so với xe đạp của những thời kỳ trước đó. “Có lẽ người điêu khắc của ngôi đền đã nhìn thấy ai đó đi trên chiếc xe đạp, đã bị ấn tượng và ghi lại dấu ấn bằng cách chạm nổi lên trên bức tường”, ông R Kalaikovan lý giải.
Đây có vẻ là một lời giải đáp thuyết phục, nhưng vẫn chưa có một bằng chứng đảm bảo và một lời giải thích thật sự chính xác về hình ảnh xe đạp hiện đại trong ngôi đền Panchavarnaswamy.
Clip: Phát hiện hình ảnh con người đi xe đạp hiện đại trong ngôi đền cổ 2.000 năm.
Hà Trang (Mirror)